Chị Hoàng Thị Tiêm ở tỉnh Hưng Yên cho biết, sắp đến ngày chuyển dạ thì chồng chị mắc thủy đậu. Sợ lây bệnh sang vợ và con, chồng chị đã chủ động cách ly trong sinh hoạt hàng ngày. Mặc dù vậy, sau khi sinh con, cả chị Tiêm và con đều bị thủy đậu.

“Lúc bố nó bị em chưa đẻ thì cũng nằm riêng, em bị thì cũng cho con nằm riêng, cho bú sữa ngoài nhưng vẫn bị lây. Cái bệnh này nó ủ 10 ngày mà thì chắc bị từ trong bụng rồi” – chị Tiêm dự đoán.

Còn trường hợp của chị Mai Thị Thơ ở tỉnh Hà Nam thì do chủ quan con đã được tiêm vaccine phòng thủy đậu nên khi mắc bệnh chị đã không cách ly cho con nhỏ 1 tuổi. Hậu quả là cháu mắc thủy đậu kèm theo triệu chứng tiêu chảy cấp kéo dài. Gia đình đã phải đưa cháu đi cấp cứu tại bệnh viện. Chị Thơ kể lại: em hỏi ông thầy thuốc ở làng thì ông bảo không bị lây đâu vì nó mới tiêm vaccine rồi thế là em cũng không cách ly con.

Nhắc bố mẹ những kiến thức cần nắm vững khi trẻ sơ sinh bị thủy đậu - Ảnh 1.

Trẻ mắc thủy đậu chủ yếu là lây từ người lớn

Khi bị thủy đậu trẻ cảm thấy ngứa ngáy thường hay gãi làm các nốt thủy đậu bị vỡ, trầy xước da khiến vi trùng bên ngoài dễ dàng xâm nhập gây nhiễm trùng. Ngoài ra, cách chăm sóc trẻ không đúng tại gia đình cũng dễ dẫn tới tình trạng bội nhiễm.

Bà Nguyễn Thị Dấu, bà nội của cháu Hoảng Nam 6 tháng tuổi ở tỉnh Hưng Yên cho biết: cháu bị 4,5 hôm ở nhà thì cho ra trạm xá thì họ cho thuốc kháng sinh xong tôi về mua cái lá tắm cho cháu.. Tắm xong cháu cứ sốt, đưa đến bệnh viện bác bảo bị nhiễm trùng, nốt nó sưng to lắm mà chọc có mủ nữa. Người ta nói do tắm cho cháu mà vết thương còn da non, mình kỳ mạnh mới ngấm vào thì bị nhiễm trùng".

Thủy đậu ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ dưới 1 tháng tuổi tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tiến triển biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, hoặc nhiễm trùng vi khuẩn thứ phát. Những biến chứng này có thể gây ra tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Triệu chứng điển hình của thủy đậu là sốt, mệt mỏi và xuất hiện phỏng nước. Tuy nhiên theo BS Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trước khi xuất hiện những triệu chứng này, có thể nhận biết trẻ sơ sinh bị thủy đậu bằng dấu hiệu như: “ngày đầu đã có thể xuất hiện các phỏng nước. Đặc điểm của các phỏng nước của thủy đậu là xuất hiện từ trên đầu lan xuống mặt, xuống tay, xuống chân, tức là sẽ xuất hiện từ cao đến thấp. Các phỏng nước đầu tiên có thể xuất hiện ở dưới chân tóc”.

Nhắc bố mẹ những kiến thức cần nắm vững khi trẻ sơ sinh bị thủy đậu - Ảnh 2.

Khi trẻ mắc thủy đậu cha mẹ nên vệ sinh cơ thể, chăm sóc da đúng cách

Khi trẻ sơ sinh mắc thủy đậu, việc chăm sóc tại nhà là rất cần thiết. Đầu tiên, mẹ cần đảm bảo trẻ được nghỉ ngơi đầy đủ; cung cấp đủ nước và dưỡng chất cho trẻ là điều không thể thiếu để hỗ trợ hệ miễn dịch.

“Thời điểm này, các nốt mụn nước có thể gây ngứa và khó chịu cho trẻ. Để giảm bớt cảm giác này, mẹ có thể sử dụng các loại kem dưỡng ẩm hoặc các sản phẩm dành riêng cho trẻ sơ sinh để làm dịu da. Ngoài ra, mẹ nên cắt móng tay của trẻ để tránh việc trẻ gãi vào các nốt mụn, từ đó hạn chế nguy cơ nhiễm trùng” – BS Thiệu khuyến cáo.

Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ sốt cao liên tục hoặc có dấu hiệu bất thường như khó thở, mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức để được điều trị kịp thời.

Hiện nay, vaccine phòng thủy đậu được khuyến nghị tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi, và đây là cách hiệu quả nhất để đảm bảo an toàn cho trẻ. Tuy nhiên, đối với trẻ sơ sinh, việc phòng ngừa lây nhiễm từ môi trường xung quanh cũng rất quan trọng.

“Mẹ cần chủ động theo dõi và hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những người đang bị thủy đậu hoặc có triệu chứng nghi ngờ. Đảm bảo vệ sinh cá nhân và môi trường sống sạch sẽ cũng góp phần lớn trong việc ngăn ngừa sự lây lan của virus”- BS Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hướng dẫn.