Hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Tùng và chị Hoàng Thị Ngọc ở Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) cả tuần nay trong cảnh người rửa bát, dọn nhà, người trông con. Anh chị đã gọi điện cho người thân, bạn bè ở quê nhờ tìm hộ một người giúp việc mà vẫn chưa tìm được.
Chị Ngọc kể, nhà có con nhỏ, hai vợ chồng lại đi làm cả ngày tối mới về, do đó rất cần người trông con, giúp việc nhà. Trước đây, gia đình thuê một người dưới quê. Người này làm được hơn 2 năm, mọi việc đều gọn gàng, nhà cửa lúc nào cũng sạch sẽ, tinh tươm. Thế nhưng, vừa rồi vợ ông giám đốc của chồng có nhờ tìm giúp một bác giúp việc vì ôsin cũ đột ngột bỏ việc về quê. Chồng chị tìm mãi không được đành bàn với vợ đưa ôsin nhà mình qua giúp sếp rồi tìm người thay thế sau.
“Ban đầu tôi không chịu vì giờ tìm được ôsin biết việc, ưng ý không hề dễ, lại còn phải đào tạo cho người ta quen với việc nhà mình. Song nghe chồng nói, muốn ghi điểm, làm thân với sếp (mà quà cáp thì sếp không thiếu) nên cuối tuần trước, hai vợ chồng đành thuyết phục ôsin sang nhà sếp làm”, chị Ngọc nói.
“Thấy vợ chồng tôi dẫn sang, hai vợ chồng sếp mừng ra mặt, còn khen chúng tôi khéo ăn ở. Hôm qua, ông giám đốc còn gọi điện thoại cho chồng mình nói ôsin mới làm việc tốt, vợ sếp rất ưng và ngỏ lời muốn mời cả hai vợ chồng mình đến chơi nhà. Xem ra, sếp có vẻ chú ý và thân thiết với gia đình mình hơn”, chị Ngọc cho hay.
Tương tự, chị Trần Thu Tâm ở phố Chợ Khâm Thiên (Đống Đa, Hà Nội) cũng đang chạy ngược chạy xuôi cả tháng nay để tìm người giúp việc mới vì người cũ chị đã nhường cho cậu em trai đưa sang nhà sếp làm.
Theo lời chị Tâm, công ty của cậu em đang lên kế hoạch giảm biên chế nên nó suốt ngày gọi điện thoại thở ngắn than dài, không biết biếu sếp cái gì. Nhà sếp cái gì cũng có, hiện chỉ thiếu mỗi... người giúp việc.
Thấy vậy, chị Tâm mách là tìm một cô ôsin tử tế xem sao, nhưng tìm mãi không được, em trai chị liền sang xin luôn giúp việc nhà chị với lý do “ôsin nhà chị làm việc nhà thạo rồi, chăm trẻ nhỏ cũng tốt, rất giống với hoàn cảnh gia đình sếp của em cũng đang có con nhỏ. Chị cho em xin, mai kia em tìm bù cho chị ôsin mới... ”.
“Vì công việc của nó nên tôi đành phải đồng ý”. Chị Tâm còn nói thêm, nửa tháng sau thấy cậu em trai thông báo không bị mất việc, sếp lại còn tin tưởng gọi vào phòng hỏi han xem công việc có khó khăn gì không?
Không chỉ đưa osin của gia đình, người thân làm “quà biếu sếp”, nhiều người còn chấp nhận trả thêm tiền lương cho ôsin để họ làm tốt việc nhà cho sếp, còn mình có cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp.
Anh Bùi Văn Duy ở Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, cách đây hai tháng, khi đến nhà sếp chơi, vợ sếp có nhờ tìm hộ một ôsin biết nội trợ, thạo việc nhà và quan trọng là thạo đường xá để đưa “cậu ấm” đi học. Tìm không được, anh Duy đành đưa ôsin nhà mình sang thay thế để "ghi điểm".
Thế nhưng, vợ sếp nói mỗi tháng trả lương cho ôsin 3,5 triệu đồng. So với lương gia đình anh trả cho ôsin thì hụt tới 1 triệu đồng.
“Tôi sợ osin đòi bỏ việc nên đành thỏa thuận bảo họ cứ sang nhà mới làm tốt mọi việc, mỗi tháng tôi bù thêm 1 triệu đồng. Nếu được nhà sếp khen, tôi sẽ thưởng thêm”, anh Duy nói.