- "Tình nhân không bao giờ đòi cưới" là cuốn
sách thứ 13 của Trang Hạ, được rất nhiều chị em phụ nữ "săn lùng". - Sách được đặt mua trên mạng trước 1 tuần và khi chưa ra
mắt đã tái bản 3 lần, hiện đã in 6000 cuốn. - Chiếm lĩnh ngôi đầu bảng trên 3 trang bán sách lớn nhất
Việt |
Trong không khí cuối năm bận rộn, cuốn sách của chị vừa ra mắt hoặc thậm chí khi chưa ra mắt đã rơi vào tình trạng "cháy hàng". Chị đã bao giờ tự lý giải vì sao tác phẩm của mình được nhiều bạn đọc mến mộ như thế?
Tôi cho rằng các tác phẩm của tôi và đặc biệt là tác phẩm mới này đó là những vấn đề của cuộc sống nên nó có chỗ đứng trong lòng độc giả. Đó không chỉ là văn chương, chữ nghĩa mà là thái độ nhìn nhận với đời sống này: yêu ai, lấy ai, học gì, cư xử với mọi người, đối mặt với thất bại và học cách yêu thương bản thân ra sao, tương tác với xã hội thế nào… Thực tế, nếu nhà văn không co vào tháp ngà trong văn chương thì dễ rơi vào sự rẻ tiền, nhưng may mắn sách của tôi rơi vào... độc giả. Chắc chắn sách của tôi không xui dại, không hướng tới chủ nghĩa cực đoan mà hướng tới những cách suy nghĩ và hành động tích cực.
Với tác phẩm này chị hướng tới đối tượng độc giả nào khi bìa cuốn sách có vẻ "xì tin" và hơi sến như thế, thưa chị?
Trước tiên đó là cuốn sách hoàn toàn dành cho phụ nữ, vô hiệu với đàn ông. Bạn của con gái tôi cũng đặt mua sách của tôi. Từ 20-40 tuổi đều tìm thấy những kinh nghiệm sống trong đó. Tôi không dạy đời nhưng đó là những gợi ý từ những gì tôi đã gặp. Nhiều bạn đọc đã bày tỏ khi họ đối diện với khó khăn và đọc Trang Hạ thì họ đã có thêm động lực.
Trang Hạ nói rằng lứa tuổi nào cũng phù hợp để đọc sách của chị.
Nhìn vào cuốn sách này nó giống một cuốn sách ngôn tình với tên sách dài và minh họa sến. Chính tôi đã là người mang văn học ngôn tình vào Việt Nam, nhưng thực ra với cuốn sách này, đó chỉ là cách tôi kéo khán giả đến. Ở đây thực sự bạn sẽ thấy một tinh thần mạnh mẽ, vượt qua việc đọc cho vui, có thể phù hợp với người sống ở nông thôn hay thành thị, từ tuổi teen cho đến các độ tuổi khác. 20 bạn sẽ học được cách đối nhân xử thế khiêm tốn và mạnh mẽ. 30 bạn sẽ biết trân quý ngày hôm nay mà không phải ngoái lại quá khứ hay trông chờ vào tương lai.
Ngoài mục đích kéo bạn đọc đến thì chị có dụng ý gì muốn truyền tải qua tựa đề sách?
Tất nhiên là tôi có dụng ý của mình. Một số các bà, các chị khi nghe thấy tên thôi sốt sắng hỏi: “Sao, nó là tình nhân mà còn dám đòi cưới á?”. Nhưng hãy nhớ tôi viết là tình nhân chứ không phải nhân tình. Tình nhân là những người yêu nhau chứ không phải là bồ bịch. Cuốn sách dành cho những người đang yêu hoặc yêu bản thân mình. Nếu bạn chưa yêu ai thì hãy yêu bản thân mình, không có hoàng tử thì công chúa vẫn là công chúa, đừng lệ thuộc vào quan điểm của người khác, hãy xác lập lại thang giá trị cho bản thân.
Trong sách chị nói rằng chị cũng phải loay hoay đối mặt với những vấn đề của riêng mình, vậy chị thường gặp những vấn đề gì, và chị sẽ làm thế nào khi nhiều người cho rằng Trang Hạ đã là một chuyên gia?
Đó cũng là một cách nói hóm hỉnh thôi. Còn khi tôi gặp vấn đề phải loay hoay tôi sẽ tìm gặp chuyên gia.
Bi kịch của chúng ta là thường quá sợ hãi khi phải tìm tới chuyên gia. Lên mạng nhờ google kê đơn thuốc chứ ngại đi khám bác sĩ. Tin vào luật rừng hơn là luật sư. Lên mạng chê chồng và than thân chứ không gọi đường dây nóng hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình. Thậm chí, quyết định một thứ hệ trọng là việc giáo dục của cả cuộc đời con chỉ bằng lời rỉ tai trường nào tốt, chứ không quan tâm tới mọi triết lý giáo dục. Nhiều người có những vấn đề trầm trọng và khủng khiếp nhưng thay vì tìm đến công an và tòa án thì họ lại viết thư hoặc bằng mọi cách tìm gặp Trang Hạ bằng được. Thực sự tôi rất bối rối.
Trang Hạ bày tỏ chị không phải là chìa khóa vạn năng
Tôi có thể thạo một lĩnh vực nào đó, nhưng tôi không phải là chìa khóa vạn năng: Ví dụ tôi không biết trang điểm, ăn mặc xuề xòa và không biết gì về hen suyễn ở trẻ nhỏ và càng không thể vá trinh giúp bạn, cũng không giải quyết việc tống tình và tống tiền hộ độc giả… Nên cá nhân tôi cho rằng, hãy để vấn đề của bạn cho người có chuyên môn giải quyết, hơn là cư xử theo cảm tính.
Chị cũng đã viết "Tình yêu là chấp nhận một ông chồng lười và một cô vợ xấu" hoặc "yêu một người không phải chỉ vì nhận ra họ tốt quá, đẹp quá. Mà còn vì chấp nhận được cả những khiếm khuyết của người ấy nữa". Quay lại với cuộc sống hôn nhân của chính chị, làm sao để chị giữ được một cuộc hôn nhân có lửa khi bản thân chị là một người phụ nữ cá tính và dành quá nhiều thời gian cho công việc, có khi đến quên cả gia đình?
Khi mới lấy nhau gia đình tôi y chang như những gia đình khác, tôi cũng lấy phải một ông chồng về muộn, ham chơi, vô tâm… Tôi cũng sợ va chạm với mẹ chồng như bất kì người phụ nữ nào mới bước vào hôn nhân. Nhưng 15 năm qua đi, giờ chúng tôi là sự thành đạt của nhau. Ông xã tôi thành một ông chồng tỉ mẩn, biết yêu thương, tháo vát, làm việc lớn, nhưng không quên việc nhỏ... Còn tôi thành người phụ nữ có gia đình, có 3 con nhưng vẫn rất độc lập, tự do. Có lần tôi bảo với ông xã là em định vào Sài Gòn một thời gian để làm một số việc, ông ấy bảo: “Anh đã ngăn em cái gì đâu” và đó là sự thật.
Không phải bỗng dưng tôi thành Trang Hạ như bây giờ. Có lẽ tôi đã bước vào hôn nhân và biết cách tạo không gian để những điều tốt đẹp nảy nở, tôi biết khen ngơi, khuyến khích, cổ vũ để có được người chồng như ý, còn bản thân mình vẫn làm được những điều mình mong muốn. Tôi không có hình thức tốt, nội tâm cũng chẳng giàu hơn so với người khác, nhưng tôi có cách xử lý theo kiểu của riêng mình. Và tôi đã không phải trở thành người phụ nữ biết hy sinh cho gia đình như phần đông phụ nữ Việt. Và để có một cuộc hôn nhân tạm ổn như hôm nay đó là nhờ 15 năm trong quá khứ đã tạo thành. Cũng giống như tôi đang trên sàn boxing là nhờ tôi yêu thể thao và đã tập luyện kể từ 10 năm trước đó như bơi lội, leo núi, chèo thuyền, đi xe phân khối lớn, chạy bộ…
Nhân nói đến chuyện chị tập boxing, tại sao chị lại lựa chọn môn thể thao này khi nhiều người vẫn cho rằng nó có vẻ là môn thể thao của nam giới?
Tôi kể cho bạn nghe một câu chuyện thế này, tôi mê đạp xe nên có rủ một cô bạn đi đạp xe cùng. Nhưng cô ấy e ngại: “Em đang tập múa bụng rồi và nó hợp hơn với em. Hơn nữa, em cũng sợ đạp xe đạp vì sẽ bị… thâm mông”. Tôi với nói với cô ấy thế này: “Lý do đó thật buồn cười vì trong đời em sẽ không có cơ hội chổng mông cho người khác xem". Vẻ đẹp giờ đây phải đi kèm sự khỏe mạnh. Đã qua rồi thời của 20 năm trước với những câu chuyện diễm tình của một cô gái bị liệt, mặt xinh như thiên sứ, với vẻ đẹp yếu ớt vẫn được một anh công tử, nhà giàu yêu thương.
Trang Hạ say mê luyện tập trên sàn tập boxing
Quay lại chuyện tập boxing, tôi khẳng định nó không có giới hạn về giới tính, giới hạn chỉ nằm trong đầu của những người nghĩ theo chiều hướng này thôi. Nhưng quả là số lượng nữ giới tập boxing hiện nay vẫn đếm được trên đầu ngón tay. Tôi chọn boxing ở thời điểm này vì tôi thấy đây là lúc cần đầu tư vào bản thân. Tiêu chí thành đạt với nhiều người có thể là số tài khoản lớn ở ngân hàng hay sổ đỏ. Nhưng tất cả những điều này không làm cho tôi yên tâm. Tôi cần một bộ môn có thể cho tôi sức bật từ năng lượng bên trong để đối mặt với tuổi sau 40. Và thật tuyệt khi vẫn có đỉnh núi để tôi chinh phục đó là võ đài. Tôi rất thích võ đài!
Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!