Theo số liệu của Cục Viễn thông – Bộ Thông tin & Truyền thông, sau gần 8 tháng triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ số, tính từ 16/11/2018 đến ngày 14/07/2019, số lượng thuê bao đăng ký chuyển đến và đi với 5 mạng di động tại Việt Nam là 812.836 thuê bao.
Trong số này, Viettel là mạng di động dẫn đầu với số thuê bao đăng ký chuyển đến nhiều nhất với 361.763 thuê bao. Đăng ký chuyển tới thấp nhất là mạng Vietnamobile có 4.494 thuê bao. Riêng mạng di động Gtel không có thuê bao nào đăng ký chuyển đến và đi.
Tuy nhiên chỉ có 78,6% số lượng thuê bao đăng ký trên có thể chuyển mạng giữ số thành công.
Với 3 nhà mạng lớn nhất trong nước, sau gần 8 tháng, Mobifone đã giải quyết thành công 101.383 thuê bao chuyển đến, 108.443 thuê bao chuyển đi. Viettel đã có 268.076 thuê bao chuyển đến, 288.174 thuê bao chuyển đi. Riêng VNPT có 258.325 thuê bao chuyển đến nhưng chỉ 200.363 thuê bao chuyển đi.
Như vậy, nhà mạng có thêm thuê bao là VNPT lại có số khách hàng bị từ chối chuyển đi nhiều nhất với 50.678 trường hợp.
Báo cáo chuyển mạng giữ số của các nhà mạng tại Việt Nam.
Cũng theo báo cáo của Cục Viễn thông, 3 nhà mạng VNPT, Mobifone, Viettel đều giải quyết được 100% các khiếu nại liên quan đến chuyển mạng giữ số. Tỷ lệ này với Vietnamobile chỉ đạt 77%.
Đối với khách hàng, việc cho phép các mạng di động trong nước triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ số mang lại nhiều lợi ích. Khách hàng có quyền lựa chọn nhà mạng mình muốn mà không bị ràng buộc bởi việc phải giữ số điện thoại.
Trong khi đó các nhà mạng lại phải cạnh tranh về gói cước, chất lượng dịch vụ. Cuộc đua giữ khách cũ và thu hút thêm thuê bao từ mạng khác đã nóng từ những ngày cung cấp dịch vụ đầu tiên.
Không ít thuê bao trong những ngày đầu tiên của chuyển mạng giữ số đã bị nhà mạng mình đang sử dụng từ chối chuyển đi vì một lý do "khó hiểu" nào đó. Sau khi từ chối chuyển đi, thuê bao thường được nhà mạng của mình gọi điện tìm hiểu lý do vì sao muốn chuyển đi và đề nghị cung cấp cho khách hàng gói cước hấp dẫn hơn của nhà mạng kia.
Sau khi khách hàng chấp nhận gói cước, thuê bao của khách thường mặc định tham gia chương trình khuyến mại gói với thời gian cam kết sử dụng tới vài năm. Và như vậy trong vài năm sau muốn chuyển đi cũng không được chấp nhận theo quy định.
Còn khách hàng cũng hiểu được mục tiêu cần giữ khách cũ của nhà mạng nên đã xuất hiện nhiều trường hợp khách hàng chủ động gọi điện lên tổng đài của mạng, chủ động yêu cầu cung cấp gói cước nếu không sẽ chuyển đi. Khi đó nhà mạng thường chấp nhận yêu cầu.
Việt Nam đang có gần 134 triệu thuê bao di động đang hoạt động. Việc có thêm thuê bao mới đang ngày một khó với các nhà mạng và làm thế nào để giữ được thuê bao đang hoạt động sẽ khiến các mạng cạnh tranh gay gắt hơn.