Trên những con đường ở Nhật Bản, khoảng 5 giờ chiều mỗi ngày, bất kể ngày làm việc hay cuối tuần, đều sẽ đúng giờ vang lên một giai điệu.
Vào thời khắc hoàng hôn, âm thanh này như một lời tuyên cáo đến với mọi người rằng ngày hôm nay đã kết thúc. Người người từ từ bước ra khỏi văn phòng, học sinh rời trường học về nhà.
Giai điệu này được gọi là “5時のチャイム” (tạm dịch: tiếng chuông 5 giờ chiều) hoặc là “夕焼けチャイムについて” (tạm dịch: tiếng chuông buổi tối). Mặc dù bài hát được phát ra mỗi nơi mỗi khác nhau, nhưng mười mấy năm trở lại đây gần như chưa bao giờ trễ giờ hay bỏ lỡ một ngày nào.
Một dân mạng xứ mặt trời mọc cảm thán rằng: “Cho dù Nhật Bản phát triển đến đâu, chiều 5 giờ mỗi ngày, tiếng chuông đài phát thanh đều vang lên đúng giờ. Tụi trẻ ríu rít về đến nhà và tận hưởng bữa cơm tối mẹ nấu. Nhật Bản là một đất nước dịu dàng như vậy đó!”.
Với mỗi người dân địa phương, “tiếng chuông 5 giờ chiều” đã là một phần trong cuộc sống, cũng trở thành nét văn hóa trên mỗi con đường Nhật Bản, từ thành thị cho đến miền quê.
Kiểm tra báo động “có 1-0-2”
Thật ra, “tiếng chuông 5 giờ chiều” này không chỉ là đài phát thanh âm nhạc cho người dân nghe thông thường, mà còn là một phần trong công tác cảnh báo thiên tai.
Sau trận động đất 7,5 độ Richter ở Niigata năm 1964, Nhật Bản đã lắp đặt mạng lưới dự báo thiên tai trên cả nước - Hệ thống vô tuyến điện phòng chống thiên tai, đồng thời cũng mang chức năng truyền tải thông tin đến người dân.
“Hệ thống vô tuyến điện phòng chống thiên tai” có thể đưa ra cảnh báo động đất sớm hoặc cung cấp thông tin trong các trường hợp khẩn cấp khác, giúp người dân tìm thấy nơi an toàn trong thời gian ngắn nhất.
Tính đến nay, hơn 90% nước Nhật đã lắp đặt loa phát thanh trên trụ điện, được kết nối với “vô tuyến điện phòng chống thiên tai” quốc gia để nhận sóng từ các văn phòng chính phủ, đồng thời thông báo thông tin động đất và bão bất cứ lúc nào, từ đó giảm thiểu thiệt hại hết mức có thể.
Vì tần suất động đất xảy ra cực cao, nên phải thường xuyên kiểm tra “Hệ thống vô tuyến điện phòng chống thiên tai” có hoạt động tốt hay không. Do đó, “tiếng chuông 5 giờ chiều” được phát thường xuyên trên toàn quốc để phục vụ cho công tác kiểm tra.
Mỗi buổi tối, tiếng nhạc được phát ra từ chiếc loa dường như trở thành một chuyện hiển nhiên và thường nhật.
Trái ngược với những âm thanh báo động chói tai trước đây, vì phải kiểm tra thường xuyên và để không khiến người dân lo lắng, loa thường phát ra những bài hát dân gian nhẹ nhàng của Nhật Bản, khiến mục đích kiểm tra hoạt động của loa ban đầu chuyển thành phong cách độc đáo đậm chất văn hóa xứ mặt trời mọc.
Trong thời gian lễ Tết, âm thanh được phát ra chính là những bản thu âm khắp đường phố Tokyo. Người dân có thể nghe thấy tiếng chim và tiếng nô đùa của trẻ em trong công viên.
Chính phủ Nhật Bản còn suy xét đến việc căn chỉnh thời gian phát thanh hợp lý mỗi ngày, ví dụ như nhắc nhở các em nhỏ về nhà trước khi trời tối.
Theo một số ghi chép, bắt đầu từ năm 1983, "vô tuyến điện phòng chống thiên tai" đã được dùng với mục đích nhắc nhở em nhỏ về nhà. Rồi dần dần, chính phủ điều chỉnh kiểm tra loa phát thanh mỗi ngày vào khoảng 5 giờ chiều.
Thời gian phát thanh cũng được điều chỉnh linh hoạt theo mùa. Ở một số thành phố, phát thanh diễn ra lúc 4 giờ chiều vì trời tối sớm trong những tháng đầu mùa đông hoặc chuyển thành 5h30 đến 6 giờ chiều với những tháng có ngày dài hơn đêm.
Giai điệu vĩnh cửu
Bản nhạc phổ biến nhất được phát là bài đồng dao nổi tiếng của Nhật Bản - "Yuyaki け 小 焼 け" (Dạ khúc tịch dương).
Bài hát này đã có lịch sử gần 100 năm, bắt nguồn từ bài thơ của Uko Nakamura viết năm 1919 và được phối nhạc bởi Shin Kusakawa năm 1923. Bản đồng dao này gắn liền với tuổi thơ của nhiều người dân Nhật Bản.
Lũ trẻ lon ton về nhà sau buổi dạo chơi trong xóm, vầng trăng vừa to vừa tròn bắt đầu xuất hiện, chim đã nép vào vòm lá nghỉ ngơi, trên đầu hiện ra nhiều vì sao lấp lánh.
Ở Tokyo, có một trạm xe buýt tên là "Yuyaki け 小 焼 け" (Dạ khúc tịch dương), chạy vào lúc chạng vạng hàng ngày và bài hát được phát trong quá trình xe buýt hoạt động.
Những câu hát nhẹ nhàng chứa đựng hình ảnh cuộc sống đồng quê và những ngày thơ ấu của những đứa trẻ mà nhà thơ nhìn thấy hàng ngày trong ánh hoàng hôn. Vì vậy, mỗi khi bản nhạc cất lên, những đứa trẻ đang vui chơi bên ngoài biết rằng đã đến lúc phải về nhà.
Một bài hát phổ biến khác là "Đường về nhà", còn được gọi là "Yuan き Shan に 日 は 下 ち て" (Mặt trời lặn trên một ngọn núi xa). Mặt trời dần buông, bóng tối bắt đầu bao trùm khắp không gian, bật bản nhạc này trên đường về nhà, mọi người luôn cảm thấy yên tâm và nhẹ lòng.
Ở một số thành phố hoặc thôn làng, loa còn phát ra những bản nhạc mang nét đặc sắc riêng từng vùng miền. Ví dụ, ở quận của Tokyo, họ đã viết bài hát đặc biệt mang tên "Bài hát của cư dân Arakawa".
Bản nhạc có thể dài đến 2 phút, ngắn nhất là 20 hoặc 30 giây. Ở một số nơi, thỉnh thoảng sẽ phát liên tục 2 bài hát. Mặc dù các bài hát thường khác nhau giữa các vùng nhưng chúng sẽ luôn vang lên và đồng hành cùng người dân đúng giờ mỗi ngày.
Theo dòng thời gian trôi qua, đối với nhiều bạn trẻ, “tiếng chuông 5 giờ chiều” đã trở thành kỷ niệm của tuổi thơ, là “chiếc đồng hồ” báo thức tự động và một phần không thể thiếu trong cuộc sống.
“Tiếng chuông 5 giờ chiều” chiều vang lên, bọn trẻ biết đã đến lúc về nhà ăn tối; cha mẹ biết đã đến giờ nấu ăn; và những người làm công ăn lương biết rằng “9 giờ vào làm, 5 giờ tan làm” đã kết thúc.
Loa phát thanh cũng nhắc nhở người lái xe cẩn thận sau khi mặt trời lặn. Các thông báo và tin tức địa phương được phát đi len lỏi vào đời sống người dân. Thậm chí, ở những khu vực nhỏ hơn còn có cả thông báo về “một sinh linh ra đời hay người nào đó trở về với cát bụi”...
5 giờ chiều, tiếng nhạc ngân vang trên đường phố đã đồng hành cùng người dân Nhật Bản trong nhiều thập kỷ, điểm thêm vào cuộc sống đời thường một nét dịu dàng, càng lắng đọng và nhiều ý nghĩa hơn khi vang lên khắp con đường ngõ hẻm trong thành phố tấp nập.
Tiếng nhạc thì thầm vào tai những người dân Nhật Bản rằng một ngày bận rộn kết thúc và đã đến lúc phải về nhà.
(Nguồn: Thepaper)