Không! Đây không phải là câu chuyện để mọi người bàn tán với nhau. Nó là tội ác. Một tội ác không thể dung thứ. Mà ở đó, tất cả những con người liên đới trong câu chuyện này đều có lỗi dẫn đến tội ác của người cha cầm thú. Là ngay cả đứa trẻ bị cha ruột hiếp dâm, cô bé đã học đến lớp 8 rồi mà vẫn chưa được giáo dục về giới tính, chưa được dạy về kỹ năng phòng chống xâm hại.
Cô bé đã lên tiếng lần nào chưa khi bị cha ruột xâm hại? Hay những lời lên tiếng của cô bé đều rơi vào thinh lặng? Khi mà bà nội của cô bé chỉ biết than khóc. Khi mà người em trai của Hải, gã cha cầm thú, cũng bỏ mặc đứa cháu ruột của mình. Khi mà cả chính những nhà hảo tâm chỉ biết gửi tiền ủng hộ cho đối tượng Hải này tiêu xài thay vì có một kế hoạch căn cơ hơn.
Bé H. hiện đang theo học lớp 8 và vào tháng 3/2019 đã phải nghỉ học để sinh con.
Những đồng tiền từ thiện trong hoàn cảnh này không khác gì một người mẹ chỉ biết nuông chiều con, cung cấp tiền bạc cho con rồi mặc nhiên không quan tâm chuyện nó dùng tiền làm việc gì.
Rồi cả những hội phụ nữ địa phương, chính quyền sở tại, tất thảy đều vô cảm khi mà câu chuyện xảy ra không phải ngày một ngày hai như thế.
Tôi thấy ở câu chuyện này thực sự là đau đớn của cái cách người quan tâm đến người. Cứ như thể, mỗi người trong câu chuyện này là một thực thể tách rời, lạc lõng, xa cách với nhau.
Cho đến khi tội ác xảy ra, người hàng xóm mới ngậm ngùi: "Thằng bé không biết sau này sẽ ra sao, có bệnh tật gì nữa không. Đau đớn quá, chỉ tội cho những đứa trẻ không có tương lai này. Mẹ đã mất, bố thì...".
Người chú ruột mới nuốt nước mắt ngược vào trong: "Tôi không ngờ anh ấy lại làm việc đồi bại với chính con đẻ của mình. Việc anh ấy gây ra thì chắc chắn phải chịu tội. Nhưng giờ đây, cháu H. còn quá nhỏ để làm mẹ và chăm lo cho đứa bé mới sinh. Rồi mai này lớn lên không biết tương lai sẽ ra sao".
Bà nội của đứa trẻ thì mới chỉ xót xa. Còn các nhà hảo tâm cũng lại chỉ biết đóng góp tiền bạc. Trời ạ, cái vòng luẩn quẩn này dường như chẳng bao giờ chấm dứt. Nay địa phương này, mai địa phương nọ. Nạn nhân thì vẫn cứ phải sống tiếp cuộc đời của nạn nhân, đối diện với những "xót xa thì ít mà xì xầm bàn tán thì nhiều". Phải có cách nào thay đổi điều này đi chứ???
Phải có cách nào để những tội ác thế này không thể xảy ra. Phải cách ly những gã cha cờ bạc, rượu chè ra khỏi con cái họ. Phải tước quyền làm cha của những gã cầm thú đánh đập con cái, không đủ năng lực nuôi con. Trước khi rượu chè, thất học dẫn đến hành động cầm thú, gây ra những tội ác.
Phải có cách nào để những dòng tiền từ các nhà hảo tâm giúp thay đổi cuộc đời một đứa trẻ, một gia cảnh chứ không phải chỉ "bơm sữa" nuôi đứa trẻ đó, gia cảnh đó. Là đồng tiền đó, đóng góp đó giúp đứa trẻ đó thay đổi cuộc đời của nó tốt đẹp hơn, khác đi. Như những trại trẻ mồ côi dù vẫn còn cha mẹ nhưng cha mẹ không xứng đáng làm cha mẹ. Như những công việc mà người được làm phải lao động để ra tiền chứ không phải bán công cụ đi.
Và cuối cùng, thưa với Hội Phụ nữ, Hội Bảo vệ quyền trẻ em, hội này hội kia ở mỗi địa phương! Ý nghĩa của việc thành lập ra những hội đó không phải chỉ là nơi tụ tập hay chỉ chuyện chuyên môn của hội, mà nó còn cần trở thành một tác động tích cực đến việc bảo vệ xã hội, làm cho xã hội này trở nên tốt đẹp hơn.
Hãy dành mắt đến những đứa trẻ, hãy dành tâm đến cuộc sống của những đứa trẻ. Vì chúng ta vẫn cứ hay ra rả nói với nhau về tương lai của đất nước phụ thuộc vào những đứa trẻ hôm nay sao chúng ta vẫn cứ thờ ơ với những đứa trẻ vậy???
Những người hàng xóm làm gì không biết những "mẫu người cha đồi bại"? Những người hàng xóm làm gì không biết những đứa trẻ đang gặp nguy hiểm? Chỉ là những người hàng xóm chỉ quan tâm đến con cái họ và chỉ coi chuyện nhà người khác là chuyện nhà người ta.
Nhà văn Hoàng Anh Tú.
Cái này cần lắm không chỉ các nhà hoạt động xã hội mà là ở mỗi nơi, mỗi cộng đồng, cần lắm những chiến dịch thúc đẩy nhận thức của cộng đồng trong việc bày tỏ ý kiến, lên tiếng bảo vệ những đứa trẻ. Mọi đứa trẻ cần được bảo vệ chứ không phải chỉ con cái mình mới cần bảo vệ.
Phải có cách nào để những đứa trẻ được quyền lên tiếng. Luật Trẻ Em đã có nhưng thầy cô nào, cha mẹ nào đọc qua một lần để luật Trẻ Em được thực thi? Bao nhiêu người biết về 25 quyền - nhóm quyền của trẻ em? Bao nhiêu đứa trẻ được dạy và học về 25 quyền mà chúng có?
25 quyền của trẻ em và quy định của pháp luật:
1. Điều 12. Quyền sống
2. Điều 13. Quyền được khai sinh và có quốc tịch
3. Điều 14. Quyền được chăm sóc sức khỏe
4. Điều 15. Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng
5. Điều 16. Quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu
6. Điều 17. Quyền vui chơi, giải trí
7. Điều 18. Quyền giữ gìn, phát huy bản sắc
8. Điều 19. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
9. Điều 20. Quyền về tài sản
10. Điều 21. Quyền bí mật đời sống riêng tư
11. Điều 22. Quyền được sống chung với cha, mẹ
12. Điều 23. Quyền được đoàn tụ, liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ
13. Điều 24. Quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi
14. Điều 25. Quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục
15. Điều 26. Quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động
16. Điều 27. Quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc
17. Điều 28. Quyền được bảo vệ để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt
18. Điều 29. Quyền được bảo vệ khỏi chất ma túy
19. Điều 30. Quyền được bảo vệ trong tố tụng và xử lý vi phạm hành chính
20. Điều 31. Quyền được bảo vệ khi gặp thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang
21. Điều 32. Quyền được bảo đảm an sinh xã hội
22. Điều 33. Quyền được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội
23. Điều 34. Quyền được bày tỏ ý kiến và hội họp
24. Điều 35. Quyền của trẻ em khuyết tật
25. Điều 36. Quyền của trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn