Nhận diện những cảm xúc tiêu cực ở trẻ - Ảnh 1.

Đối với trẻ em, cảm xúc tiêu cực dễ hình thành và cũng nhanh chóng mất đi. Ảnh minh họa

Chính vì vậy, người lớn cần nhận diện được trạng thái biểu hiện, nguyên nhân để giúp trẻ giải toả những cảm xúc tiêu cực.

Nắm bắt nguyên nhân

Một ngày, trẻ phải trải qua vô vàn cảm xúc khác nhau như vui, buồn, giận dỗi, hạnh phúc… Tất cả những cảm xúc ấy được chia ra làm hai loại chính: Tích cực và tiêu cực.

Cô Nguyễn Thùy Dương, chuyên gia tâm lý Học viện phát triển kỹ năng Việt cho rằng, cảm xúc tiêu cực làm giảm chức năng hệ nội tiết và hệ miễn dịch. Từ đó, dẫn đến sức đề kháng của cơ thể giảm, dễ nhiễm bệnh. Việc kiểm soát tốt những xúc cảm tiêu cực như giận dữ, suy sụp, bi quan, ganh ghét sẽ góp phần hữu hiệu trong việc ngăn ngừa bệnh tật ở trẻ.

Bên cạnh đó, nếu cha mẹ và thầy cô giáo muốn trẻ giải phóng được cảm xúc tiêu cực thì cũng cần gọi tên được chúng. Nghĩa là nắm bắt nguyên nhân, suy nghĩ, thái độ của con mới tìm được phương pháp thích hợp.

Những sự kiện xảy ra trong cuộc sống thường là nguyên nhân trực tiếp gây ra cảm xúc tiêu cực. Khi đó, trẻ phải đối mặt với sự kiện không mong muốn như mất người thân, gặp tai nạn, mắc bệnh nan y, chia ly, mâu thuẫn trong các mối quan hệ,… Những sự kiện này đều gây ra cảm xúc tiêu cực với biểu hiện và mức độ đa dạng.

Bên cạnh đó, trẻ cũng có thể bị ảnh hưởng từ những người xung quanh. Ví dụ như khi lắng nghe câu chuyện của người khác. Trẻ ít nhiều cảm nhận được sự tiêu cực trong câu chuyện và nét mặt nên cũng bị xâm lấn cảm xúc đó.

Ngoài ra, nếu học tập và sống cùng với những người giữ cảm xúc tiêu cực lâu dài, trẻ cũng sẽ phải đối mặt với những cảm xúc tương tự chỉ là với mức độ nhẹ hơn.

So với cảm xúc tích cực, cảm xúc tiêu cực đa dạng hơn về hình thái và cách biểu hiện. Tuy nhiên, những dạng cảm xúc tiêu cực không phải lúc nào cũng gây ra ảnh hưởng xấu đến cuộc sống. Khi trẻ có suy nghĩ, cảm xúc này khiến con nhận ra hành vi chưa đúng để sửa sai.

“Ngoài những nguyên nhân chính trên, cảm xúc tiêu cực còn có liên quan đến yếu tố tính cách, di truyền, điều kiện sống, trải nghiệm và kinh nghiệm sống,… Đây cũng là lý do vì sao người sống trong hoàn cảnh khó khăn và phải trải qua sang chấn tâm lý từ thời thơ ấu dễ có những cảm xúc tiêu cực. Trong khi đó, người được nuôi nấng trong gia đình hạnh phúc và cuộc sống đủ đầy ít cảm thấy bi quan, lo lắng”, cô Dương nói.

Nắm bắt biểu hiện khi trẻ có cảm xúc tiêu cực

Theo cô Nguyễn Thùy Dương, biểu hiện của cảm xúc tiêu cực gồm tức giận. Đó thường là phản ứng của cơ thể trước những sự việc không như ý muốn, bị lừa dối, phản bội, bị đối xử bất công…

Dạng cảm xúc tiêu cực này nên được khắc phục và kiểm soát ở mức độ thích hợp. Bởi vì thường xuyên tức giận có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Khó chịu, bực bội là hình thức yếu hơn của tức giận. Dạng cảm xúc tiêu cực này cũng rất phổ biến. Nó xuất hiện khi trẻ gặp phải những chuyện không như ý và trẻ khó có thể kiểm soát được cảm giác này.

Sợ hãi cũng là một trong những cảm xúc cơ bản cốt lõi liên quan đến ý thức bảo vệ bản thân của trẻ. Đó có thể xem là một phản ứng đã được cải tiến để cảnh báo về những tình huống nguy hiểm, những trở ngại hoặc thất bại chúng ta đã hoặc có thể sẽ gặp phải.

Tương tự, lo lắng giống như sợ hãi. Nó thường được coi là một cảm xúc tiêu cực vì lo lắng có thể làm giảm khả năng phán đoán và hành động của chúng ta. Sự buồn bã có thể xuất hiện khi gặp phải sự mất mát, không hài lòng với bản thân hoặc hành vi của những người xung quanh.

Nỗi buồn có thể là một chất xúc tác tuyệt vời giúp ta thay đổi để tốt hơn. Tuy nhiên, nếu buồn bã kéo dài với mức độ nghiêm trọng không kiểm soát có thể dẫn đến trạng thái đau khổ, u uất và nhiều cảm xúc tiêu cực khác.

Bên cạnh đó, hối hận hoặc cảm giác tội lỗi cũng là một cảm xúc phức tạp có thể liên quan đến những hành vi trong quá khứ mà trẻ không mong muốn nó xảy ra. Những hành vi ấy có thể đã gây ảnh hưởng xấu đến những người xung quanh hoặc chính bản thân trẻ.

Đây có thể là một chất xúc tác mạnh mẽ giúp bạn thay đổi để trở nên tốt hơn. Tuy nhiên, nếu bạn chìm sâu trong cảm giác tội lỗi quá lâu sẽ khó có thể thoát ra và gây ảnh hưởng xấu đến tinh thần.

Ngoài ra, lãnh đạm, thờ ơ, không cảm xúc cũng có thể gây ra sự tiêu cực. Đó là một cảm xúc phức tạp sẽ khiến mất đi sự nhiệt tình, động lực hoặc hứng thú với những thứ đã từng yêu thích.

Tương tự như tức giận, lãnh đạm có thể phát sinh khi bạn mất kiểm soát trước một tình huống hoặc sự kiện đặc biệt nào đó. Nhưng thay vì biểu hiện cảm xúc dữ dội như tức giận, trẻ sẽ trở nên không cảm xúc và hoàn toàn thờ ơ với những sự việc ấy.

Ngoài tức giận, ghen tị cũng là dạng cảm xúc tiêu cực thường thấy ở trẻ. Cảm xúc này thường xảy ra khi trẻ cảm thấy không được quan tâm, thường bị đem ra so sánh,… Về cơ bản, sự đố kỵ là điều khó tránh khỏi.

Cũng có nhiều trẻ lấy sự đố kỵ để làm động lực nhằm hoàn thiện bản thân hơn mỗi ngày. Ví dụ muốn được chiều chuộng giống như anh, chị thì mình sẽ ngoan hơn, học tốt hơn,…Vì vậy, điều quan trọng nhất khi đối mặt với dạng cảm xúc này là cha mẹ phải giúp con tỉnh táo và không để bản thân bị dẫn dắt bởi những suy nghĩ không chính đáng.

“Đối với trẻ em, cảm xúc tiêu cực dễ hình thành và cũng nhanh chóng mất đi. Tuy nhiên, khi trẻ có cảm xúc đó thì khó kiểm soát hành vi của bản thân. Vì vậy, việc nhận diện một số cảm xúc tiêu cực thường gặp ở trẻ em và trang bị cho trẻ một số biện pháp giúp kiềm chế cảm xúc cũng như quản lý cảm xúc tiêu cực là hết sức cần thiết để trẻ có được cuộc sống lành mạnh và hài hòa”, cô Dương nhấn mạnh.

Cảm xúc tiêu cực có thể bắt nguồn từ bất cứ vấn đề nào xảy ra trong cuộc sống của trẻ. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào tính cách, điều kiện cuộc sống và cách giáo dục của cha mẹ đối với con cái. Thực tế, cùng một nhóm trẻ đối mặt với một vấn đề nhưng có trẻ vẫn giữ được tâm lý thoải mái. Ngược lại một số trẻ trở nên tức giận, đau khổ, buồn bã và bi quan.