Một cơ hội việc làm tốt, phù hợp là điều mà bất cứ ứng viên nào cũng mong muốn. Nhưng cũng vì thế mà một nơi làm việc tốt có tính cạnh tranh rất lớn, yêu cầu ứng viên phải có tiềm năng và nổi bật. Bên cạnh năng lực, nhà tuyển dụng hiện nay cũng rất chú trọng đến khả năng ứng xử, đối phó với tình huống bất ngờ của ứng viên.
Vương Khải là một sinh viên mới ra trường, cùng giống như bao sinh viên khác, anh rất mong muốn tìm được một việc làm tốt để có thể phát triển bản thân. Nhưng ở một thành phố phát triển, hàng năm có hàng chục nghìn sinh viên ra trường thì mọi cơ hội đều rất cạnh tranh. Hơn nữa, Vương Khải ra trường với một số điểm không quá xuất sắc nên càng lo lắng hơn.
Thời sinh viên, anh Vương dành một phần thời gian cho các hoạt động ngoại khoá cũng như việc học các kỹ năng khác và đi làm thêm nên điểm sau 4 năm đại học chỉ ở mức bình thường. Nhận ra đây cũng là yếu điểm của mình so với những ứng viên khác nên Vương Khải tập trung vào kỹ năng chuyên môn cho môi trường làm việc mình định hướng để có sự cân bằng hơn.
Sau một thời gian nộp hồ sơ vào các công ty lớn, Vương Khải đã nhận được lời mời phỏng vấn. Việc qua được vòng hồ sơ cũng đã là một phần thành công nên anh đã nắm bắt cơ hội này bằng cách tranh thủ học thêm kiến thức.
Để được nhận làm nhân viên, các ứng viên phải trải qua phần test kiến thức và phỏng vấn với trưởng bộ phận. Đúng như những gì Vương Khải cố gắng, anh đã đến được vòng phỏng vấn cuối cùng. Lúc này, đối thủ của anh là 2 người khác đã có kinh nghiệm 1-2 năm.
Vì đã có bài kiểm tra kiến thức từ trước nên phần phỏng vấn chủ yếu tập trung vào việc trao đổi công việc cũng như tìm hiểu các ứng viên. Sau khoảng 10 phút phỏng vấn, nhà tuyển dụng nhận thấy các ứng viên đều có tố chất và kỹ năng để làm việc nhưng vẫn có một điều băn khoăn: "Tôi thấy điểm đại học của các bạn không cao? Tại sao chúng tôi phải chọn bạn?".
Đụng trúng điểm yếu của cả 3 ứng viên, ai nấy đều tỏ ra hoảng hốt vì không biết phải trả lời làm sao. Ứng viên thứ nhất cố lấy lại bình tĩnh và trả lời: "Tôi nghĩ điểm số không phải tất cả, tôi tự tin rằng mình vẫn có thể làm tốt công việc ứng tuyển". Phần trả lời có phần dõng dạc nhưng nhà tuyển dụng không thực sự ưng ý nên đã chuyển qua người thứ 2.
Những câu hỏi tình huống nhà tuyển dụng đưa ra đều để xem cách ứng phó của ứng viên. (Ảnh minh hoạ)
Ứng viên thứ 2 lại hoàn toàn ấp úng và run rẩy, người này bắt đầu nói về chuyện học tập ở trường đại học của mình, nói ra những khó khăn mình gặp phải để giải thích cho việc điểm số không cao. Nhưng đáng tiếc là nhà tuyển dụng lại không để tâm tới lời giải thích chủ quan này.
Còn lại Vương Khải, anh đã biết điểm số không phải thế mạnh của mình nên đã mạnh dạn trả lời: "Tôi không có gì để giải thích việc điểm chưa tốt. Nhưng tôi nghĩ việc đi học và đi làm có một khoảng cách khá xa. Đi học thì cuối kỳ mới kiểm tra, nhưng trong công việc bất cứ lúc nào cũng là một thử thách, không được phép lơ là. Và tôi có kỹ năng xã hội, các chứng chỉ ngoại ngữ đủ để ứng phó với mọi tình huống bất ngờ hằng ngày".
Chính câu trả lời tự tin và khéo léo này đã mang đến cho Vương Khải cơ hội làm việc. Nhà tuyển dụng đã lập tức mời anh đi làm vào tuần sau và mong muốn anh có thể phát huy được tinh thần này.
Thực tế, những câu hỏi tình huống không đặt quá nặng về câu trả lời mà là một cách để nhà tuyển dụng nhìn nhận ứng viên, đặc biệt là qua cách ứng xử, đối phó với những điều bất lợi. Và một cách giải quyết thông minh, sắc bén là một điều mà nhà tuyển dụng cần ở ứng viên.
Theo Sohu