Ông Vương (Trung Quốc) có một cô con gái 7 tuổi tên Tiểu Du. Cô bé có sức khỏe yếu và không thích giao tiếp với người khác. Một hôm đón con tan học, ông Vương phát hiện cánh tay của con gái bị trầy một mảng lớn. Khi nghe bố hỏi nguyên do, cô bé lập tức rơi nước mắt tủi thân. Hóa ra em bị một bạn cùng lớp bắt nạt, không những kéo tóc mà còn đẩy em xuống đất, khiến cánh tay em va vào góc bàn, dẫn tới trầy da, chảy máu.

Nhìn vết thương của con gái, ông Vương rất tức giận, vốn muốn dạy cho đứa trẻ kia một bài học. Nhưng bình tĩnh lại, ông Vương nghĩ dù sao đứa trẻ cũng còn nhỏ, mâu thuẫn là điều có thể xảy ra. Dù vậy vẫn không thể để con mình chịu thiệt. Sau hồi lâu, ông bố cũng nghĩ ra một cách nhẹ nhàng nhưng hợp lý.

Tối hôm đó, ông chủ động mở một chủ đề trong nhóm phụ huynh và nói: "Các bậc phụ huynh thân mến, hôm nay khi đón con đi học về, tôi phát hiện cánh tay của con bị thương. Hỏi ra mới biết cháu bị bạn gái ngồi cùng bàn giựt tóc và xô ngã. Sau khi về nhà, mẹ cháu rất đau lòng, tức giận và định ngày mai đến trường trực tiếp gặp đứa trẻ đẩy con tôi để giải quyết.

Nhắn 1 tin "thảo mai" vào nhóm lớp chung, ông bố thông minh giúp con gái xoay chuyển tình thế, đi học không bao giờ lo bị thiệt thòi - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, tôi thấy việc này không ổn. Bọn trẻ đều là bạn cùng lớp, có gì lần đầu không phải có thể bỏ qua. Nhưng nếu chuyện như thế này tiếp diễn một lần nữa, có lẽ tôi sẽ không kiềm chế được vợ mình. Dù sao cô ấy cũng là một người mẹ, có người mẹ nào mà không thương con mình đúng không? Vậy nên mong các bậc phụ huynh có con gái trong lớp nói chuyện lại với con mình. Nếu đúng là cháu đẩy ngã bạn thì hãy dặn cháu lần sau nhẹ nhàng với bạn hơn, đừng dùng bạo lực nữa".

Sau khi nghe những gì ông Vương nói, các bậc phụ huynh đều đồng tình và cho biết nhất định sẽ dạy con sống hòa thuận và yêu thương nhau. Sau đó, con gái ông Vương không bao giờ bị bắt nạt nữa.

Cha mẹ nên làm gì nếu con bị bắt nạt?

1. Xác nhận sự thật

Suy cho cùng, con cái còn nhỏ, những điều con phàn nàn với cha mẹ chưa chắc đã đúng. Chính vì vậy cha mẹ không nên chỉ lắng nghe lời con nói một phía, có thể dẫn đến phán đoán sai lầm. Thay vì vậy, hãy xác nhận sự thật trước. Nếu con thực sự bị bắt nạt, cha mẹ phải đứng ra bảo vệ con để trẻ cảm thấy an toàn.

2. Dạy con hiểu về bắt nạt

Nghiên cứu cho thấy bắt nạt bắt đầu bằng lời nói. Phản ứng đầu tiên của "nạn nhân" quyết định trẻ còn tiếp tục là đối tượng hướng đến hay không.

Nếu kẻ bắt nạt thấy cảm thấy thành công trong việc làm trẻ cáu giận, cảm giác quyền lực, việc bắt nạt thường sẽ tăng tiến. Vì vậy nên thảo luận với con trước khi bắt nạt xảy ra để khi xảy ra tình huống đó, con có thể xử lý thành công khi kẻ bắt nạt "thử" phản ứng của con.

3. Cha mẹ phải là chỗ dựa vững chắc nhất cho con cái

Khi bị bắt nạt, trẻ rất mong manh về thể chất và tinh thần, người duy nhất có thể giúp đỡ trẻ lúc này chính là cha mẹ. Vì vậy, cha mẹ phải đứng lên vào những thời điểm quan trọng, cách xử lý có thể trực tiếp hoặc khéo léo. Nếu ngay cả cha mẹ cũng không quan tâm, chắc chắn trẻ sẽ cảm thấy khó chịu và bị đối xử tệ hơn, lâu dần có thể dẫn đến những hậu quả khủng khiếp.

4. Giúp trẻ mạnh mẽ hơn

Nói chung, những kẻ thích bắt nạt cũng rất kén chọn mục tiêu, luôn thích những người trông yếu mềm nhưng lại không dám động đến những người có vẻ khó xúc phạm. Nếu con gặp khó khăn trong kỹ năng xã hội, hãy ưu tiên hỗ trợ con kỹ năng xã hội để con không hấp dẫn kẻ bắt nạt. Chơi các trò chơi về kỹ năng xã hội, luyện tập ở nhà với con. Đóng vai với con các tình huống làm quen với bạn mới, tổ chức trò chơi.

Nếu bạn cảm thấy con có vẻ dễ bị tổn thương, hãy để ý lắng nghe con nói về tương tác với bạn bè để giúp con học cách lắng nghe cảm xúc bên trong và hỗ trợ con xây dựng mối quan hệ lành mạnh.