Sinh con giữa tình hình dịch bệnh Covid-19 luôn là nỗi lo lắng lớn của các bà bầu trong hoàn cảnh hiện nay. Nhất là khi sinh sống trong các khu vực bị giãn cách xã hội thì càng cận kề ngày sinh nở, các mẹ bầu càng thấp thỏm hơn bao giờ hết.

Cũng là một bà mẹ từng đi sinh giữa mùa dịch, chị Rachel Trần (sinh năm 1994, hiện đang sinh sống tại tại McKinney, Texas, Mỹ) rất hiểu tâm trạng của các bà bầu nên đã chia sẻ lại kinh nghiệm sinh nở giữa thời điểm dịch bệnh của mình để các mẹ tham khảo.

Chị Rachel Trần vừa đón bé gái chào đời vào tháng 12 vừa qua, giữa thời điểm tình hình dịch bệnh ở Mỹ vẫn đang diễn biến phức tạp. Đây là lần thứ 2 chị sinh con ở Mỹ và may mắn là dù vượt cản trong hoàn cảnh khác biệt rất nhiều so với lần đầu nhưng mẹ Việt này vẫn cảm thấy cuộc sinh nở diễn ra hết sức nhẹ nhàng nhờ đội ngũ y tác, bác sĩ vô cùng tận tâm, chu đáo.

10 lần lấy ven không thành, có lúc thót tim vì bác sĩ biểu lộ vẻ mặt nghiêm trọng khi nhìn xuống phía dưới

Nhật ký đi sinh giữa mùa dịch của mẹ Việt ở Mỹ - Ảnh 1.

Chị Rachel Trần trước khi sinh bé.

Khi mang bầu 37 tuần 5 ngày, cả ngày bà mẹ trẻ cứ thấy bụng nặng hơn bình thường, cảm giác như là mỗi bước chân đi là em bé có thể lọt ra luôn, nhưng chị Rachel không nghĩ là sắp sinh cho nên buổi sáng chị vẫn đưa đón Bơ (con trai lớn) đi học, lái xe như mỗi ngày...

Khoảng 7 giờ tối thì chị thấy bụng bắt đầu đau lâm râm, ban đầu đau nhẹ còn trong mức độ chịu được nên chị nghĩ chỉ là cơn gò giả, không nghĩ tới việc đến bệnh viện và chị còn ung dung nấu nồi cà ri để ăn tối nữa.

30 phút sau thì cơn đau dữ dội hơn, và mỗi cơn cách nhau khoảng 5 phút, lúc ấy chị Rachel Trần mới bắt đầu nghĩ đây mới chính là cơn đau đẻ rồi.

"Mình gọi cho ông xã và anh nói là hãy vào bệnh viện sớm nhất có thể. 2 vợ chồng lật đật xếp đồ vào vali và sắp thêm giỏ đồ của Bơ để đem đi gửi, sau đó cả nhà lên đường vào bệnh viện!".

Nhật ký đi sanh mùa Covid của mẹ Việt ở Mỹ

Khi đến bệnh viện, vì đang đau nên chị Rachel Trần được đưa thẳng vào phòng sinh luôn, y tá khám cho biết lúc này chị đã mở được 7 phân.

"4 y tá thay phiên nhau lấy ven cho mình nhưng đều không thành công, họ cố gắng thử tầm 10 lần khiến 2 tay mình bầm tím luôn... Y tá nói là mình có dấu hiệu bị mất nước, làm cho ven teo nhỏ rất khó lấy nên kinh nghiệm cho các mẹ là hãy chăm uống nước vào những ngày sắp sinh nhé!

Lúc này mình đang rất đau nên chỉ mong được tiêm giảm đau luôn nhưng không được. Sau 10 lần lấy ven không thành công thì y tá gọi cho bác sĩ gây tê tới để tìm ven và rất may là bác sĩ đã thành công trong lần đầu tiên".

Nhật ký đi sinh giữa mùa dịch của mẹ Việt ở Mỹ - Ảnh 3.

Sinh thường nên ngay sau sinh, chị Rachel Trần thấy rất nhẹ nhàng.

Vì đi sinh trong điều kiện dịch bệnh nên lần này, chị Rachel Trần còn phải lấy mẫu xét nghiệm Covid trước khi sinh: "Trong lúc chờ bác sĩ gây tê thì y tá đã test Covid cho mình, lấy cây bông gòn dài chọt sâu vào mũi, không hề đau nên các mẹ đừng lo nhé!".

Sau khi được chích thuốc gây tê ngoài màng cứng, bà mẹ trẻ không còn cảm thấy đau nữa nhưng vẫn cảm nhận được mỗi cơn gò... Tới khoảng 8 giờ tối, bác sĩ tới khám thì chị chỉ mở được thêm 1cm thôi nên bác sĩ bắt đầu chọc bể túi ối.

Tới 11 giờ đêm, y tá kiểm tra chị đã mở được 10cm, mở đầy đủ hoàn toàn nên bắt đầu hướng dẫn chị tập rặn. Rặn được 3 lần thì y tá kêu ngưng vì em bé đang tự chui ra trong khi bác sĩ đỡ sinh chưa kịp tới. Quá trình rặn, có lúc bà mẹ trẻ đã thót tim khi bác sĩ bước vào phòng, nhìn vào bên dưới và biểu lộ vẻ mặt rất nghiêm trọng. Nằm trên bàn sinh, chị Rachel Trần thực sự lo lắng không biết con mình có bị sao không. Nguyên nhân là do nhịp tim của em bé đang tụt thấp tới 2 lần. Sau đó ít phút thì mẹ Việt xinh đẹp đã được nghe tiếng con khóc "Trộm vía đẻ cực nhanh luôn! Đi lên bệnh viện có 5 tiếng là có em bé bế bồng trên tay rồi".

Nhật ký đi sinh khó quên giữa mùa dịch của mẹ Việt ở Mỹ, có rất nhiều kinh nghiệm vượt cạn đáng để các mẹ bầu "bỏ túi" - Ảnh 4.

Dù khá lo lắng vì sinh bé Dâu giữa mùa dịch nhưng may mắn quá trình đau đẻ của chị Rachel diễn ra khá nhanh và nhẹ nhàng.

Đi sinh như đi nghỉ dưỡng, 3 ngày sau sinh tự lái xe đưa con đi khám tổng quát

Nằm trong phòng sinh được 7 tiếng thì chị được chuyển sang phòng hồi sức sau sinh bằng xe lăn. Quá trình di chuyển này dù trong điều kiện dịch bệnh nhưng chị có đeo khẩu trang khi đi qua hành lang, còn khi vào trong phòng chỉ có một mình thì y tá nói không cần đeo nữa.

Dù lần sinh thứ 2 diễn ra khá nhanh chóng và thuận lợi nhưng mẹ Việt ở Mỹ lại khá ám ảnh bởi hiện tượng đau dạ con sau sinh: "Mình không đau vết khâu tầng sinh môn mà lại rất đau bụng sau sinh. Thấy vậy, y tá có đưa cho mình một túi chườm ấm và nhờ nó, mình đỡ đau hơn nhiều. Các mẹ đi sinh mà có đau do co dạ con hãy chú ý chườm ấm để giảm bớt cơn đau nhé".

Nhật ký đi sinh khó quên giữa mùa dịch của mẹ Việt ở Mỹ, có rất nhiều kinh nghiệm vượt cạn đáng để các mẹ bầu "bỏ túi" - Ảnh 6.

Một trong những bữa cơm sau sinh tại bệnh viện.

Nhật ký đi sinh khó quên giữa mùa dịch của mẹ Việt ở Mỹ, có rất nhiều kinh nghiệm vượt cạn đáng để các mẹ bầu "bỏ túi" - Ảnh 7.

Bé Dâu lúc đầy tháng.

Cả hai lần sinh con ở Mỹ, chị Rachel Trần đều cảm nhận y tá và bác sĩ ở đây rất chu đáo, tận tâm, chỉ có điều lần đi sinh trong hoàn cảnh dịch bệnh này, cả ê kíp đều phải làm việc với đồ bảo hộ và đeo mặt nạ kín mít. Nhìn chung, trong kí ức của mẹ Việt này, quá trình vượt cạn vừa trải qua giống như "đi nghỉ dưỡng, chỉ có ăn và ngủ".

Vì sinh thường và cơ thể nhanh hồi phục sức khỏe nên sau khi sinh 2 ngày, bà mẹ này đã được xuất viện về nhà. Đến ngày hôm sau, chị phải tự một mình đưa bé đi khám tổng quát còn 6 tuần sau thì chị cũng tự đi tái khái sau sinh. Những ngày sau sinh, vì ông xã vẫn bận đi làm nên bà mẹ trẻ một tay "cân" cả hai bé luôn.

Hai lần sinh nở đều nhanh và rất nhẹ nhàng, mẹ Việt ở Mỹ muốn gửi gắm lại chút ít kinh nghiệm cho các mẹ sắp sinh đó là: "Nên giữ tâm lý bình tĩnh, tập trung tinh thần và sức lực để chống đỡ cơn đau chuyển dạ bởi lúc đó, không ai có thể giúp được chính mình. Đặc biệt, các mẹ cố gắng đừng rên rỉ hay la hét. Điều đó chỉ làm mẹ thêm mất sức và không mạnh mẽ để vượt qua cơn đau được".