Tối nào chị Vũ Bích Th. cũng "đánh vật" với cậu con trai học lớp 4 vì con có thể đọc chữ nhưng chép qua vở thì bị sai, từ đó giảm sự hứng thú với các môn học, kém tập trung, ảnh hưởng đến kết quả học tập. "Học trước quên sau, ngồi trong lớp cứ "như trên mây", chưa bao giờ cháu có thể viết được một đoạn văn liền mạch, khi nói chuyện thường xuyên phải dừng lại suy nghĩ từ ngữ" - chị Th. rầu rĩ.
Khó khăn trong giao tiếp, diễn đạt
Tại Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhi được chẩn đoán bị rối loạn học tập có chỉ định can thiệp điều trị thuốc và tâm lý. "Mong sao tình trạng của cháu sớm tiến triển để theo kịp bạn bè đồng trang lứa" - chị Th. chia sẻ.
Theo bác sĩ Cao Thị Ánh Tuyết, Viện Sức khỏe tâm thần, nhiều trẻ có những biểu hiện ban đầu của rối loạn học tập. Tuy nhiên, các bé không được người nhà nhìn nhận đúng mức độ nghiêm trọng của những dấu hiệu đó và chỉ được điều trị khi rối loạn đã ở mức độ nặng.
Điển hình là trường hợp nam thiếu niên 14 tuổi với chẩn đoán rối loạn học tập và rối loạn cảm xúc, hành vi, được tiếp nhận, điều trị mới đây. Từ năm 4 tuổi, em này vẫn chỉ nói được các câu ngắn, khó khăn khi kể câu chuyện một cách liền mạch, không thuộc lời được những bài hát hoặc bài thơ đơn giản. Quá trình học tiểu học, cậu bé khó khăn trong học môn tiếng Việt, hằng ngày nói chuyện không rành mạch, thường không nghĩ ra từ, phải sử dụng ngôn ngữ cơ thể để mô tả lời nói. Tình trạng này kéo dài lên đến trung học, cậu bé cũng vẫn chưa thể viết được đoạn văn liền mạch, học kém các môn đòi hỏi sự khéo léo.
Đến nay, khi đã lên lớp 9 song nam thiếu niên vẫn bị các bạn cùng lớp trêu chọc. Điều này khiến cậu ít giao tiếp với mọi người và có biểu hiện buồn chán, mệt mỏi, kém tập trung, dễ nổi nóng, cáu gắt, học lực giảm sút… Được đưa tới Viện Sức khỏe tâm thần khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị rối loạn học tập.
"Được can thiệp bằng liệu pháp tâm lý và dùng thuốc sau 10 ngày, tình trạng bệnh nhi có tiến triển, các triệu chứng căng thẳng, cáu gắt, buồn chán thuyên giảm. Em được xuất viện và tư vấn tiếp tục điều trị can thiệp tâm lý" - bác sĩ Tuyết thông tin.
Dễ nhầm với bệnh khác
Theo các chuyên gia, các rối loạn học tập là một trong những rối loạn phát triển và là một trong những vấn đề liên quan đến nhận thức của trẻ. Rối loạn học tập có thể gặp ở 10% - 15% trẻ trong tuổi học đường và có thể kéo dài về sau nếu không được điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến, Phòng Tâm thần nhi - Viện Sức khỏe tâm thần, cho biết trẻ bị rối loạn học tập xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có thể là các bệnh lý thực thể mắc phải cho đến các yếu tố tâm lý, xã hội, gia đình. Số trẻ được phát hiện và đưa đến bệnh viện khám rất ít trong khi đây là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến học tập kém với thể hiện ở rối loạn đọc, viết hoặc tính toán và thường gặp ở các bé trai.
"Dấu hiệu nghi ngờ có thể rối loạn học tập như: Khi đi học mầm non, trẻ sẽ có các dấu hiệu như nói muộn, khó nói, chậm học màu sắc và chữ cái. Tới độ tuổi tiểu học, trẻ sẽ có những vấn đề kiến thức kém về chữ cái, kỹ năng ghép vần hoặc âm vị kém. Ở độ tuổi trung học, các em sẽ gặp các vấn đề khó khăn về ngôn ngữ diễn đạt, từ vựng, hình ảnh hoặc chậm tính toán, khó nắm bắt quy tắc toán học…" - bác sĩ Yến chia sẻ.
Các bác sĩ ở Viện Sức khỏe tâm thần khuyến cáo tỉ lệ bệnh nhi đang gặp vấn đề rối loạn học tập dù không cao nhưng lại có dấu hiệu gia tăng trong cộng đồng. Thực tế có nhiều trường hợp dễ bị chẩn đoán nhầm với các rối loạn phát triển khác.
Bác sĩ Lê Công Thiện, Trưởng Phòng Tâm thần nhi - Viện Sức khỏe tâm thần, cho biết một trẻ em có thể có nhiều rối loạn tâm thần, rối loạn tính toán và kỹ năng đọc viết. Tuy nhiên, rối loạn học tập (rối loạn kỹ năng đọc và viết) không phải là bệnh tự kỷ. Trẻ có rối loạn học tập vẫn được chẩn đoán ít, bởi nhiều cha mẹ quan niệm rồi khi lớn trẻ sẽ hết. Nhiều cha mẹ chưa hiểu và biết đến triệu chứng rối loạn học tập nên nhận biết về căn bệnh này còn rất ít. Tiến triển của rối loạn học tập có thể kéo dài, ngoài lứa tuổi trẻ em có thể kéo dài đến tuổi vị thành niên, có người đến tuổi trưởng thành. "Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh tiến triển nặng khiến các em không chỉ chán học, ảnh hưởng tới nghề nghiệp của tương lai mà còn có thêm các rối loạn khác" - bác sĩ Thiện cảnh báo.
Theo các bác sĩ, việc điều trị, hỗ trợ bệnh nhân rối loạn học tập cần thực hiện liên tục, kéo dài và có sự phối hợp giữa bác sĩ tâm thần, điều trị viên, chuyên gia tâm lý, nhà ngôn ngữ, giáo dục… Quan trọng hơn, trẻ rất cần môi trường giáo dục hòa nhập thật sự. Để tầm soát rối loạn học tập, bên cạnh việc sử dụng các công cụ, phương pháp kiểm tra chuyên biệt, các bác sĩ chuyên khoa thần kinh còn phải khám toàn diện cho trẻ, tìm kiếm các nguyên nhân từ gia đình, khảo sát kết quả học tập ở trường, kiểm tra thời gian ngủ, thính lực, thị lực…
"Tuy nhiên, nếu các dấu hiệu trên duy trì hơn 6 tháng, dù đã được điều chỉnh, nhắc nhở, cha mẹ cần nghi ngờ khả năng trẻ bị rối loạn học tập. Nên đưa trẻ đến cơ sở chuyên khoa để được đánh giá sớm các chẩn đoán, được điều trị kịp thời. Ngoài ra, cần đánh giá, nhìn nhận trẻ rối loạn học tập khác với trẻ mang hội chứng tự kỷ hay khuyết tật trí tuệ để có những biện pháp can thiệp sớm, kịp thời" - bác sĩ Thiện lưu ý.
49% học tập kém do rối loạn
Theo bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng Khoa Tai - Mũi - Họng Bệnh viện Tâm Anh TP HCM, rối loạn tiền đình cũng là một trong những nguyên do dẫn đến học tập kém ở trẻ em. Một nghiên cứu tại Mỹ trên 103 trẻ em tuổi từ 7-12 học tại các trường công lập (gồm cả bị mắc và không bị mắc rối loạn tiền đình), kết quả cho thấy 49% có kết quả học tập kém ở trường. Nghiên cứu xem xét các biến thể tiền đình ở trẻ em cũng chỉ ra rằng 47% trẻ mắc bệnh tiền đình có liên quan đến thành tích ở trường, cụ thể là gây suy giảm khả năng học tập và vận động của trẻ.
N.Thạnh