Cuối tháng 11, Hà Nội đang bước vào những ngày đẹp nhất, với thời tiết se lạnh và ánh nắng dịu nhẹ, thích hợp cho hoạt động ngoài trời. Đây cũng là thời điểm hàng loạt trải nghiệm khám phá mới lạ được ra mắt, giúp các gia đình có thêm nhiều lựa chọn vui chơi hơn. Một trong số đó, cũng là lần đầu tiên diễn ra là không gian trải nghiệm ở nhà máy xe lửa Gia Lâm.
Nhà máy xe lửa biến thành "bảo tàng nghệ thuật"
Nằm bên kia cầu Long Biên, ga Gia Lâm không quá xa lạ với các gia đình nhưng nhà máy xe lửa Gia Lâm là cái tên hoàn toàn mới. Trước kia, khi nhắc đến nơi này, mọi người chỉ biết là một địa điểm cũ kỹ, là nơi làm việc của những công nhân ngành đường sắt trước kia nhưng đã bị bỏ quên nhiều năm. Sự tò mò liệu bên trong công trình được xây dựng từ năm 1905 này như thế nào cũng có, nhưng hiếm ai nghĩ tới cơ hội vào thăm.
Bởi vậy, khi được mở cửa đón du khách vào những ngày qua thì đã đưa khách tham quan đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác. Ban đầu, địa điểm được giới thiệu là tổ hợp nghệ thuật sáng tạo, thu hút giới trẻ tới check in, thưởng thức - mua sắm các tác phẩm nghệ thuật được sáng tạo từ bàn tay của nghệ nhân ở nhiều lĩnh vực.
Thế nhưng, nhiều người còn phát hiện ra, nơi này cũng là một địa điểm lý tưởng để đưa trẻ tới khám phá. Từng công xưởng chế tạo máy, xưởng sửa chữa khi xưa vẫn được giữ nguyên vẹn. Nhưng thay vì chỉ phục vụ cho ngành đường sắt thì nay chúng được hô biến thành các không gian nghệ thuật.
Bên trong đó, không phải là những tác phẩm mang màu trừu tượng mà chính là ý tưởng quen thuộc như những chiếc dép lốp, tò he, những con trâu, con kiến với chất liệu gốm, sơn mài, cá, chuồn chuồn bằng tre... Điểm khác biệt là tất cả sẽ được sắp xếp như các triển lãm nghệ thuật, bắt mắt, kích thích sự tò mò của người xem.
Trẻ được trèo lên toa tàu hỏa, học luật giao thông
Mặc dù 25/11 và 26/11 mới là hai ngày "chính hội" song, nhà máy xe lửa Gia Lâm đã mở cửa từ trước đó cả tuần. Tranh thủ vào ngày trong tuần, chị Dương Hương Thảo (Hà Nội) đã đưa hai con tới khám phá.
Chị Thảo chia sẻ, về hành trình trải nghiệm nhà máy xe lửa Gia Lâm, hai em bé khá thích thú khi được ngắm cảnh từ tàu hoả, hỏi các câu hỏi về luật giao thông khi đi trên đường (tại sao ô tô, xe máy lại dừng khi tàu đi qua, tại sao xe lửa lại cần đường ray…). Mặc dù phải dậy từ sáng sớm để đi chuyến tàu 8h, đi bộ trong suốt quá trình tham quan rộng lớn nhưng hai bạn vẫn đầy năng lượng và háo hức khám phá.
Ảnh: Dương Hương Thảo
"Hai bạn nhỏ đặc biệt thích thú với đầu máy hơi nước cổ, 4 cặp bánh chủ động của xe. Hai bạn hỏi rất nhiều câu hỏi về cơ chế chạy của tàu lửa, tiếc là mẹ chưa biết nhiều để giải thích cho các bạn, hẹn các bạn khi khác sẽ giải đáp sau. Hai bạn cũng rất thích về khu vực nghệ thuật ngoài trời có tính tương tác hơn là khu vực triển lãm trong nhà", chị nói thêm.
Kinh nghiệm tìm kiếm các hoạt động cho con của bà mẹ Hà Nội
Khi chị Dương Hương Thảo chia sẻ những hình ảnh của con lên trang cá nhân, không ít bậc phụ huynh đã vào hỏi thăm và nhờ chỉ dẫn bởi cũng muốn đưa con tới trải nghiệm. Không những vậy, họ còn thắc mắc vì sao chị Thảo luôn tìm được những nơi vui chơi như vậy từ những ngày đầu tiên.
Là mẹ có 2 con nhỏ, chị Thảo luôn luôn tìm kiếm chỗ vui chơi cho các con. Nói về tình hình ở Hà Nội hiện nay, chị cho hay: "Với các gia đình Hà Nội, tìm được điểm vui chơi kết hợp khám phá và có thêm các hoạt động gắn kết không hề dễ dàng. Nếu có, các điểm đó thường ở ngoại thành xa hoặc chưa được kết nối bởi các phương tiện giao thông công cộng, chi phí cho cả gia đình trong một ngày là không rẻ. Mình thường để tâm tìm kiếm các địa điểm vui chơi trong thành phố, dễ dàng di chuyển bằng phương tiện công cộng và có nhiều các hoạt động phù hợp với lứa tuổi của các bé (nhà mình có bé 3 tuổi và bé 5 tuổi)".
Để tìm được cho con, chị Thảo thường tìm kiếm thông tin trên các trang mạng xã hội hoặc báo chí và sắp xếp cho các con tham gia, tuy nhiên phải chọn lọc kỹ bởi không phải chỗ nào cũng có thể đưa con tới. "Hiện Hà Nội có phát triển thêm về du lịch ban đêm nhưng không phù hợp với lịch sinh hoạt của các gia đình con nhỏ", chị Thảo nói.
Kinh nghiệm của chị Thảo là nhắn tin trực tiếp cho nguồn thông tin hoặc người giới thiệu để hỏi chi tiết về phương pháp mua vé, các lưu ý khi có trẻ nhỏ. Ngoài ra, mình cũng thường tìm hiểu thêm về thời tiết để chuẩn bị áo, mũ, đồ ăn uống cho con.
Ảnh: Dương Hương Thảo, Hạnh Mỹ
Mẹ con chị Thảo lựa chọn phương tiện tàu hỏa từ ga Hà Nội tới ga Gia Lâm rồi di chuyển tới nhà máy xe lửa Gia Lâm. Tuy nhiên, nếu như không tiện đi chuyến tàu lúc 8h sáng và 13h30 chiều, các gia đình cũng có thể di chuyển bằng phương tiện cá nhân bởi ở sự kiện đã sắp xếp chỗ đỗ xe máy và ô tô có sức chứa tương đối lớn.