Da cũng là hệ thống cảnh báo về sức khỏe khi cơ thể xảy ra hiện tượng bất ổn. Ví như, những thay đổi trên da như các đốm sẫm màu trên da thường là kết quả của những thay đổi bên trong khi sức khỏe không tốt. Nó có thể cảnh báo về các khối u, va chạm mạnh hay rối loạn chức năng.
Nếu bạn đang dùng thuốc tránh thai: da có thể bị nám
Thuốc tránh thai được coi như là một phát minh vĩ đại giúp thay đổi cuộc sống con người, nó có nhiều lợi ích khác nhau bao gồm điều chỉnh thời gian kinh nguyệt, ngăn chặn mụn trứng cá phát triển, và bảo vệ cơ thể khỏi một số bệnh ung thư. Tuy nhiên, các hormone ngừa thai có thể gây ra nám da - một vấn đề mãn tính, khiến da xuất hiện đốm nâu. Những hormone này khiến melamin – sắc tố làm tối màu da gia tăng trong da.
Thật không may rằng cả estrogen và progesterone có trong thuốc tránh thai lại đều liên quan đến tình trạng này và tình trạng trên chỉ ngưng khi bạn không dùng thuốc nữa. Nhưng cũng phải mất vài năm để giải quyết những vết nám da. Uống thuốc tránh thai cũng chỉ là một phần nguyên nhân gây ra nám da. Nó có thể do di truyền, nhưng những người có vấn đề về tuyến giáp lại dễ bị hơn. Tình trạng này có thể khiến bạn khổ tâm, vì vậy hãy gặp bác sỹ đề lựa chọn phương án điều trị, giúp ngăn chặn những đốm da mới hình thành, nhưng cần kiên trì điều trị vì nám da cần nhiều thời gian để chữa khỏi.
Bạn mang thai: có thể xuất hiện mụn và vùng da sẫm màu
Hormone thay đổi khi mang thai và hầu hết phụ nữ có thai đều phải trải qua sự thay đổi về da. Trước đây nám da được gọi là “mặt nạ của thai kỳ”, tình trạng này khá phổ biến khi mang thai và phải một năm sau khi sinh con thì nám da mới hết.
Mụn thịt là những đốm thịt mềm phát triển từ da, chúng không có gì đáng để lo ngại đâu. Đầu tiên chúng thường mọc quanh cổ, nách và bẹn.
Vì khi mang thai, lượng máu không lưu thông được sẽ tăng lên. Chính vì thế bạn cũng có thể nhìn thấy các mạch máu rất nhỏ bên trong da giống như những đốm đỏ.
Mụn và các vùng da sẫm màu do thay đổi sắc tố ban đầu sẽ tăng lên và sau đó sẽ được cải thiện dần khi quá trình mang thai kết thúc. Mặc dù, chúng ta được khuyến cáo hạn chế dùng thuốc trong suốt quá trình thai kỳ, nhưng cũng có một số phương pháp điều trị mụn trứng cá tại chỗ an toàn cho thai phụ bao gồm các axit trái cây và axit azelaic.
Sẽ có vài thay đổi về da trong quá trình mang thai, hầu hết các thay đổi này đều được giải quyết sau khi sinh nở.
Tắm nắng tự nhiên hoặc nhân tạo quá thường xuyên: da nhanh bị lão hóa
Một số người tắm nắng thường quên sử dụng kem chống nắng. Da mặt là phần đặc biệt dễ bị tổn thương, có thể khiến chúng ta trông già đi nhanh hơn. Tình trạng này còn được gọi là chứng lão hóa sớm, nguyên nhân do tác động của 3 loại tia bức xạ từ ánh nắng mặt trời: UVA, UVB và tia hồng ngoại A. Khi mắc phải, da hình thành nếp nhăn và tăng hình thành sắc tố trong da do da bị cháy nắng quá đà. Vì vậy, da dễ xuất hiện tàn nhang, đồi mồi, dày sừng da dầu (không gây hại) và các điểm tổn thương da nhẹ hơn một khi các tế bào bị hư hỏng (được gọi là hypomelanosis).
Nếu các nang lông bị ảnh hưởng, chúng có thể bị tắc do các tế bào chết và protein bị hư hỏng, dẫn đến tình trạng mụn đầu trắng (trứng cá) và da gà. Vấn đề lớn đáng lo ngại là ung thư da do ánh nắng mặt trời tác động, nó cũng ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của cơ thể. Việc thường xuyên kiểm tra các đốm xuất hiện trên da là điều bạn phải chú trọng, đặc biệt khi bạn có làn da trắng, trên 40 tuổi, phải làm việc ngoài trời hoặc bị cháy nắng trầm trọng trước đó. Hãy gặp bác sỹ ngay khi bạn phát hiện bất kỳ khối u nào đang phát triển, các vết loét không lành hoặc những đốm mới trên da hoặc bạn cần kiểm tra tổng quát cơ thể.
Hãy sử dụng kem chống nắng, kính râm, dưỡng ẩm cho da, và tập thể dục thường xuyên. Những người năng động bao giờ trông cũng trẻ hơn!
Bạn đang dùng một số loại thuốc: da có thể bị phát ban, nổi mề đay
Những loại thuốc chống viêm như ibuprofen thường được biết đến là loại gây tác dụng phụ với da. Các loại thuốc thông dụng như kem bôi da hay gel có thể gây viêm, và khi vết viêm này lành, vùng da bôi gel có thể thay đổi sắc tố da theo thời gian.
Uống ibuprofen có thể gây ra một số bệnh về da như phát ban, nổi mề đay, da nhạy cảm với ánh sáng và dị ứng…
Các thuốc bao gồm thuốc chống sốt rét, chống động kinh và thuốc chống loạn thần cũng có thể kích thích tăng sắc tố trên một số phần của da.
Những thay đổi này thường vô hại và thường mất đi sau khi ngừng sử dụng thuốc một thời gian. Nếu bạn lo lắng về bất kỳ loại thuốc nào được liệt kê trên đây, hãy thảo luận với bác sỹ trước khi bạn ngừng thuốc.
Bạn thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường độc hại: da bị nhăn và lão hóa
Ô nhiễm không khí cũng góp phần thúc đẩy lão hóa, gây ra nếp nhăn, và thay đổi sắc tố da. Không chỉ mặt trời mới tác động gây lão hóa da mà các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ô nhiễm không khí cũng có tác động đến cách da lão hóa. Các hạt chứa chất độc hại trong sương, khói, và ô nhiễm không khí được cho là tạo ra các phản ứng trên da tương tự như các tia bức xạ cực tím từ mặt trời. Một khi chúng tiếp xúc với da thì kết quả chính là quá trình lão hóa được đẩy nhanh hơn và thay đổi sắc tố da.
Nghiên cứu cũng cho thấy những người sống ở thành phố – nơi có chất lượng không khí xấu hơn so với nông thôn – thì hiện tượng loạn sắc tố trên da mặt nhiều hơn so với người sống ở quê.
Rửa mặt thường xuyên và có chế độ ăn uống giàu chất chống ô xi hóa là một cách chống lại tình trạng lão hóa sớm trên.
(Nguồn: DailyMail)