Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh mới tiếp nhận trường hợp L.T.X (31 tuổi) nhập viện do ra máu âm đạo kèm đau bụng.
Theo lời bệnh nhân, khi biết mình có thai khoảng 4 tuần tuổi, ngày 1/2 chị đã tự mua thuốc để phá. Sau đó xuất hiện ra máu âm đạo kéo dài tới 3 tuần. Một ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân ra máu nhiều hơn kèm những cơn đau bụng. Không chịu được, lúc này người phụ nữ mới đến viện cấp cứu.
Bác sĩ Nguyễn Văn Long, Phụ trách Khoa Phụ sản cho biết, trong thời gian qua Bệnh viện thường tiếp nhận và cấp cứu cho nhiều trường hợp bị biến chứng nặng do phá thai không an toàn, đa phần do người dân tự ý mua thuốc về sử dụng mà không có tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa. Có nhiều trường hợp biến chứng gây băng huyết, chảy máu dẫn đến biến chứng vô cùng nguy hiểm cho sản phụ.
Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y tế lao động (Hà Nội) nhấn mạnh việc tự ý dùng thuốc phá thai có thể dẫn tới tình trạng nhiễm trùng, mất máu, thai chưa ra hết bị sót lại..., ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, thậm chí có thể dẫn tới vô sinh.
Bên cạnh đó, hiện vẫn có nhiều người tin vào những cách phá thai truyền lại từ xa xưa như phá thai bằng đu đủ xanh, rau ngót, rau răm, rau sam, nước dừa trong 3 tháng đầu mang thai...
Trường hợp Minh Thư 19 tuổi ở Hà Nội là một ví dụ. Sau lần đầu làm "chuyện ấy" với bạn trai, cô gái trẻ phát hiện mình có bầu. Tuy nhiên, ngại đi khám, cô gái trẻ làm theo cách lan truyền trên mạng là phá thai bằng đu đủ xanh. Theo đó, trong thành phần của đu đủ xanh có chứa papain, một chất có thể phá hủy màng tế bào phôi thai và chứa nhiều enzym, mủ gây nên sự co thắt tử cung và gây sảy thai.
Ngày nào cô cũng mua đu đủ xanh về ăn, hy vọng thai sẽ tự ra. Không ngờ sau 3 tuần, Thư phải đi cấp cứu vì máu chảy ồ ạt. Nguyên nhân là cô gái trẻ mang thai ngoài tử cung mà không biết, khối thai vỡ khiến máu chảy không cầm được.
Theo bác sĩ Dung, phá thai bằng những mẹo này không có tác dụng, thai có thể bị chết lưu, vỡ thai ngoài tử cung... nguy hiểm đến tính mạng. Điều quan trọng nhất trước khi sử dụng bất kỳ phương pháp nào là phải chắc chắn khối thai nằm trong tử cung. Vì thế, bác sĩ khuyên chị em khi có bầu nên đi khám, không được tự ý phá thai tại nhà.
Nguyên nhân xảy ra những tình huống “oái oăm” như thế, theo BS Long, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh là do đa phần các chị em thường có tâm lý ngại vào các cơ sở y tế vì sợ đông, sợ người quen, thủ tục hành chính…
Điều này sẽ để lại những hệ luỵ vô cùng nguy hiểm. Do đó, BS Long khuyến cáo, chị em nên chủ động sử dụng các biện pháp an toàn tránh thai. Trong trường hợp bắt buộc phải đình chỉ thai nghén thì phải lựa chọn các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị với chuyên môn cao có thể cấp cứu kịp thời để tránh được các biến chứng không mong muốn.
Tại Việt Nam, theo thống kê trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300 đến 400.000 ca phá thai được báo cáo chính thức, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên.
Theo số liệu ghi nhận tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, mỗi năm có khoảng 900 ca trẻ vị thành niên tới bệnh viện để nạo phá thai. Có những em đã phải trở thành bà mẹ "bất đắc dĩ" khi mới 10 tuổi và có những em 15 tuổi đã nạo phá thai 2 lần. Cá biệt, có những trường hợp phát hiện có thai thì đã quá to (trên 7 tháng) mới đến xin phá thai nhưng lúc đấy đã không thể bỏ thai được nữa.
Còn theo báo cáo của Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Sinh sản TP.HCM năm 2017, cứ 100 trường hợp trẻ sinh ra sống lại có 73 trường hợp phá thai, trong đó 2,4% là vị thành niên. Nhưng đây cũng chỉ là bề nổi của tảng băng chìm vì theo ghi nhận, tại các cơ sở công lập và các phòng khám tư có đăng ký nạo phá thai, tỷ lệ các ca nạo phá thai được ghi nhận trong năm 2017 lên đến gần 30.000 ca. Đây là con số rất đáng báo động.