Sau khi đọc câu chuyện đi đẻ của mẹ 9x với "váy dính đầy máu, người nằm tơ hơ trong phòng đẻ", chị Lê Hằng, sống tại Long Biên, Hà Nội cũng bồi hồi nhớ lại ngày vào viện sinh con của mình. 

Chị Hằng vốn là một bà mẹ hiếm muộn đường con cái, 3 lần sảy thai, hơn 3 năm chạy chữa vất vả tứ phương, cuối cùng mới mang bầu con gái đầu lòng. Vậy nên mọi dấu hiệu dù là nhỏ nhất với em bé trong bụng, chị và gia đình đều hết sức cẩn trọng. 

Chị phát hiện mình bị vỡ ối trong một đêm mưa tầm tã, hốt hoảng gọi người thân dậy rồi tất bật bắt taxi chạy đến viện. Sau đấy là một khoảng thời gian nằm dài đợi bác sỹ, tuyệt vọng với những suy nghĩ tiêu cực, những nỗi sợ hãi mơ hồ, những cơn đau dồn dập, quặn bụng một mình, hoang mang vô cùng… 

1
Con gái chị Hằng khi vừa chào đời ở bệnh viện.

Xin được trích đăng lại nhật ký đi sinh đầy tràn cảm xúc của chị Lê Hằng, giúp các mẹ có cái nhìn chân thật hơn về giây phút vượt cạn:

“Sau 3 lần sơ sảy với bao nhiêu nước mắt và tiền bạc, 3 năm dài đằng đẵng chạy chữa từ các bệnh viện, bác sỹ khác nhau và 9 tháng trời mang bầu dài tựa thế kỷ, thì ngày đó cũng đến. 

Thời tiết Hà Nội vào Thu nhưng nhiệt độ chẳng hề có chút thuyên giảm, cứ ngày 39 độ, đêm 36 độ, nóng không chịu nổi. Bỗng nhiên, tối đó trời mưa rất to, không khí mát mẻ dễ chịu. 

Mình bị viêm âm đạo, vừa đặt thuốc và thiu thiu ngủ được khoảng 1 tiếng, thì bỗng nghe tiếng "Bụp!", bụng đau nhói rồi nước cứ thế xối xả tuôn ra. Mình chạy ngay ra nhà vệ sinh vì nghĩ chắc do viên thuốc vỡ nên dậy để thay quần. Nhưng khi ngồi vào bồn cầu thấy nước vẫn cứ chảy ồ ạt, đợi một xíu nữa thì mình lại vào giường nằm tiếp, định bụng bao giờ nước chảy hết thì ra thay quần cũng được. 

Nhưng mình cứ băn khoăn, nghĩ không biết có phải sắp sinh hay không, liền đem giấy quỳ ra thử (mình có đọc trên mạng kinh nghiệm của các mẹ, mua giấy quỳ về để xét nghiệm rỉ ối, màu vàng là bình thường, màu xanh là nước ối). Tay run run, mình làm rơi cả tập giấy quỳ xuống sàn và ngay lập tức nó chuyển màu xanh hết. 

Mặt tái mét, mình lấy điện thoại gọi cho bác sỹ quen. Lúc ấy là 1h sáng nhưng may sao bác sỹ nghe máy ngay. Vừa nghe mình bảo nước ối chảy ồ ạt, bác sỹ liền bảo: “Vào viện đẻ đi!”. Mình hơi bất ngờ, vì lúc đó thai mới được 37 tuần 3 ngày. 

Mình gọi ngay chồng và em gái dậy, kêu đi viện. Chồng đang ngủ, nghe thấy hai từ đi viện là bật dậy như lò xo, em gái thì cứ nghĩ vào viện khám rồi về nên còn thong thả thay đồ. Vì 2 đợt trước 29 tuần và 32 tuần đã có cơn gò phải vào viện giữa đêm để khám nên chuyện đi viện nửa đêm là quá bình thường ở nhà mình. Lúc kêu cầm giỏ đồ đi thì mọi người mới ồ á, đi đẻ à. Thấy mình bảo cơn đau bắt đầu kéo đến rồi, mọi người mới vội vàng sấp ngửa chạy đi. 

Đêm mưa tầm tã. Mặc dù đang phải chịu những cơn đau dồn dập, nhưng mình vẫn phải thầm cảm ơn bề trên vì đã nghe thấu lời cầu xin được đi đẻ vào ban đêm, trời mưa cho mát từ trước của mình.

Gần 30 phút mới đến viện. Mình vốn đã quá quen với cái bệnh viện này rồi nên nhanh chóng thay bộ đồ trắng “trứ danh”, leo lên bàn cho mấy y tá thực tập thực hành thăm khám, kiểm tra. Lúc đấy, cổ tử cung đã mở 4 phân và cơn đau ngày càng dồn dập đến mức mình không thể tự ngồi dậy được nữa. 

Y tá đỡ mình lên xe lăn, đẩy ra bên ngoài ngồi chờ thang máy để lên tầng 4. Quãng đường đi ra thang máy có mấy chỗ gồ ghề mà mình cảm giác như đang ngồi lên đinh, đau không thở nổi, hai tay bấm chặt lấy xe, người gồng lên mỗi khi cơn co đến. May sao đang là giữa đêm nên thang đến nhanh hơn một chút.

Đến nơi, y tá đẩy mình ngay lên bàn đẻ, kêu là đau nhanh lắm rồi. Đúng lúc y tá phòng sinh đang chuẩn bị đồ để đỡ đẻ, thì bác sỹ gọi cho mình hỏi: “Ở đâu rồi? Mở mấy phân?”. Y tá đứng bên nghe thế liền trả lời: “8 phân rồi! Anh đến nhanh đi!”. Và họ bỏ đi, mặc mình nằm đấy với cơn đau dồn dập. Bác sỹ bảo: “Chờ tí, anh đang đến!”, còn y tá ngồi ngoài kháo nhau: “Không biết anh Hùng có quay lại không. Vì anh ấy vừa mới về”.

Nghe thế, mình hoang mang, lo lắng vô cùng. Lẽ ra cứ im lặng để cho các y tá đỡ đẻ luôn đi, lại còn nhờ bác sỹ làm gì, để bây giờ nằm tơ hơ ở trong phòng đẻ một mình, các y tá thì cứ khăng khăng chờ bác sỹ cho bằng được. Lúc ấy, mình nhớ đến những bài báo đã đọc về việc bác sỹ trực mặc cho sản phụ đau đẻ rồi trẻ ngạt ối với tim ngừng đập mà hoảng hốt muốn xỉu.

Mình sợ quá, cứ vừa khóc vừa lảm nhảm: “Anh Hùng ơi, anh Hùng ơi...”. Mỗi cơn đau đến là người xoắn lại, sợ đẻ rơi, sợ con chui ra mà không biết hay không ai đỡ nó rơi xuống sàn... Mình sợ nhiều lắm đến mức gào lên: "Bác sỹ ơi em đau quá, đau quá!”. Mình cứ đau, cứ gào như vậy một lúc rất lâu, thì bác sỹ mới đến…

Mình nhìn thấy bác sĩ mà cứ như bắt được vàng, mừng mừng tủi tủi, vừa khóc vừa nói: “Ơn giời, anh đây rồi! Y tá còn bảo có khi anh không đến kịp”. Bác sĩ an ủi: “Thôi đừng kêu nữa không lại mất sức, không đẻ được. Con mà không ra được là nhiều chuyện lắm!”. Thế là mình im lặng.

Các dụng cụ được chuẩn bị với tốc độ thần tốc. Bác sỹ Hùng tiêm cho một mũi, hình như là thuốc tê rồi rạch một phát, giục mình: “Rặn đi!”. Nhưng lúc đấy lại chẳng có cơn gò gì nữa. Bác sỹ và y tá nói chuyện gì đó với nhau, mình thì phải nằm chờ, vỗ bụng bảo em bé: “Nãy giờ đạp phá đòi ra ghê lắm cơ mà? Sao giờ im thế con?”. Mãi vẫn không thấy gì, y tá chạy lại vê đầu ti cho có cơn co.

Rồi cơn co đến thật, mình nghe đúng hiệu lệnh, rặn là rặn, ngừng là ngừng. Đang rặn đến lần thứ 2 thì bác sỹ bảo dừng, vài giây sau thì con ra. 

Cái cảm giác lúc bé con chui ra khỏi người thật sự là sung sướng, nhẹ nhàng vô cùng, như thể trút được hàng tấn gánh nặng, xả ra được hết tất cả nỗi niềm… Và điều duy nhất mình nghĩ được lúc đó là: “Phù, cuối cùng cũng xong rồi!”. Con khóc oe oe vài tiếng, rồi được các y tá đặt nằm lên ngực mình, để da tiếp da với mẹ. 

Nghe hơi thở con đều đều trên ngực mà mình thực sự không biết nói gì, chỉ biết vỗ vỗ người con rồi thì thầm: “Con gái mẹ. Con gái mẹ ơi!”.”

2
Em bé đã được hơn 14 tháng tuổi, nhưng những cảm xúc ngày đi sinh con vẫn vẹn nguyên trong chị Hằng.

Chị Lê Hằng cũng tâm sự thêm, đến nay em bé đã được hơn 14 tháng tuổi, nhưng mỗi khi nhớ về ngày hôm ấy, chị vẫn rất bâng khuâng. Cái cảm giác an tâm khi con nằm trên bụng mẹ, sự lóng ngóng mỗi khi bế con, cho con ti... như mới chỉ ngày hôm qua thôi. 

Hạnh phúc nhỏ nhoi được ôm con vào lòng, với nhiều người thì rất dễ dàng, nhưng với vợ chồng chị là cả một quá trình nỗ lực và cố gắng rất dài. Cuộc sống đã thay đổi nhiều từ khi sinh con và con gái chính là điều tuyệt vời nhất mà chị có được cho đến giờ phút này.