Là một người mẹ không thạo việc chăm sóc con cho lắm, hay nói cách khác là lười. Tôi nhiều lần giật mình khi nhận ra con gái mình là một đứa trẻ rất ham học hỏi những điều mới nhưng tôi lại luôn viện cớ bằng một lí do nào đó mà không dạy cô bé học hay dành nhiều thời gian cho cô bé hơn.
Tôi nhiều lần cùng con thử những điều mới nhưng phần lớn đều không thành công, bởi cô bé là một đứa trẻ hơi thiếu kiên nhẫn. Ngồi vẽ thì cô bé sẽ nhanh chóng rủ mẹ cùng làm cho nhanh, nghe mẹ đọc truyện thì cô bé ít khi tập trung và nhanh quên dù mẹ 3 - 4 ngày chỉ đọc một câu chuyện,... Cuối cùng tôi đã thử một cách khác, dạy cô bé cách ươm và trồng hạt đậu đen.
Các bạn có đoán được không, chỉ sau 1 tuần, thay vì ưỡn ẹo mỗi buổi sáng khi mẹ gọi dậy đi học, cô bé của tôi đón ngày mới bằng ánh mắt sảng khoái háo hức, chạy đến cửa sổ ban công hỏi thăm bạn cây và đến trường một cách vô cùng tỉnh táo.
Dưới đây là nhật ký trồng đậu đen của con gái tôi, các mẹ cùng tham khảo và thử thực hiện xem sao, chắc hẳn sẽ các mẹ sẽ có thêm nhiều trải nghiệm với con hơn đấy.
Ngày đầu tiên: Ươm mầm
Ươm mầm đậu đen rất dễ dàng, giống như cách các mẹ vẫn hay mách nhau cách làm giá đỗ. Chỉ cần ra chợ mua một ít hạt đậu đen, ngâm trong nước pha với tỉ lệ 2 sôi 3 lạnh khoảng 5-7 tiếng, sau đó đặt các hạt đậu vào miếng bông ẩm, để 2-3 ngày là hạt đậu đã nảy mầm rồi.
Hai mẹ con chỉ có khoảng 2 tiếng đồng hồ vào buổi tối để làm việc ươm mầm đậu đen vì đây là hoạt động ngẫu hứng vào ngày trong tuần, do đó khoảng thời gian hai mẹ con ươm mầm đậu đen chỉ gói gọn trong khoảng 2 đến 3 tiếng. “Mẹ không chắc là ngày mai hạt đậu này sẽ lên mầm được đâu”, tôi đã nói trước với cô bé như vậy, nhưng cô bé vẫn rất hào hứng khi được mẹ hướng dẫn cách xếp hạt đậu và dùng khăn đậy khu vườn tí hon của mình lại.
Ngày thứ 2: Chăm sóc mầm cây
Thật vui là dù không có nhiều thời gian để ngâm nhưng ngay ngày hôm sau những hạt đậu đen đã bắt đầu nứt và một số hạt đã chính thức nảy mầm. Ngày hôm nay sẽ nhàn hơn ngày hôm qua, hai mẹ con chỉ cần tưới nước trước khi ra khỏi nhà vào buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ, như vậy là đảm bảo cho mầm đậu có đủ nước để tiếp tục đâm chồi.
Ngày thứ 3: Cùng nhau làm những chậu cây tái chế
Vậy là hạt mầm đã được ươm 2 ngày, cao lên đáng kể và sắp chuyển ra môi trường đất được rồi. Ngày thứ ba, vẫn là thời gian chờ cho những mầm cây trở nên cứng cáp hơn, tôi đã cùng cô bé thu lại những đồ nhựa có thể tái chế dùng làm chậu trồng cây. Nghe thì phức tạp, nhưng vì mầm đậu đen rất bé, nên chúng ta đều có thể sử dụng bất cứ chai, lọ nhựa nào sẵn có trong nhà để làm chậu cây, ví dụ như vỏ hộp sữa chua, chai nước suối cắt bớt một nửa, lọ đựng thuốc viên nén bằng nhựa,...
Về cô bé 4 tuổi rưỡi của tôi, sau vài ngày bắt đầu việc trồng cây, cô bé đã vô cùng yêu thích công việc này, đến mức mỗi ngày mẹ đi làm về cô bé đều rủ mẹ: “Mẹ ơi, tí nữa hai mẹ con trồng bạn Đậu nhé!”. Vậy là “bạn Đậu” đã chính thức trở thành một người bạn của cô bé rồi.
Ngày thứ 4: Chuyển nhà cho cây mầm
Sau khi đã có những chậu cây tái chế rất xinh xẻo, ngày thứ 4, hai mẹ con mình bắt đầu “chuyển nhà” cho các bạn đậu đen. Công đoạn chuyển hạt mầm từ những miếng bông sang chậu cây có đất khiến cô bé rất vui. Hai mẹ con cứ ríu rít hết cả buổi tối, nào là chia nhau ai nhận chậu nào cây nào, nào là mang chậu ra ban công đặt ở đâu,...
Cùng con chăm sóc cây, tôi cảm thấy một nguồn năng lượng thật sự tích cực từ cô bé. Có lẽ trẻ con đều như vậy, chúng luôn tràn đầy năng lượng khi làm bất cứ việc gì, kể cả khi bạn không cho chúng thứ chúng muốn thì cũng rất nhanh thôi, chúng vẫn sẽ lấy lại được sự vui vẻ của mình.
Những ngày tiếp theo: Chăm sóc và tưới cây mỗi ngày
Công việc của những ngày tiếp theo nhẹ nhàng hơn rất nhiều nhưng cũng không làm giảm tinh thần của con gái tôi. Chúng tôi chỉ cần tưới nước cho bạn đậu vào buổi tối trước khi đi ngủ, và mong chờ bạn đậu lớn lên từng ngày.
Năng lượng của cô bé với việc trồng cây khiến tôi rất ngạc nhiên, thay vì buổi sáng phải mở những bài hát thiếu nhi vui nhộn vang cả nhà hay phải nô đùa cật lực để cô bé tỉnh dậy đi học, thì tôi chỉ cần bảo với cô bé: “Tũn ơi, dậy xem bạn đậu của con lớn thế nào rồi này!” là ngay lập tức cô bé tỉnh táo đi thăm bạn đậu và hào hứng chuẩn bị để đi học.
Tạm kết
Gần một tuần cùng con trồng cây, bản thân tôi cũng học được rất nhiều điều ngoài việc dạy bảo con cách chăm sóc cho hạt mầm hay một cái cây bé xíu. Hoá ra cô bé có thể cùng mẹ làm được nhiều việc và rất chăm chỉ quan sát. Cô bé có thể lựa chọn những hạt lép khi ngâm nước để giữ lại các hạt chắc khoẻ khi ươm mầm, có thể giúp mẹ tưới cây hàng ngày. Không chỉ vậy, cô bé còn coi cây như một người bạn và đặt tên cho chúng. Sau lần thử nghiệm thành công với hoạt động mới - ươm mầm và trồng hạt đậu đen, sau này thi thoảng tôi hay mua một vài cây nhỏ để cô bé có thể chăm sóc trong nhà và như thường lệ sẽ luôn đặt tên cho các bạn cây như “bạn hổ” (cây lưỡi hổ), “bạn trâm” (cây cau tiểu trâm),...
Các bạn ạ, việc trồng cây nghe có vẻ to tát và sáo rỗng, nhưng thật ra mang lại rất nhiều ý nghĩa về tinh thần cũng như tốt cho cuộc sống của chúng ta. Từ một bà mẹ lười đồng hành cùng con, đến giờ mỗi ngày cô bé của tôi lại nhắc tôi cùng chăm cây, cùng trồng những chậu cây mới, điều đó tạo nên một thói quen tích cực cho tôi và cô bé, lại có thêm nhiều thời gian cho nhau hơn. Nuôi cây cũng giống như việc chăm con, hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, ngắm những mầm cây lớn lên từng ngày cũng giống như bạn quan sát từng cử chỉ đáng yêu của con để cùng con lớn khôn mỗi ngày.
Nhận thấy những sân chơi xanh đang dần mất đi, những lấm bẩn vô tư của gia đình thiếu đi hứng khởi vì ô nhiễm không khí và nắng nóng ngột ngạt, OMO Matic đã quyết định thực hiện chiến dịch trồng cây mang trải nghiệm trở lại. OMO Matic đồng hành với các đối tác như Hội đồng Đội Trung Ương và tổ chức phi chính phủ Xanh Hà Nội mang đến chương trình Phủ Xanh Việt Nam trồng mới 30,000 cây xanh và trao tặng 10 sân chơi cho 10 tỉnh thành Việt Nam và trái tim xanh ngay tại trung tâm thành phố Hà Nội.