Mới đây tác giả Kiều Trường Lâm đã công bố toàn bộ nghiên cứu "CVNSS 4.0" của mình đến độc giả. Ngay lập tức, bộ chữ Tiếng Việt không dấu này nhận phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Anh Kiều Trường Lâm sau đó đã nhận phải nhiều phản hồi tiêu cực đến từ cộng đồng mạng. Nhiều người cho rằng, bộ chữ này quá rườm rà và không thực sự cần thiết.
Trước những phản ứng của nhiều người về bộ chữ "VNSS 4.0", mới đây nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch cũng đã bày tỏ quan điểm của mình. Trên trang Facebook cá nhân, anh viết như sau:
"Chữ VN song song 4.0
Mình không dùng chữ VN song song 4.0 trong văn bản viết của mình. Thứ mình dùng từ giờ trở về sau là chữ Quốc Ngữ như hiện tại.
Tuy nhiên, nhà nước không cấm, thậm chí còn khuyến khích người dân nghiên cứu các công trình khoa học cá nhân của họ, miễn sao không vi phạm pháp luật là được. Còn chuyện nhà nước có duyệt hay thông qua cho công trình đó không là chuyện khác. Chuyện hai tác giả của chữ VN Song Song 4.0 làm không có gì là sai, đừng chửi bới, thoá mạ họ.
Đọc qua các bài phỏng vấn của hai tác giả, họ đều chia sẻ về mục đích tốt là muốn rút ngắn thời gian gõ chữ, viết chữ, tiết kiệm thời gian... nên mới đi vào nghiên cứu. Khoan bàn tới tính thực tiễn, trước mắt ghi nhận ý tốt của họ đã. Trong một xã hội mà người ta muốn làm điều tốt cho mọi người, nhưng chưa gì đã bị chửi bới, nhục mạ... vậy thử hỏi còn ai dám suy nghĩ đến những cải tiến hữu ích và đưa vào ứng dụng?
Chữ quốc ngữ xuất hiện vào thế kỷ 17, tới nay đã trải qua gần 4 thế kỷ được người Việt dùng để viết, vì vậy muốn thay đổi một thói quen hình thành gần 400 năm là điều rất khó. Chưa kể, nhu cầu của người dân hiện tại cho việc rút ngắn thời gian viết là không cần thiết, nên dù là mục đích tốt nhưng tính khả thi và ứng dụng của nó gần như là không cần thiết.
Thêm vào đó, nhiều người đến bây giờ còn chưa thành thạo đọc hiểu chữ quốc ngữ thì khó có khả năng học cách viết chữ mới. Ví dụ như việc họ không phân biệt được hai khái niệm "cấp bản quyền tác giả" và "đưa vào sử dụng". Hay họ cũng đâu có hiểu "dùng song song" và "dùng thay thế". Chữ quốc ngữ còn chưa thông là vậy!
Nên thôi, bình tĩnh, ai sáng tạo cái gì cũng nên trân trọng, còn dùng hay không là việc của mình, đừng chửi!".
Ý kiến của nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch sau đó nhận được sự đồng tình từ nhiều cư dân mạng. Theo đánh giá của một số chuyên gia ngôn ngữ, Cục Bản quyền cấp bản quyền cho công trình này là bình thường. Điều này thể hiện sự trọng quyền sở hữu trí tuệ và khẳng định sáng tạo ấy là của tác giả sáng tạo ra nó. Chuyện sáng tạo mới ấy có đưa ra thực tế cuộc sống được không thì lại là chuyện khác!
CHỮ QUỐC NGỮ CẢI TIẾN.