Quốc gia vùng Vịnh này đứng thứ 17 trong bảng xếp hàng toàn cầu về tỷ lệ béo phì cao. Đây thực sự là vấn đề cấp bách mà chính phủ nước này đang nỗ lực giải quyết. Cũng vì lẽ đó, những nhà hàng cung cấp các bữa ăn có lợi cho sức khỏe đang mọc lên ngày càng nhiều với mục tiêu góp phần giảm tỷ lệ béo phì đang ở mức báo động.

Ông al-Shammari, một chuyên gia phân tích tài chính, đang lựa chọn đồ ăn cho bữa trưa tại một nhà hàng ở thủ đô Riyadh, thay vì chọn đồ ăn nhanh giờ ông đã chuyển sang dùng những đồ ăn lành mạnh.

"Khi tôi thử ăn các món ăn có lợi cho sức khỏe trong vòng 2 hoặc 3 ngày, tôi cảm thấy có sự khác biệt rõ rệt. Trước đây tôi thường ăn đồ ăn nhanh hoặc món Kabsa, một món ăn truyền thống của người Saudi Arabia, tôi thường cảm thấy nặng bụng và thấy mình ăn quá nhiều. Nhưng khi chuyển sang các đồ ăn lành mạnh, tôi thấy người nhẹ nhõm hơn và tràn đầy năng lượng để làm việc".

Nhà hàng giúp giảm béo phì tại Saudi Arabia - Ảnh 1.

Nhà hàng mà ông Al-shammari đang dùng bữa trưa chuyên cung cấp các đồ ăn có lợi cho sức khỏe. Mỗi ngày nhà hàng này cung cấp bữa ăn cho khoảng 500 người.

Ông Basil Chehayeb - Quản lý nhà hàng Reshape: "Chúng tôi tính toán lượng calo trong mỗi bữa ăn để đảm bảo nó không chứa bất kỳ loại chất béo nào mà chỉ có các nguyên liệu tươi ngon và rau tươi".

Do thời tiết nóng nực suốt ngày, nên người dân Saudi Arabia thường hạn chế các động ngoài trời, lười vận động mà chủ yếu dành phần lớn thời gian rảnh rỗi tại các nhà hàng hay các trung tâm mua sắm có máy lạnh. Tuy nhiên, trước tỷ lệ béo phì ở mức đáng báo động như hiện nay, Bộ Y tế Saudi Arabia đã kêu gọi người dân thay đổi lối sống cũng như yêu cầu các nhà hàng đưa thông tin về lượng calo vào thực đơn để khuyến khích người dân ăn uống lành mạnh hơn.

Ông Basil Chehayeb - Quản lý nhà hàng Reshape: "Chúng tôi nhận thấy ngày càng có nhiều người theo đuổi lối sống lành mạnh, không chỉ giới hạn ở việc thay đổi thói quen ăn uống. Họ ít ăn đồ ăn nhanh hơn mà thường xuyên đến phòng tập thể dục hơn".

Để giảm tỷ lệ béo phì ở giới trẻ, mới đây Bộ Y tế Saudi Arabia còn cấm bán nước ngọt trong trường học. Nước này đặt mục tiêu vào năm 2030, tỷ lệ béo phì sẽ giảm khoảng 3% so với hiện nay.