Gần đây, một bức tranh lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc thu hút nhiều sự chú ý. Trong bức tranh có hai người lớn đang ôm một đứa bé, đó là cha, mẹ và em trai, ba người này được bao bọc bởi một trái tim. Bên ngoài có một cô bé thắt bím đang khóc lóc thảm thiết. Trên đầu cô bé còn có một trái tim, nhưng điểm khác biệt là trái tim này vỡ nát nhưng những người lớn không hề hay biết.
Được biết, nội dung bức tranh khiến giáo viên vô cùng hoảng hốt và cho rằng đứa bé này đang gặp vấn đề về tâm lý. Do đó, cô đã tìm số điện thoại và liên hệ với phụ huynh học trò ngay. Nghe chuyện, bố mẹ của đứa trẻ cảm thấy mình đã quá vô tâm với con. Thì ra từ khi sinh con thứ 2, họ đã dành rất ít thời gian cho con lớn. Một số hành vi của họ đã khiến cho con gái nghĩ rằng bố mẹ có em nên không còn yêu thương mình nữa.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia tâm lý, bắt đầu từ năm 4, 5 tuổi, trẻ em về cơ bản đã có thể biểu đạt suy nghĩ nội tâm và cảm xúc của mình cho người lớn. Đặc biệt, với những em nhỏ có khả năng sáng tạo cùng sự khéo léo, tinh tế vượt trội mà nói, hội họa có thể được xem là phương thức để các em thể hiện một cách kín đáo những suy nghĩ nội tâm bên trong mình. Có nhiều khi chỉ cần nhìn những bức tranh của con cái, cha mẹ hoàn toàn có thể hiểu được cảm xúc, thậm chí là phát hiện ra những bất ổn của con mình.
Nhiều ý kiến cho rằng cô giáo đã quan sát được vấn đề tâm lý của trẻ qua những nét vẽ. Dù chưa biết rõ sự việc song hành động tìm hiểu ngay vấn đề và tìm gặp phụ huynh sớm để trao đổi cho thấy cô giáo hoàn toàn đang làm tròn bổn phận của mình. Ở môi trường giáo dục, việc phối hợp giữa nhà trường và gia đình để dạy dỗ con cái là điều vô cùng cần thiết.
Làm gì để con đầu không ganh tị với em?
Có một thuật ngữ cho tình trạng này được gọi là "rối loạn ganh đua giữa anh chị em", đề cập đến một mức độ rối loạn cảm xúc nào đó ở trẻ khi có em ruột. Nhẹ thì có thể điều chỉnh trong thời gian ngắn, nhưng nặng thì có thể gây khó chịu về thể chất hoặc kéo dài, ảnh hưởng đến sinh hoạt và học tập bình thường, thậm chí ảnh hưởng xấu đến nhân cách sau này.
Những đứa trẻ đang là trung tâm của cuộc sống gia đình bỗng bị đẩy "ra rìa" khi bố mẹ có thêm em bé sẽ không tránh khỏi cảm giác hụt hẫng vì bị bỏ rơi. Một số lời nói và hành vi là vô tình đối với nhiều người lớn, nhưng những đứa trẻ nhạy cảm thường cảm thấy bị đối xử khác biệt.
Nếu cha mẹ cứ luôn đối xử thiên vị đương nhiên trẻ sẽ nảy sinh tâm lý ghen ghét, tỵ nạnh. Người anh sẽ ít biết cảm thông chia sẻ với chính em ruột mình, đồng thời nếu bé gặp thất bại trong việc gì, nó thường sẽ đổ lỗi cho cha mẹ vì bản thân luôn bị thiệt thòi khi phân xử từ nhỏ. Chính vì vậy, cha mẹ không nên kết tội con khi chưa biết rõ nguyên nhân, tránh để trẻ lớn lúc nào cũng cảm thấy oan ức.
Cha mẹ phải biết tạo cho đứa lớn tâm lý háo hức chờ đón chăm sóc, che chở em bé từ khi đang còn trong bụng mẹ. Khi em bé còn nhỏ, phụ huynh hãy khéo léo nhờ đứa lớn một số việc như: hát ru em ngủ, chơi đùa với em, cùng mẹ cho em ăn, dỗ dành khi em khóc,… Nếu chúng ta có sự chuẩn bị chu đáo từ sớm, cháu sẽ bớt cảm giác ghen với em, sẽ yêu thương em và cùng giúp mẹ chăm em.
Cha mẹ hãy tranh thủ thời gian cùng các con chơi đùa, qua đó, dạy con biết cách chia sẻ, giúp đỡ, nhường nhịn. Cha mẹ phải luôn là tấm gương tốt về yêu thương và hòa thuận để các con noi theo.
Hãy nói với con một cách chân thành rằng dù cha mẹ có cách cư xử với từng đứa có lúc khác nhau nhưng tình yêu thương cha mẹ dành cho các con là không có sự phân biệt. Tinh tế dành riêng thời gian cho từng đứa cũng là cách cha mẹ làm cho con trẻ thấy mình quan trọng và luôn được cha mẹ yêu thương.