Nhẫn nhựa trẻ em không xuất xứ đang được bày bán tại Hà Nội. Ảnh: N.H
Nhẫn trôi nổi chỉ 5.000 đồng/chiếc
Sáng 17/12, ghi nhận tại nhiều cửa hàng đồ chơi trẻ em và các khu hàng xén ở Hà Nội cho thấy số lượng khách mua hàng rất đông. Vào một gánh hàng xén tại Chợ Quang (Thanh Liệt, Thanh Trì), tôi ngỏ ý muốn tìm một chiếc nhẫn, vòng hoặc dây buộc tóc cho trẻ em. Người bán hàng đưa tay chỉ một đống các bịch nilon trước mặt, bên trong là các gói nhỏ phụ kiện như: Nhẫn, vòng, dây thun buộc tóc trẻ em… với nhiều màu sắc bắt mắt. Bên trong các bịch nilon, gồm các túi nhỏ với khoảng 5 món đồ/túi (dây buộc tóc, cặp nhựa…), giá mỗi túi là 10.000 đồng. Bên cạnh đó là các hộp nhựa đựng các loại nhẫn nhựa đủ màu sắc, bày la liệt, giá 5.000 đồng/chiếc. Theo quan sát của PV, các bịch nilon phụ kiện này đều có ghi “made in China” hoặc các chữ Trung Quốc khác. Tương tự, các hộp nhẫn nhựa bên cạnh đó cũng không hề có nhãn mác hoặc xuất xứ.
Tại siêu thị đồ chơi BM., đường Nguyễn Trãi, khi chúng tôi hỏi về gói đồ chơi vừa vòng, nhẫn nhựa và dây buộc tóc của Trung Quốc, chủ nhân ở đây cho biết vừa hết hàng. Cô giới thiệu với chúng tôi một số loại nhẫn nhựa dành cho trẻ em nhưng trên bao bì sản phẩm không thấy ghi xuất xứ hàng hóa hoặc tên đơn vị nhập khẩu. Duy nhất trên hộp nhẫn có một tem giấy nhỏ ghi tên cửa hàng và giá tiền. “Cái này là hàng Trung Quốc hả em”?, tôi hỏi người bán hàng. Cô ngẩng lên nhìn chúng tôi không nói gì rồi bỏ ra quầy tính tiền. Được biết, giá của các loại nhẫn không nhãn mác này cũng được cửa hàng bán từ 5.000 - 6.000 đồng/chiếc, tùy loại. Chia sẻ với chúng tôi, chủ kiot M.H (KTT Linh Đàm) cho biết, các loại nhẫn cho trẻ em đều được bán với giá rất rẻ. Thường có hai loại, nhẫn nhựa và nhẫn sắt bên ngoài có phủ sơn màu. Nhẫn nhựa thường thì đeo lành tính hơn nhưng với nhẫn sắt phủ màu xanh đỏ thì khá nguy hiểm vì có thể bị gãy chọc vào tay trẻ lúc nào không hay, hoặc có cháu đeo một thời gian, sắt ăn mòn gây ra hiện tượng ngứa tay.
Nguy hiểm khôn lường
Trở lại câu chuyện một bà mẹ ở Uông Bí, Quảng Ninh đã chia sẻ trên trang cá nhân của mình về việc con mình đeo nhẫn trôi nổi của Trung Quốc khiến tay bị phồng rộp, chị cho biết mình mua bộ nhẫn và vòng nhựa cho con tại một cửa hàng đồ chơi trẻ em với giá chưa đến 20.000 đồng/bộ. Bộ trang sức này giống như ngọc trai giả, được để trong một túi nilon nhỏ, có ghi chữ Trung Quốc. Con gái chị đeo trong khoảng 3 tháng, chiếc nhẫn dần bạc màu, bong tróc. Từ vị trí đeo nhẫn trên tay có vết sưng to, phồng rộp, bên trong như có bọng nước kèm theo, vết xước lan cả sang các ngón tay khác. Chị đã cho con gái điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ trong 1 tuần nhưng không khỏi.
Cùng với thông tin miếng dán Trung Quốc gây nguy hiểm, thông tin từ bà mẹ này đã khiến nhiều người lo ngại. Một phụ huynh có con gái 4 tuổi ở Trung Hòa - Nhân Chính (Hà Nội) chia sẻ, từ trước đến nay, chị vẫn thường mua các loại vòng, cặp tóc hoặc nhẫn nhựa cho con sử dụng. Mặc dù con chưa từng bị sưng phồng tay nhưng câu chuyện từ bà mẹ trên đây khiến chị cẩn trọng hơn.
Giám đốc Công ty Cổ phần thiết bị đồ chơi giải trí Văn Minh khẳng định, nguy hiểm từ đồ chơi trôi nổi của Trung Quốc đã từng được cảnh báo rất nhiều. Tuy nhiên, không nên đánh đồng tất cả đồ chơi Trung Quốc đều độc hại bởi nếu mua hàng có chứng chỉ CO (giấy chứng nhận xuất xứ), CQ (giấy chứng nhận chất lượng) thì có thể yên tâm. Để nhập khẩu các mặt hàng đồ chơi này về Việt Nam, các Cty trong nước phải qua nhiều khâu kiểm soát nghiêm ngặt từ Hải quan đến giấy chứng nhận sản phẩm của Bộ KHCN trong nước, do vậy, nhiều đơn vị đã không tuân thủ các quy trình ngặt nghèo này. Những mặt hàng đồ chơi Trung Quốc gây hại mà người dân phản ánh thường là đồ xách tay, đồ "cõng lưng" theo đường tiểu ngạch, không kiểm soát chất lượng, không rõ nhà sản xuất. "Doanh nghiệp lớn phải kí hợp đồng với các Cty có uy tín ở Trung Quốc để phân phối đồ chơi khắp cả nước. Còn lại một số đơn vị khác, vì ham rẻ nên thường lấy nguồn từ các "xí nghiệp đen", thậm chí lấy hàng lậu qua biên giới nên đều không có kiểm định hàng hóa, rất nguy hại”, Giám đốc Công ty Văn Minh cho biết.
Vị giám đốc này cũng cảnh báo, thời điểm gần Giáng sinh này, ở các cửa khẩu có thể thấy lượng hàng lậu tuồn về rất nhiều đồ chơi trẻ em và các cơ quan chức năng không kiểm soát nổi nên không cẩn trọng, sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng- nhất là trẻ em.
Theo một thống kê của tổ chức GreenPeace (tổ chức Hòa bình xanh) trước đây, một phần ba số đồ chơi xuất xứ Trung Quốc có chứa các kim loại nặng như chì, đồng, nickel hay cadmium, chưa kể các chất độc hại khác.