Vào khoảng cuối tháng 1, đoạn video ngắn ghi lại cảnh một cậu thanh niên liếm vào những món đồ ở cửa hàng sushi băng chuyền tên Sushiro đã nhanh chóng được lan truyền. Cụ thể, chàng trai thiếu ý thức này đã liếm vào bát đựng nước tương và cốc nước tự phục vụ, sau đó để lại chỗ cũ khiến khách hàng tiếp theo không biết và vô tình sử dụng.
Kể từ đó, nhiều người đã gọi vụ việc này với cái tên “daeki tero", nghĩa là “khủng bố bằng nước bọt". Vụ việc gây bức xúc đến nỗi cậu thanh niên này phải cùng bố mẹ đầu thú và công khai xin lỗi công ty quản lý chuỗi nhà hàng này.
Thế nhưng, lời xin lỗi là cái giá quá nhẹ so với những gì mà cửa hàng phải gánh chịu. Nếu tính tổng tất cả các khoản thất thoát bao gồm giá cổ phiếu giảm 5%, bồi thường cho khách hàng và cả phần lợi nhuận bị mất đi, công ty này có thể nhận thiệt hại lên đến hàng trăm triệu yên.
Nhưng vấn đề ở đây không đơn giản chỉ là tiền bạc. Trên các trang mạng xã hội, mọi người bắt đầu kháo nhau rằng sẽ chẳng bao giờ đến ăn tại những cửa hàng tương tự nữa.
Khi nhìn thấy những gì mà chàng trai trẻ này làm, khách hàng nhận ra rằng có thể có hàng trăm, hàng ngàn người như thế ngoài kia. Cùng với sự ảnh hưởng của Covid-19, chẳng ai muốn thưởng thức một món ăn đã “qua tay” biết bao nhiêu người trước khi đến với bàn của mình.
Trên thực tế, đây không phải là trường hợp “khủng bố nước bọt” đầu tiên. Hành động thiếu ý thức này đã xuất hiện trên các trang mạng xã hội, các phương tiện truyền thông từ vài ngày, vài tuần hay thậm chí là vài năm trước.
Cách đây một thời gian, người ta cũng lan truyền đoạn video ghi lại cảnh một khách hàng lấy wasabi từ bàn của mình để cho vào những đĩa thức ăn đang nằm trên băng chuyền. Chưa hết, người này còn liếm chiếc thìa dùng để lấy bột trà xanh mà mọi người vẫn sử dụng chung.
Mặc dù hành động này diễn ra không thường xuyên, nhưng chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để làm náo động xã hội Nhật Bản, nơi mà ngành công nghiệp sushi có giá trị ước tính lên đến 740 tỷ yên (hơn 132 nghìn tỷ đồng).
Để lấy lại lòng tin của khách hàng, một chuỗi sushi băng chuyền có tên Kura Sushi đã cài đặt vi mạch trên các đĩa sushi. Ngoài việc theo dõi món ăn đã đặt trên băng bao lâu, thiết bị này còn có thể phát hiện những đĩa thức ăn nào đã bị “động tay động chân", sau đó phát ra tín hiệu để khách hàng có thể tránh những món đó.
Trong khi đó, chuỗi cửa hàng Hama Sushi quyết định bỏ loại băng chuyền thông thường và chuyển sang sử dụng loại băng chuyền tốc hành thường thấy trong những nhà hàng, khách sạn lớn. Đối với loại băng chuyền này, món ăn sẽ được đặt riêng và đưa thẳng đến vị trí yêu cầu.
Sau khi sự cố xảy ra, có tin đồn cho rằng Sushiro cũng đang muốn đi theo con đường tương tự Hama Sushi. Tuy nhiên, công ty đã phủ nhận điều đó và khẳng định rằng họ chỉ muốn thay đổi cách lưu trữ đồ dùng gia vị.
Trước những thách thức và nỗ lực sửa chữa, thật khó để đoán trước vận mệnh của sushi băng chuyền sẽ đi về đâu. Nhiều người bày tỏ ý kiến về vấn đề trên thông qua các bình luận:
“Nếu những chuỗi cửa hàng này không dùng băng chuyền nữa, thì chúng chẳng khác gì cửa hàng sushi thông thường”.
“Họ sẽ chuyển sang đóng gói nước sốt và cốc giấy riêng, nhưng phương pháp này lại không tốt cho môi trường vì tạo ra nhiều rác thải nhựa".
Hoặc “Tôi nghĩ ngay cả khi có băng chuyền tốc hành thì kẻ phá rối vẫn có thể khạc nhổ vào món ăn khi nó đi ngang qua".
Tuy vậy, vẫn có nhiều người bày tỏ sự thông cảm đối với các nhà hàng sushi. Ca sĩ Yuya Tegoshi đã viết trên tài khoản twitter của mình: "Tôi rất muốn đến Sushiro nhưng nhà hàng lúc nào cũng đông nghịt khách. Bây giờ họ không đi ăn nhiều nữa nên tôi chắc chắn sẽ đến thưởng thức".
Chủ tịch của chuỗi nhà hàng vô cùng cảm động trước những sự ủng hộ đó, ông bày tỏ rằng bản thân muốn bật khóc và không ngờ rằng vẫn còn được nhiều người yêu mến đến vậy.
Băng chuyền từ lâu đã là một nét độc đáo riêng của các cửa hàng sushi ở Nhật Bản. Cảm giác bất ngờ khi nhìn thấy món ăn yêu thích chạy qua trước mặt khiến cho nhiều du khách, thậm chí là cả người dân bản địa cảm thấy thích thú.
Ai cũng sẽ rất buồn nếu những trải nghiệm đậm chất văn hoá đó biến mất, nhưng việc “khủng bố nước bọt" và lây lan dịch bệnh buộc chúng ta phải đưa ra những lựa chọn tốt nhất cho sức khỏe.