Những sức ép "xô đẩy" giới trẻ chọn sống độc thân
Trong guồng quay của xã hội hiện đại, người trẻ có một cuộc sống tốt hơn, tư duy cởi mở và tân tiến hơn nhiều so với thời đại trước. Trong đó, họ có khuynh hướng hành động dựa trên lý trí hơn là cảm xúc. Họ biết rõ họ cần phải làm những gì để đạt được những mục tiêu trong cuộc sống của mình.
Họ tập trung vào việc thực hiện những lý tưởng và kế hoạch riêng của mình, coi đó là một tiêu chí để nhìn nhận, đánh giá một người thành công trong cuộc sống. Vì thế nhiều người "lười yêu, ngại kết hôn" vì không muốn vướng bận, trói buộc bản thân.
Theo nhà văn Lê Thanh Ngân, không chỉ do những gánh nặng về xã hội, việc lựa chọn một cuộc sống độc thân còn đến từ chính những định kiến của tư tưởng xưa cũ. Trách nhiệm của người con trai trưởng, cháu đích tôn của dòng họ hay việc nhiệm vụ của người con dâu là phải sinh được đứa cháu trai để nối dõi vẫn tồn tại, đặc biệt là ở những vùng nông thôn.
Khi trách nhiệm đè nặng trên vai thì nảy sinh tâm lý sợ tiến tới hôn nhân, nhất là đối với những cô gái hiện đại có tư tưởng phóng khoáng, cởi mở cùng tư duy, lối sống độc lập ngày càng phổ biến.
Như nhà văn Lê Thanh Ngân chia sẻ: “Họ có thể sẽ không còn được sống là chính mình, không còn sống cho riêng mình nữa. Họ sẽ phải cân nhắc thiệt hơn rằng kết hôn để về chung một nhà với người mình yêu và chấp nhận mất đi một phần tự do và quyền bình đẳng hay độc thân và sống một cuộc đời tự do tự tại, chẳng phải cố gắng uốn mình cho vừa lòng ai”.
Không chỉ tự bản thân những người trẻ chọn lựa cuộc sống độc thân mà đó còn là hệ quả của sự tác động từ nhiều phía, ví dụ như những vụ "bóc phốt", đánh ghen ầm ĩ trên mạng xã hội, những góc khuất trong cuộc sống vợ chồng, thậm chí đó có thể là ảnh hưởng tâm lý từ chính cuộc hôn nhân của cha mẹ mình... Tất cả những yếu tố đó góp phần khiến người trẻ mất dần niềm tin vào tình yêu và gia đình nên hướng tới một cuộc sống độc thân.
Tôn trọng quyền quyết định đời sống cá nhân
Nói về xu hướng lựa chọn đời sống độc thân của nhiều cô gái, nhà văn Lê Thanh Ngân cho rằng nên đề cao sự tôn trọng quan điểm sống cá nhân của mỗi người.
Nhà văn Lê Thanh Ngân nêu vấn đề: “Giải pháp tốt nhất đối với một cô gái dù yêu nhưng không muốn kết hôn không phải là cố gắng thuyết phục hay bắt ép cô ấy phải lên phường ký giấy mà là làm cho tự bản thân cô ấy thấy muốn lấy chồng.
Nhưng làm thế nào để cô ấy muốn lấy chồng? Chỉ cần trao cho cô ấy quyền tự do, tự chủ, tự quyết, quyền bình đẳng. Nếu lấy chồng được thêm một người bạn đời, thêm người trợ giúp, thêm người cùng chia sẻ đắng cay ngọt bùi mà không mất mát gì thì cô gái nào mà không thích phải không ạ? Nhưng nói thì dễ, làm được mới khó. Nó sẽ là cả một quá trình mâu thuẫn, tranh đấu diễn ra trong một thời gian rất dài.
Tuy vậy, tôi tin rằng chúng ta sắp đi tới một tương lai của sự văn minh hơn rồi. Khi mà các ông bố bà mẹ thuộc thế hệ 8X, 9X lên chức bố mẹ vợ, bố mẹ chồng, xã hội chắc chắn có một cuộc thay đổi lớn về lối sống và quan điểm sống. Áp lực đè lên vai những nàng dâu sẽ giảm đáng kể. Và áp lực về việc gánh vác công việc ma chay, giỗ chạp, đám hiếu, đám hỉ của dòng họ cũng sẽ dần được điều chỉnh đơn giản hơn".
"Xét cho cùng thì mỗi người dân chỉ cần phấn đấu để bản thân phát triển hơn mỗi ngày, gia đình nhỏ của họ bao gồm vợ, chồng, con cái được sống trong điều kiện tốt hơn mỗi ngày nghĩa là cả xã hội này đã tốt hơn rồi. Bởi vì gia đình là một tế bào của xã hội. Chúng ta không nhất thiết phải làm tốt quá nhiều vai trò cùng một lúc mới là tốt. Phụ nữ lấy chồng, làm một người vợ tốt, một người mẹ tốt ấy là đã gieo những hạt mầm để gặt trái ngọt trong tương lai. Bắt cô ấy ngoài làm mẹ, làm vợ còn phải làm con dâu tốt, chị dâu tốt, em dâu tốt, cháu dâu tốt... thì theo một lẽ tự nhiên sẽ chẳng có vai trò nào thực sự tốt cả.
Chúng ta không thể phân thân để hoàn thành nhiều vai diễn đến thế. Mỗi người, hãy tự có trách nhiệm với bản thân là xã hội đã bớt đi một gánh nặng. Các bạn trẻ, trước khi lập gia đình hãy là người độc lập, tự chủ. Sau khi lập gia đình, hãy có trách nhiệm với vợ/ chồng, con cái. Khi con cái trưởng thành, hãy buông tay để con bay. Về già lại học cách tự lập mà không phải dựa dẫm vào con” - nữ nhà văn nêu quan điểm.
Kể cả, nếu không may vợ chồng có chia tay thì cũng nên chia tay trong hoà bình, văn minh, đặt lợi ích của con cái lên hàng đầu. Tránh vì cuộc hôn nhân bất hạnh của mình mà gây ảnh hưởng tới tâm lý con trẻ, khiến chúng bị tác động xấu về tâm lý và mất niềm tin vào hôn nhân trong tương lai.Theo nhà văn Lê Thanh Ngân, việc mỗi chúng ta nên làm là tự mình hãy học hỏi trau dồi thật nhiều. Ai đã lập gia đình, đã có con thì hãy đầu tư tâm sức cho việc nuôi dạy chúng, dành cho con tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ để bọn trẻ lớn lên với niềm tin vào tình yêu.
Đồng quan điểm với nữ nhà văn Lê Thanh Ngân, Th.S Tạ Văn Hai (Học viện Quản lý Giáo dục) cũng cho rằng, cuộc sống độc thân đang là thực trạng, xu hướng nhưng không sai trái. Đây là xu hướng của xã hội, sự va chạm giữa hai luồng tư tưởng mới và cũ cũng chính là kết quả của một quá trình hội nhập, giao lưu văn hóa của đất nước với thế giới.
“Việt Nam với các chính sách mở cửa nền kinh tế, đẩy mạnh giao lưu văn hóa xã hội, hội nhập với sự phát triển của nhân loại thì xu hướng này sẽ là tất yếu. Những điều quá cũ kỹ không phù hợp với thực tế xã hội tự nhiên sẽ bị đào thải, cái gì tốt đẹp và phù hợp sẽ được giữ lại và phát huy.
Mỗi chúng ta cần sống như thế nào, muốn sống như thế nào và lựa chọn sống như thế nào là quyền của cá nhân chúng ta. Bởi vì không có ai hiểu chúng ta nhiều hơn chính bản thân mình. Chỉ cần mỗi người tự có trách nhiệm với bản thân là xã hội đã bớt đi một gánh nặng. Hãy cứ sống cuộc đời mà mình muốn”, Ths. Tạ Văn Hai bày tỏ.
Trên góc độ kinh tế - xã hội, Ths.Tạ Văn Hai cũng nêu vấn đề, việc người trẻ lựa chọn cuộc sống độc thân không lập gia đình, không sinh con thì tỷ suất sinh giảm, dân số sẽ già đi. Một đất nước với dân số già sẽ gây ra nhiều những khó khăn mang tính vĩ mô như việc làm, chăm sóc y tế, hệ thống bảo trợ xã hội.
Đối với các nước phát triển thì việc già hóa dân số không gây ra quá nhiều vấn đề. Nhưng đối với một nước đang phát triển như Việt Nam ta thì đây hoàn toàn là một bài toán khó giải khi nước ta “chưa giàu đã già”. Tất cả những hệ lụy đó sẽ gây ra nhiều thách thức cho sự phát triển của đất nước trong tương lai.
Dù vậy, Ths.Tạ Văn Hai vẫn nhấn mạnh, việc thay đổi tư tưởng của một con người là không thể, đừng cố gắng thay đổi quan điểm sống. Hãy thay đổi môi trường để người trẻ được thoải mái thể hiện năng lực của mình tốt hơn cũng như không sợ về hôn nhân, gia đình.
Hiện nay, lối sống và suy nghĩ của giới trẻ đã khác nhiều so với các thế hệ trước về chuyện tình yêu và hôn nhân.
Ảnh: NVCC