Cùng là một mục đích dạy dỗ con cái nhưng những lời khen ngợi luôn mang lại hiệu quả cao hơn la mắng. Điều này thể hiện rõ qua thí nghiệm của nhà tâm lý học người Mỹ Elizabeth Bergner Hurlock thực hiện vào năm 1925.

Theo đó, Hurlock đã tiến hành theo dõi 106 học sinh lớp 4 và lớp 5 và chia thành 4 nhóm. Các học sinh trong mỗi nhóm đều có học lực ngang bằng nhau, nhiệm vụ được giao cũng giống nhau, đó là làm các bài toán. Thí nghiệm được tiến hành trong 5 ngày liên tiếp, mỗi ngày 15 phút.

Nhóm thứ 1: Hurlock không đánh giá gì về thành tích của những em học sinh này, để yên một chỗ cho các em làm toán.

Nhóm thứ 2: Hurlock khen ngợi và khuyến khích mỗi khi các em làm xong một bài toán.

Nhóm thứ 3: Hurlock liên tục chỉ trích các em làm không tốt, nghiêm khắc phê bình khi các em mắc lỗi.

Nhóm thứ 4: Nhóm đứng ngoài cuộc, các em không tham gia làm toán, không bị nhận xét gì nhưng có thể thấy được những lời khen ngợi, chỉ trích của nhóm 2 và nhóm 3.

Thí nghiệm tâm lý học chứng minh tầm quan trọng của sự quan tâm đối với một đứa trẻ - Ảnh 1.

Thí nghiệm chứng minh tầm quan trọng của việc quan tâm đối với một đứa trẻ. (Ảnh minh họa)

Kết quả cho thấy, nhóm có thành tích tốt nhất là nhóm 2, tiếp theo là nhóm 3, còn lại là nhóm 1 và 4.

Theo phân tích của Hurlock, nguyên nhân khiến nhóm 1 và nhóm 4 có thành tích kém nhất là do các em không nhận được phản hồi nào, tức là các em bị phớt lờ hoàn toàn. Mặc dù nhóm 4 không bị chỉ trích hay khen ngợi nhưng thái độ của Hurlock đối với các nhóm khác vẫn gián tiếp ảnh hưởng đến các em.

Thông qua thí nghiệm này có thể thấy rằng, sự thờ ơ đối với trẻ em là một hành vi rất nghiêm trọng, nó có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đối với trẻ.

Bố mẹ nên hiểu điều này, khi con cái gặp khó khăn, họ nên chủ động giúp đỡ trẻ ngay từ đầu. Nếu sự giúp đỡ không mang lại hiệu quả hoặc con cái không hợp tác (chẳng hạn như giảng bài nhưng mãi con không hiểu), sau đó bố mẹ nói "thôi bố mẹ mặc kệ con đấy, thích làm gì thì làm", rồi không quan tâm tới nữa. Đây là hành vi điển hình của sự bỏ mặc và phớt lờ con cái.

Sự bỏ mặc, phớt lờ của bố mẹ ảnh hưởng như thế nào đến con cái?

- Ảnh hưởng đến kết quả học tập

Khi có bố mẹ bên cạnh giám sát, nhắc nhở, điều này có thể giúp trẻ hình thành thói quen học tập tốt. Sự quan tâm của bố mẹ cho phép họ hiểu được những vấn đề con mình gặp phải trong quá trình học và kịp thời giúp đỡ.

Nếu con cái thường xuyên thiếu vắng sự đồng hành của bố mẹ, trẻ sẽ kém tự tin, không có hứng thú trong việc học. Điều này thể hiện rõ ràng nhất khi trẻ học tiểu học.

Thí nghiệm tâm lý học chứng minh tầm quan trọng của sự quan tâm đối với một đứa trẻ - Ảnh 2.

Nếu con cái thường xuyên thiếu vắng sự đồng hành của bố mẹ, trẻ sẽ không có hứng thú trong việc học. (Ảnh minh họa)

- Ảnh hưởng tới tính cách

Sự hướng dẫn, dạy dỗ của bố mẹ rất quan trọng trong việc hình thành tính cách của con cái. Nếu thường xuyên quan tâm tới con cái, bố mẹ sẽ kịp thời uốn nắn, chỉnh đốn nếu thấy trẻ có những hành vi sai lệch.

Ví dụ, khi thấy con cái hướng nội, thích ở trong nhà nhiều hơn, bố mẹ nên tạo điều kiện để đưa con ra ngoài hoặc cho con có cơ hội kết bạn với những người khác.

Ngược lại, những đứa trẻ bị bố mẹ thờ ơ, không quan tâm thường rất cô đơn, có vấn đề về tâm lý, không biết trân trọng bản thân… Về lâu dài, những đứa trẻ này không thích giao tiếp với xã hội, tự ti, thích thu mình.

Tóm lại, đứa trẻ nào cũng đều sợ bị bố mẹ mình phớt lờ, không quan tâm. Trong giai đoạn đầu đời, trẻ cần có bố mẹ đồng hành bên cạnh. Sự quan tâm của bố mẹ chính là dưỡng chất tốt nhất để nuôi dưỡng sự sống của con cái.

Nhà tâm lý học người Mỹ chứng minh tầm quan trọng của sự quan tâm đối với một đứa trẻ, hiểu được điều này cha mẹ sẽ không bỏ rơi con mình nữa - Ảnh 3.

https://afamily.vn/nha-tam-ly-hoc-nguoi-my-chung-minh-tam-quan-trong-cua-su-quan-tam-doi-voi-mot-dua-tre-hieu-duoc-dieu-nay-cha-me-se-khong-bo-roi-con-minh-nua-20211230200544797.chn