Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 19/2, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết biến thể mới được tìm thấy trong 91 ca mắc COVID-19 ở khu vực Kanto và 2 ca tại các sân bay. Ông nói: “Biến thể mới có thể dễ lây lan hơn các biến thể thông thường, và nếu biến thể này tiếp tục lây lan ở trong nước, nó sẽ dẫn tới sự gia tăng của các ca nhiễm mới”.
Theo Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID), có vẻ như biến thể mới mới có nguồn gốc từ nước ngoài nhưng nó lại không giống với các biến thể khác đã từng được phát hiện ở Nhật Bản. Biến thể mới có đột biến E484K trên protein gai nhọn của virus đã từng xuất hiện ở các biến thể khác, và đột biến này có thể làm giảm tác dụng của vaccine.
Trước đó một ngày, nhóm nghiên cứu của Đại học Y và Nha khoa Tokyo thông báo họ đã phát hiện một biến thể mới của SARS-CoV-2 khác hẳn so với biến thể đang lây lan ở Anh và một số quốc gia khác. Theo đài NHK, nhóm nghiên cứu đã thu thập và phân tích các mẫu bệnh phẩm từ các bệnh nhân COVID-19 tới khám ở bệnh viện của trường đại học này để xác định gen của virus. Kết quả là họ đã phát hiện đột biến ở gen E484K trong virus SARS-CoV-2 tìm thấy trong các mẫu bệnh phẩm của ba bệnh nhân tới bệnh viện này khám trong giai đoạn từ cuối tháng 12 năm ngoái tới tháng 1 năm nay. Đáng chú ý, ba bệnh nhân trên chưa từng đi nước ngoài, và tất cả họ đều không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ.
Đột biến gen E484K được cho là có liên quan tới khả năng các kháng thể ngăn chặn các cuộc tấn công của virus. Các đột biến gen E484K tương tự cũng xuất hiện trong các biến thể đã được phát hiện ở Nam Phi và Brazil.
Trong những ngày gần đây, có một số dấu hiệu cho thấy tình hình dịch bệnh ở Nhật Bản đã cải thiện đáng kể. Ngày 18/2, Nhật Bản chỉ ghi nhận thêm 1.539 ca nhiễm mới, giảm mạnh so với mức đỉnh 7.863 ca vào ngày 8/1. Đáng chú ý, với 445 ca được phát hiện, đây là ngày thứ 12 liên tiếp thủ đô Tokyo ghi nhận số lượng ca nhiễm mới dưới ngưỡng 500.
Mặc dù vậy, nhóm chuyên gia cố vấn của MHLW cảnh báo đà giảm của các ca nhiễm mới có thể sẽ chậm lại. Trong cuộc họp ngày 18/2, nhóm chuyên gia này nhận định các ca nhiễm mới vẫn tiếp tục giảm, nhưng “một số khu vực đang chứng kiến số lượng người đi lại vào ban đêm tăng lên. Vì vậy, đà giảm của các ca nhiễm mới có thể sẽ chậm lại”. Bên cạnh đó, nhóm chuyên gia này cũng cảnh báo về các cụm lây nhiễm tại các cơ sở chăm sóc người cao tuổi.