Dấu hiệu của trầm cảm sau sinh rất đa dạng

Không ít gia đình có người bị bệnh trầm cảm sau sinh nhưng lại không phát hiện kịp thời vì nhầm lẫn với nỗi buồn sau sinh hoặc do sản phụ mệt mỏi, mất sức sau khi sinh nên tâm lý chưa ổn định lại. Chính vì vậy mà bản thân sản phụ và người thân trong gia đình có thể chủ quan, không chữa trị kịp thời, dẫn đến bệnh ngày càm trầm trọng, thậm chí trở thành những hoang tưởng…

Vì thế để nhận biết đúng bệnh trầm cảm sau sinh, sản phụ và gia đình cần nắm được một số dấu hiệu sau:

Suy nhược cơ thể: Nhiều sản phụ sau sinh cảm thấy đau khổ, mệt mỏi, thậm chí khóc lóc cả ngày mà không rõ lý do cụ thể nào cả. Đôi khi họ lại cảm thấy bị chồng, gia đình, bạn bè bỏ rơi. Những cảm giác này thường không có căn cứ. 

Những phụ nữ bị suy nhược dạng này có thể rơi vào trạng thái mệt mỏi triền miên, thờ ơ với công việc nhà. Họ không muốn tắm rửa, chải chuốt cho bản thân hay chăm con. Tuy nhiên, nhiều gia đình kể cả sản phụ cho rằng chẳng qua do mới trải qua cuộc sinh nở vất vả nên mới có trạng thái như vậy chứ không phải bệnh tật gì nên thường bỏ qua. Và khi mọi triệu chứng trở nên trầm trọng thì mới phát hiện ra bệnh trầm cảm sau sinh.
 
Lo lắng, hoảng hốt: Những bà mẹ có sức khỏe không tốt thường hay có nhiều mối lo, thường là về sức khỏe bản thân. Có thể họ cảm thấy đau dữ dội ở đâu đó (thường là ở đầu và cổ) nhưng bác sĩ lại không tìm ra nguyên nhân. Một số người thường xuyên cảm thấy lo lắng, hoảng hốt với những tình huống xảy ra cho dù những việc đó hoàn toàn bình thường. Và khi hoảng hốt, họ khó lấy lại bình tĩnh. Điều này càng khiến cho họ stress thêm. 

Căng thẳng: Căng thẳng thường đi kèm với trầm cảm. Những bà mẹ luôn bị căng thẳng thường bị trầm cảm nặng nề hơn những bà mẹ khác. Họ thường khó có thể thư giãn được, nhiều khi có cảm giác như muốn nổ tung ra và không thể kiểm soát được tâm trạng của mình. 

Cảm giác bị ám ảnh: Bà mẹ bị trầm cảm thường hay bị ám ảnh, có thể về một người, một tình huống hay một hoạt động cụ thể nào đó. Không ít người mẹ mới sinh con luôn ám ảnh trường hợp mình làm rơi con khi bế hoặc lo lắng con ngạt thở trong khi ngủ. Từ đó dẫn tới việc họ quá căng thẳng khi chăm con, luôn mất tự tin vào bản thân vì sợ mình làm không tốt. Thậm chí, có người có thể trở nên sợ hãi và tin rằng mình là mối nguy hại cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là đứa trẻ. 

Rối loạn giấc ngủ: Những người bị trầm cảm thường rất khó ngủ mà không rõ nguyên nhân. Họ có thể thao thức đến gần sáng, hoặc không ngủ được chút nào. Vài người ngủ không liên tục, hay bị thức giấc vào giữa đêm, thỉnh thoảng gặp ác mộng và không thể ngủ lại được.

Không muốn quan hệ tình dục: Mất hứng thú tình dục có thể xảy ra đối với các bà mẹ trầm cảm sau sinh. Vì vậy khi có gì bất thường về mặt chuyện tình cảm vợ chồng có thể nghĩ ngay đến bệnh trầm cảm.

nhận diện trầm cảm sau sinh
Nhiều người còn chủ quan và nhầm lẫn khi nhận diện về bệnh trầm cảm sau sinh, dẫn tới những hậu quả đau lòng. Ảnh minh họa

Xử lý khi bị trầm cảm

Theo các chuyên gia tâm lý, với trầm cảm nhẹ, có thể can thiệp bằng những viên thuốc ngủ giúp giải quyết những cơn mất ngủ trước mắt. Kèm theo đó là sự chủ động từ phía các bà mẹ trẻ trong việc sẻ suy nghĩ và công việc với người thân để giải tỏa gánh nặng. Trong trường hợp bệnh có liên quan đến nồng độ hormore, bác sĩ sẽ kê toa thuốc cân bằng lại lượng hormore (thuốc có thể chữa chứng trầm cảm nhẹ, nếu bệnh kéo dài dưới 1 tháng).

Với tính chất bệnh lý, trầm cảm sau sinh sẽ điều trị thành công đến 80% qua các cuộc nói chuyện giữa người bệnh với bác sĩ tâm lý. Quá trình điều trị tâm lý, liệu pháp này giúp giảm xung đột nội tâm, cho bệnh nhân hoàn toàn thả lỏng cơ thể, tìm lại được sự nhẹ nhàng, cân bằng, lấy lại niềm tin trong cuộc sống gia đình.

Có thể nói, trong giai đoạn nhạy cảm này, vai trò của người chồng chiếm vị trí rất quan trọng. Rất nhiều ông chồng nghĩ rằng, chỉ cần cung cấp vật chất cho vợ là đủ mà không hề nhận thức được sự quan tâm, chia sẻ bằng hành động và lời nói động viên có thể giúp người vợ tránh được nguy cơ trầm cảm. Hơn ai hết, người chồng, gia đình, người thân… cần gần gũi chia sẻ với sản phụ trong thời kì hậu sản, để có thể tránh được những hệ quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Ngoài ra, để tránh bị trầm cảm sau sinh, các mẹ bầu hãy cố gắng duy trì tâm trạng vui vẻ bằng cách nghe nhạc hoặc tập một số động tác thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày. Thường xuyên đi dạo và giao lưu với mọi người sẽ khiến tâm lý của các mẹ bầu dễ chịu và lạc quan hơn. 

Afamily mở ra diễn đàn “Trầm cảm sau sinh – Đối diện và Vượt qua”với thông điệp “Lắng nghe – Chia sẻ và Thấu hiểu”. Đây sẽ là nơi các bà mẹ có thể cởi mở chia sẻ câu chuyện thật của mình khi đã trải qua hoặc đang nỗ lực tìm cách để vượt qua trầm cảm sau sinh.

Đó sẽ là những tiếng nói đầy thấu hiểu để giúp các bà mẹ khác đang trải qua những tháng ngày khủng khiếp này, là những tiếng nói để những người xung quanh hiểu rằng, các bà mẹ cần được lắng nghe và chia sẻ một cách thực sự trong giai đoạn nhạy cảm này. Hi vọng rằng, diễn đàn sẽ nhận được sự chia sẻ của các bà mẹ, nhận được sự quan tâm của các ông bố và được nhiều người lan tỏa.

Những câu chuyện và trải nghiệm về việc đối diện và vượt qua trầm cảm sau sinh của các mẹ, xin được gửi về email [email protected]. Chân thành cảm ơn.