Các chuyên gia đều nhận định, gen chỉ là một phần nhỏ trong "hồ sơ nguy cơ gây ung thư". GS.TS Brandy-Joe Milliron (Khoa Khoa học Dinh dưỡng tại Đại học Drexel, Mỹ) cho biết, nếu bạn có tiền sử gia đình mắc ung thư, hãy nhớ chỉ 5-10% trường hợp ung thư là do đột biến gen di truyền.
Trên thực tế, có những hành vi, lối sống khác làm gia tăng nguy cơ gây ung thư nhưng nằm trong tầm kiểm soát của bạn. Quan trọng nhất, đó chính là chế độ ăn uống. Một chế độ ăn uống tốt sẽ ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh hiệu quả ngay cả khi trong gia đình bạn đã có người bị ung thư.
Danh sách thực phẩm cần vứt bỏ ngay nếu trong nhà bạn đã có người mắc bệnh ung thư
1. Xúc xích
Thịt đã qua chế biến là một trong những nguyên nhân tồi tệ nhất làm tăng nguy cơ ung thư. Theo Quỹ Nghiên cứu Thế giới, các loại thịt chế biến - chẳng hạn như xúc xích - làm tăng nguy cơ ung thư ruột. Những gì bạn nhận được từ chúng chủ yếu là chất béo, muối và từ đó nguy cơ ung thư tăng lên.
2. Bia
Thích những ly bia lạnh vào cuối ngày vất vả thực sự không phải lỗi của bạn. Tiếc là bia có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư. Nhất là khi gia đình bạn đã có người bị ung thư thì coi chừng.
Các nghiên cứu đã chỉ ra, uống 3-4 ly bia mỗi tuần có liên quan đến việc tăng nguy cơ tái phát ung thư vú ở những phụ nữ đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư giai đoạn đầu.
Theo Tạp chí Ung thư học lâm sàng, trong năm 2012 có 5,5% ca ung thư mới (và 5,8% ca tử vong liên quan đến ung thư trên toàn thế giới) là do uống bia. Khuyến cáo thêm, không chỉ bia, bạn cũng nên bỏ rượu.
3. Thịt bò bít tết
Theo Nghiên cứu Ung thư Thế giới, ăn nhiều thịt đỏ làm tăng nguy cơ mắc ung thư ruột kết. Món thịt bò bít tết lại rất được mọi người ưa chuộng. Nếu bạn sinh ra trong gia đình có tiền sử ung thư thì hãy càng ăn ít càng tốt.
4. Rượu
Bất kỳ loại rượu nào cũng làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh ung thư, chẳng hạn như ung thư vú. Bạn càng uống thường xuyên, nguy cơ của bạn càng tăng lên. Nếu có thể, hãy hạn chế mức độ thường xuyên uống rượu mạnh trong suốt cả tuần.
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ và Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ đều khuyến cáo nam giới uống không quá 2 ly mỗi ngày và phụ nữ không uống quá một ly mỗi ngày.
5. Mứt có nhiều muối
Nhiều loại mứt được bảo quản trong muối. Hàm lượng natri cao làm tăng nguy cơ phát triển ung thư dạ dày. Bất kỳ loại thực phẩm nào có natri làm chất bảo quản bổ sung có lẽ là thứ mà những người có tiền sử ung thư trong gia đình họ nên tránh.
6. Súp đóng hộp
Súp đóng hộp hay bất cứ thực phẩm đóng hộp sẵn thường có lượng natri cao. Theo Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới Quốc tế, vì natri có liên quan đến sự phát triển của ung thư dạ dày, nên tránh các món súp có hàm lượng natri cao.
7. Thịt hun khói
Thịt hun khói có thể là một món ăn nhẹ ngon, giàu protein, nhưng nó vẫn là một loại thịt đã qua chế biến. Giống như các loại thịt chế biến khác, thịt hun khói làm tăng nguy cơ phát triển ung thư đại trực tràng.
Bằng chứng khoa học cũng cho thấy, việc ăn thịt chế biến sẵn như thịt hun khói làm tăng cao nguy cơ mắc ung thư đường tiêu hóa, ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt.
8. Cá đóng hộp
Hãy bỏ qua các loại cá đóng hộp nếu gia đình bạn đã có người mắc ung thư. Những loại cá này thường có rất nhiều muối, gây ra các bệnh ung thư đường tiêu hóa.
Tất nhiên, nếu bạn ăn cá tươi thì lại rất tốt vì chúng cung cấp nguồn protein tuyệt vời, hàm lượng natri thấp hơn rất nhiều.
9. Cá chiên
Nói chung, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng cá thực sự có thể bảo vệ cơ thể chống lại bệnh ung thư. Tuy nhiên, cá chiên thực sự có thể làm tăng nguy cơ ung thư.
Nguyên nhân bởi, hình thức chiên rán làm giảm hàm lượng omega-3 tự nhiên của cá. Quá trình chiên cũng giải phóng axit béo chuyển hóa. Amin dị vòng (HCAs) và lipid bị oxy hóa, tất cả đều có thể làm tăng nguy cơ ung thư, bao gồm ung thư vú, đại trực tràng, thực quản, gan, buồng trứng và tuyến tụy.
10. Dưa cà muối
Dưa cà muối là món ăn rất phổ biến của người Việt. Giúp bữa ăn thêm ngon miệng, ăn được nhiều cơm, dưa cà muối trở thành khoái khẩu với nhiều người.
Tuy nhiên, hàm lượng muối trong nhóm thực phẩm này rất cao. Nhất là những loại dưa cà muối bán sẵn ngoài chợ rất khó kiểm soát lượng muối, khâu an toàn vệ sinh thực phẩm nên nguy cơ mắc ung thư cũng rất lớn.
Thay vào đó, để tránh ung thư khi gia đình đã có người mắc bệnh, bạn nên duy trì những thói quen sau
1. Ăn nhiều rau củ quả tươi
Các loại rau củ quả, nhất là những loại được nuôi trồng hữu cơ, rất tốt để phòng chống ung thư. Chúng vừa chứa lượng chất chống oxy hóa dồi dào vừa ít nguy cơ nhiễm hóa chất.
2. Tăng cường ăn rau họ cải
Rau họ cải bao gồm bông cải xanh, súp lơ, cải bắp, cải thìa, cải xoăn. Thành phần trong các loại rau này có thể giúp cơ thể chống lại bệnh ung thư như đại tràng, vú, phổi và cổ tử cung.
3. Bổ sung thường xuyên các loại rau lá xanh đậm
Những chất dinh dưỡng của rau lá xanh đậm có thể giúp bảo vệ cơ thể chống lại ung thư miệng, thanh quản, tụy, phổi, da, và dạ dày.
4. Bổ sung các loại gia vị vào chế độ ăn
Các loại gia vị như gừng, tỏi, nghệ... đều phổ biến trong nhà bếp. Bạn nên thêm gia vị phù hợp vào món ăn phù hợp để tăng cường khả năng chống ung thư vì những loại gia vị này đều rất giàu chất chống oxy hóa có khả năng chống viêm.
5. Ăn nhiều quả mọng
Những quả mọng như dâu tây, mâm xôi, việt quất có chứa phytochemical, còn gọi là axit ellagic rất dồi dào. Chúng có thể chống lại ung thư, làm chậm sự tăng trưởng của tế bào ung thư.
6. Ăn nhiều các loại đậu
Các loại đậu đều chứa nhiều phytochemical có thể làm chậm sự phát triển của khối u và ngăn chặn khối u giải phóng các chất gây tổn hại thêm các tế bào lân cận. Do đó ăn đậu thường xuyên cũng là cách chống ung thư hiệu quả.
7. Ăn đồ dạng luộc, hấp, hầm nhiều hơn
Thay vì ăn đồ chiên rán hay nướng quá nhiều, bạn nên chuyển sang chế biến món ăn ở dạng hầm, hấp, luộc sẽ giảm lượng các chất độc hại trong thực phẩm. Đây cũng là những phương pháp nấu ăn tốt nhất để phòng chống ung thư.