TS. Vũ Minh Đức, Cục trưởng cục Nhà giáo (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ đang lấy ý kiến tham vấn từ các cơ quan chuyên môn, chuyên gia, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục… để xây dựng dự án Luật Nhà giáo. Trong nhiều nội dung được đưa ra bàn thảo, lấy ý kiến có quy định nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp.
Ông Vũ Minh Đức nhấn mạnh, giấy chứng nhận nghề nghiệp thể hiện năng lực của đội ngũ nhà giáo. Đồng thời sẽ thay thế cho hai giấy tờ quan trọng: Quyết định công nhận hết thời gian tập sự của giáo viên và giấy chứng nhận hoàn thành bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
“Giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo không phải là một giấy phép con. Việc cấp giấy chứng nhận này đảm bảo nguyên tắc đơn giản, miễn phí và sử dụng suốt đời”, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng cục Nhà giáo (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh.
Trước nội dung được đưa ra bàn thảo, lấy ý kiến quy định nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp. Nhiều giáo viên là người trong cuộc cho rằng, điều mà họ băn khoăn nhất đó là cách tổ chức, quản lý vấn đề này sẽ như thế nào cho hiệu quả. Bởi việc cấp chứng nhận, chứng chỉ thì dễ nhưng đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo dẫn tới cấp chứng nhận mới thực là khó, và là điều đáng phải suy nghĩ nhiều nhất.
Liệu có khác các chứng chỉ trước đó?
PGS.TS Lê Hữu Lập, Nguyên Phó giám đốc học viện Bưu chính Viễn thông cho rằng, giấy chứng nhận nghề nghiệp giáo viên là không khả thi.
Ông Lập cho rằng, đây là một dạng giấy phép con thôi. Nếu có đưa ra chắc Quốc hội sẽ bác thôi.
“Chúng ta đang cải cách hành chính, sao lại thêm giấy chứng nhận nghề nghiệp (chính là giấy phép hành nghề) nữa. Lại học...nữa. Còn những việc khác để nâng cao chất lượng với chương trình giáo dục mới còn chưa xong”- ông Lập nêu quan điểm.
Ông Lập nói thêm: Cứ hỏi xem, chứng nhận nghề nghiệp khác gì với chứng chỉ bồi dưỡng sư phạm (phải học tới 6 tháng) ở tất cả các cấp học rồi.
“Yêu cầu giáo viên phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp lại mất thời gian đi học và lại xin tiền ngân sách để làm”- ông Lập nêu quan điểm.
Giáo viên sợ “đẻ’ ra nhiều dịch vụ
Thầy giáo Lê Thảo, giáo viên trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội) cho rằng, từ trước đến nay giáo viên đi dạy có cần chứng nhận đâu.
Thầy Thảo cho rằng, giấy chứng nhận quan trọng nhất là được học sinh, phụ huynh công nhận và được xã hội đánh giá thông qua các thành tích giảng dạy và công tác Giáo viên khi tốt nghiệp 1 trường sư phạm là 1 minh chứng cho việc trở thành 1 người thầy, người cô trong công tác giáo dục
Còn theo thầy Thảo, nếu 1 người không tốt nghiệp sư phạm nhưng lại tham gia công tác giảng dạy thì mới cần các chứng chỉ, nghiệp vụ để đối chiếu.
Thầy Thảo còn băn khoăn, giáo viên mỗi vùng mỗi khác, chuẩn từng vùng cũng khác nhau. Bình thường giáo viên sau khi đi làm đều phải hoàn thành tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Cái giấy này nếu cấp như thế chỉ để cho có, làm gì thể hiện được năng lực của nhà giáo.
“Tôi lo ngại khi bắt buộc cần chứng chỉ nghề nghiệp cho giáo viên dễ lại sinh ra các dịch vụ cò , dịch vụ học bồi dưỡng này nọ. Cứ đưa ra thì sẽ có dịch vụ thôi”- thầy Thảo nêu quan điểm.