Câu chuyện về ba người thầy vĩ đại
Nhà hiền triết nọ tên là Hasan, khi ông sắp qua đời - một người mới hỏi rằng: “Ai là thầy của ngài?”
Hasan bảo rằng, thầy thì nhiều vô số kể, nếu điểm lại hết chắc không kịp nữa rồi. Nhưng Hasan nhớ nhất về 3 người thầy đặc biệt đã cho ông những bài học đắt giá đến tận cuối cuộc đời.
Người thầy đầu tiên là một tên trộm
Trong một lần Hasan bị lạc ở sa mạc, lúc đến được một ngôi làng thì trời đã rất khuya, mọi người đều ngủ say.
Hasan được một người đàn ông làm nghề... ăn trộm cho ở nhờ. Sau đó, Hasan quyết định nán lại một tháng. Cứ mỗi đêm tên trộm lại bảo: “Tôi đi làm đây. Ông ở nhà và cầu nguyện cho tôi nhé!” Mỗi khi ông ta trở về Hasan đều hỏi: “Có trộm được gì không?” và tên trộm đều đáp: “Hôm nay thì chưa, nhưng ngày mai tôi sẽ cố, có thể lắm chứ”. Hasan chưa bao giờ thấy ông ta trong tình trạng tuyệt vọng, kể cả chẳng trộm được gì thì hắn luôn cảm thấy lạc quan và hạnh phúc.
Sau này, có nhiều lúc Hasan rơi vào tình trạng tuyệt vọng, tuyệt vọng đến nỗi ông nghĩ đến việc phải chấm dứt tất cả những điều vô nghĩa này. Ngay sau đó, Hasan chợt nhớ đến tên trộm năm xưa, kẻ hằng đêm vẫn quả quyết: “Ngày mai tôi sẽ làm được, có thể lắm chứ!”.
Ai cũng biết trộm cắp là điều cấm kỵ, Hasan đương nhiên không bắt chước thói xấu đó, cái mà ông học được chính là sự lạc quan trong cuộc sống: Bạn có là ai, làm bất cứ công việc gì - tuyệt vọng hay lạc quan là do chính bản thân mỗi chúng ta quyết định.
Người thầy thứ hai là một con chó
Một hôm, Hasan ra bờ sông uống nước thì có một con chó xuất hiện.
Nó cũng khát nước. Khi nhìn xuống dòng sông, nó thấy cái bóng của mình nhưng lại tưởng đó là một con chó khác. Hoảng sợ, nó tru lên và bỏ chạy.
Một lúc sau, vì khát quá nên nó bèn quay trở lại. Mặc nỗi sợ hãi trong lòng, nó quyết định nhảy xuống sông để uống nước và rồi cái bóng cũng biến mất. Hasan nhận ra rằng: Bằng hành động, con người mới có thể xóa bỏ nỗi sợ hãi vô hình trong lòng mình.
Người thầy cuối cùng là một đứa bé
Một lần nọ, Hasan trông thấy đứa bé trên tay cầm một cây nến đã thắp sáng để đặt trong đền thờ.
Hasan mới hỏi: “Con tự thắp cây nến này phải không?”.
Đứa bé đáp: “Thưa phải”. Hasan hỏi tiếp: “Lúc nãy nến chưa thắp sáng, nhưng chỉ một thoáng sau đã rực cháy. Vậy con có biết ánh sáng từ đâu đến không?”. Đứa bé bỗng cười to, thổi phụt ngọn nến và nói: “Ngài thấy ánh sáng đã biến mất, vậy ngài bảo ánh sáng đã đi đâu?”
Hasan cảm thấy cái tôi ngạo nghễ của mình hoàn toàn sụp đổ, kho kiến thức kim cổ cũng sụp đổ theo. Ông như nghiệm ra sự dốt nát của bản thân, vứt đi tất cả những tự hào về kiến thức của mình. Ông nhận ra rằng: Luôn có thái độ cầu thị, luôn coi bản thân là một học trò. Nghĩa là có khả năng học hỏi, luôn sẵn sàng học để biết chấp nhận ý nghĩa của vạn vật.
Nếu muốn học hỏi, đừng tự coi mình là thầy
Để lớn lên, để thành công trong bất cứ lĩnh vực gì chúng ta đều cần những người thầy. Có nhiều người không xem ai quanh họ là thầy, có người lại chưa tìm thấy người thầy của cuộc đời vì bản thân quá cao ngạo.
Nhân vật Hasan không thể học được bất kì điều gì từ tên trộm, con chó, cậu bé cầm nến hay bất cứ thứ gì khác nếu ông luôn tự cho mình là thầy. Hãy tự nhận ra rằng, thứ ngăn cản chúng ta học hỏi, ngăn cản chúng ta thành công không phải môi trường hay gia đình, mà chính là cái tôi và tư duy chủ quan rằng cái gì mình cũng biết.
Mọi thứ xung quanh bạn đều có thể là những người thầy, tuy nhiên nếu đặt cái tôi quá cao thì cả đời cũng không nhìn thấy.
Theo IOE