Từ thứ Ba (ngày 11/10), Nhật Bản sẽ khôi phục chính sách miễn thị thực nhập cảnh cho công dân hàng chục quốc gia, dừng thực hiện một số biện pháp kiểm soát biên giới vốn được thực hiện để phòng dịch COVID-19. Thủ tướng Fumio Kishida đang tin tưởng rằng du lịch, phần nào được hưởng lợi từ việc đồng yên đang trượt giá xuống mức thấp nhất trong 24 năm qua, sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế.
Để thúc đẩy du lịch, chính phủ Nhật Bản cũng đang bắt đầu triển khai một sáng kiến du lịch nội địa trong tháng này nhằm giảm giá cho phương tiện đi lại và chỗ ở cho du khách.
Ông Arata Sawa nằm trong số những người háo hức với sự trở lại của khách du lịch nước ngoài, những người trước đây chiếm tới 90% khách tại nhà trọ truyền thống của ông.
Ông Sawa, chủ sở hữu thế hệ thứ ba của nhà trọ Sawanoya ở Tokyo cho biết: "Tôi hy vọng và dự đoán rằng sẽ có nhiều người nước ngoài đến Nhật Bản, giống như trước COVID-19".
Từ đầu năm tới nay, đã có hơn nửa triệu lượt du khách đến Nhật Bản, không đáng kể so với con số kỷ lục 31,8 triệu vào năm 2019. Chính phủ Nhật đã đặt mục tiêu đón 40 triệu lượt khách vào năm 2020 nhưng không thể đạt được do COVID-19.
Tuần trước, ông Kishida cho biết chính phủ đang đặt mục tiêu thu hút 5 nghìn tỷ yên (34,5 tỷ USD) chi tiêu của du khách hàng năm. Nhưng mục tiêu đó có thể là quá tham vọng đối với một lĩnh vực đã chịu nhiều hạn chế trong đại dịch. Theo dữ liệu của chính phủ Nhật Bản, việc làm trong ngành khách sạn đã giảm 22% từ năm 2019 đến năm 2021.
Nhà kinh tế Takahide Kiuchi của Viện nghiên cứu Nomura dự đoán trong một báo cáo: Chi tiêu từ du khách nước ngoài sẽ chỉ đạt 2,1 nghìn tỷ yên vào năm 2023 và sẽ không vượt qua được mức trước dịch COVID-19 cho đến năm 2025.
Theo tờ Nikkei, Chủ tịch Yuji Akasaka cho biết hãng hàng không Japan Airlines đã chứng kiến lượng đặt chỗ trên các chuyến bay vào nước này tăng gấp ba lần kể từ khi có thông báo nới lỏng biên giới. Mặc dù vậy, nhu cầu du lịch quốc tế sẽ chưa thể hồi phục hoàn toàn cho đến khoảng năm 2025, ông nói thêm.
Không khí ảm đạm của ngành du lịch trước mở cửa
Sân bay Narita, sân bay quốc tế lớn nhất Nhật Bản cách Tokyo khoảng 70km, vẫn yên tĩnh một cách kỳ lạ khi khoảng một nửa trong số 260 cửa hàng và nhà hàng tại đây vẫn đóng cửa.
"Nơi này rất vắng vẻ", bà Maria Satherley, 70 tuổi đến từ New Zealand, chỉ tay vào khu vực khởi hành của Nhà ga số 1 tại sân bay Narita.
Bà Satherley, người có con trai sống ở phía bắc đảo Hokkaido, cho biết bà muốn trở về cùng cháu gái vào mùa đông này nhưng có lẽ điều đó sẽ khó thực hiện vì đứa trẻ còn quá nhỏ để được tiêm phòng, một điều kiện tiên quyết đối với khách du lịch vào Nhật Bản.
"Chúng tôi sẽ đợi cho đến năm sau," bà nói.
Chủ tịch tập đoàn Amina Collection, ông Sawato Shindo cho biết họ đã đóng ba cửa hàng lưu niệm tại Narita và không có khả năng mở cửa trở lại cho đến mùa xuân năm sau.
Tập đoàn này đã phân bổ lại nhân viên và nguồn cung hàng hóa từ sân bay đến các địa điểm khác trong chuỗi 120 cửa hàng trên khắp Nhật Bản khi họ phải tập trung vào du lịch nội địa trong thời kỳ đại dịch.
Ông Shindo nói: "Tôi không nghĩ sẽ có sự trở lại đột ngột như trước đại dịch. Các hạn chế vẫn còn khá nghiêm ngặt so với các quốc gia khác."
Khó khăn trong thị trường lao động
Trong 2 năm qua, nhiều nhân viên dịch vụ du lịch cũng đã thấy điều kiện làm việc và mức lương tốt hơn trong các lĩnh vực khác, vì vậy việc thu hút họ trở lại có thể khó khăn, một nhà tư vấn cho các công ty du lịch giấu tên cho biết.
Ông nói thêm: "Ngành khách sạn nổi tiếng là trả lương thấp, vì vậy nếu chính phủ coi du lịch là ngành then chốt thì có lẽ cần phải hỗ trợ tài chính hoặc trợ cấp".
Theo công ty nghiên cứu thị trường Teikoku Databank, gần 73% khách sạn ở Nhật Bản cho biết họ thiếu lao động thường xuyên trong tháng 8, tăng so với khoảng 27% một năm trước đó.
Tại Kawaguchiko, một thị trấn ven hồ dưới chân núi Phú Sĩ, các nhà trọ đang gặp khó khăn trong việc bố trí nhân sự, một nhân viên giấu tên trong một nhóm phát triển thương mại cho biết.
Akihisa Inaba, tổng giám đốc tại khu nghỉ dưỡng suối nước nóng Yokikan ở Shizuoka, miền trung Nhật Bản, cũng đồng tình với ý kiến này và thông tin rằng việc thiếu nhân viên trong mùa hè này khiến người lao động phải giảm thời gian nghỉ.
Inaba nói: "Đương nhiên, sự thiếu hụt lao động sẽ còn trở nên rõ rệt hơn khi du lịch tiếp tục phục hồi. Vì vậy, tôi không chắc chúng ta có thể vui mừng quá mức".