Nội dung gồm những câu như: "Gửi bạn, người có thể muốn kết thúc tất cả", 'Gửi bạn, người đang trải qua những ngày đau khổ khi giả vờ mọi thứ đều ổn vì mọi người", "Bạn không cần phải kể với chúng tôi tất cả mọi thứ, nhưng chỉ một chút thôi thì sao?"...
Xen kẽ những dòng chữ là các hình minh họa con mèo cuộn tròn và người phụ nữ cầm ô nhìn lên bầu trời. Những thông điệp này do một chuyên gia sức khỏe tâm thần viết nhằm xoa dịu nỗi cô đơn.
"Chúng tôi cho rằng những thời điểm ở một mình trong nhà vệ sinh, họ có thể dễ dàng có những suy nghĩ đau khổ hơn", Kenichi Miyazawa, quan chức tỉnh Yamanashi, nói.
Những dòng thông điệp này được in trên 6.000 cuộn giấy vệ sinh và được phân phát tới 12 trường đại học trên toàn tỉnh Yamanashi, với hy vọng giúp đỡ những người trẻ đang âm thầm muốn từ bỏ cuộc sống.
Tự tử là một vấn nạn lâu nay trong xã hội Nhật Bản. (Ảnh: Adobe Stock)
Nhà chức trách tỉnh Yamanashi cho rằng việc in lên giấy vệ sinh số điện thoại đường dây nóng và các thông điệp trấn an, khuyên nhủ người trẻ vượt qua ý định tự tử có thể là một cách tiếp cận hiệu quả.
Từ lâu, tự tử được coi là một cách để tránh hổ thẹn hay nhục nhã trong văn hóa Nhật Bản, những người muốn nhận giúp đỡ tâm lý thường bị kỳ thị. Tuy nhiên, khi số vụ tự tử lên tới đỉnh điểm 34.427 trường hợp vào năm 2003, vấn đề thu hút sự chú ý của nước ngoài, đồng thời cảnh tỉnh các nhà hoạch định chính sách, mang tới sự thay đổi ở Nhật Bản.
Tự tử là một vấn nạn lâu nay trong xã hội Nhật Bản. Giống như nhiều quốc gia khác, số ca tử vong do tự tử ở Nhật Bản đã tăng đột biến trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19. Theo Bộ Y tế nước này, trong năm 2020, số học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông tự tử đã ở mức cao kỷ lục với 499 người.