Nhắc đến một trong những truyện ngắn xuất sắc để đời của nhà văn Nam Cao, chắc chắn người đọc sẽ nghĩ ngay tới Chí Phèo. Chí Phèo được xây dựng như một điển hình về người nông dân trước Cách mạng tháng Tám nghèo khổ, lương thiện nhưng bị đẩy đến đường cùng khiến bản chất bị tha hóa còn Thị Nở - tuy xấu "ma chê quỷ hờn" nhưng lại có một tình yêu trong sáng thức tỉnh lương tri con người, khơi dậy khát khao về một mái ấm gia đình có sự chăm sóc, yêu thương.
Với đề bài mở "Nếu em là người dân làng Vũ Đại", một học sinh lớp 11 Hóa đã sáng tác bài thơ lục bát dài 70 câu kể lại câu chuyện về cuộc đời Chí Phèo và mối tình với Thị Nở (hai nhân vật trong tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao). Với cách làm độc đáo, chủ nhân của bài kiểm tra này đã nhận được điểm 9 của giáo viên kèm theo lời phê cũng được phóng tác thành thơ: "Thơ em viết thật là hay/ Khiến cô cũng thấy vui lây thế nào/ Thấm tình Thị Nở, Chí Phèo/ Càng thương tình cảnh đói nghèo, lầm than/ Dù đôi ý có lan man / Lại thêm chưa sát với đề cô cho/ Nhưng công sáng tạo ra trò/ Con trai - chuyên Hóa giờ còn mấy ai?/Độc đáo, lại cũng có tài/ Cô liền họa bút chẳng sai: chín tròn".
Trong bài kiểm tra này, đoạn miêu tả Chí Phèo từ một người lương thiện trở thành kẻ chỉ thích rạch mặt, ăn vạ khiến dân làng khiếp sợ đã được nam sinh này thể hiện bằng thơ rất thành công: "Suốt ngày xỉn rượu say sưa/ Đập đầu ăn vạ chẳng chừa một ai/ Trong tay sẵn có mảnh chai/ Cả làng Vũ Đại chẳng ai dám gần/ Đến nhà cụ Kiến mấy lần/ Tiền kia đổi lại một phần lương tâm".
Hay đoạn tả cảnh Chí Phèo, Thị Nở gặp nhau trong vườn chuối cũng được xây dựng bằng ngôn ngữ hài hước: "Ngờ đâu say rượu một lần/ Chí ta gặp Nở đần đần dở hơi/ Sau lần ngả ngớn lả lơi/ Chí Phèo lại thấy thảnh thơi muôn phần".
Chàng trai còn dí dỏm: "Đến đây em cũng bí rồi/ Văn thơ chấm dứt một thời thăng hoa/ Người nào chẳng có lúc sa/ Vì văn không biết nên là làm thơ/Mong cô ngoảnh mặt làm ngơ/ Đừng cho không điểm kẻo mờ em toi/ Đồng thời cô cũng săm soi/ Có gì sai sót góp lời cho em". Được biết bài thơ này được hoàn thành chỉ trong 90 phút, gần như không phải chỉnh sửa nhiều. Yêu thơ ca từ nhỏ, nhưng đến năm lớp 10, nam sinh mới có tác phẩm đầu tay. "Chỉ khi nào có cảm hứng, mình mới làm thơ nên số lượng không nhiều", cậu tâm sự.