3h sáng (tháng 1/2020), Vũ Hán đang chìm trong màn đêm yên ắng. Bầu không khí ảm đạm bao trùm khắp thành phố không chỉ bởi vì mặt trời chưa ló dạng mà còn vì con virus corona đang xâm chiếm thành phố, cướp đi sinh mạng của rất nhiều người. Đó cũng là lúc Alex Zhang (26 tuổi) bắt đầu hành trình đạp xe dài 1 tiếng đồng hồ để đến bệnh viện Vũ Hán lấy thuốc điều trị căn bệnh nhiễm HIV, có khả năng đe dọa đến tính mạng của anh bất kỳ lúc nào.
Thành phố Vũ Hán khi ấy đang ở giai đoạn đầu của cuộc chiến chống "giặc" Covid-19. Thông thường, Zhang sẽ đi tàu hoặc taxi nhưng vào thời điểm đó xe đạp là lựa chọn duy nhất của anh. Zhang cũng không dám đi qua các tuyến đường lớn mà phải lựa chọn những con đường tắt vắng người để tránh các trạm kiểm soát của cảnh sát. Zhang chỉ có ít thời gian trước khi lệnh phong tỏa có hiệu lực.
Hàng ngàn người như Zhang, những người sống chung với HIV ở Vũ Hán nói riêng và cả tỉnh Hồ Bắc nói chung, đã phải vật lộn để có được loại thuốc họ cần, vì lệnh phong tỏa khiến họ không thể rời khỏi nhà và đến bệnh viện.
Nhiều người không muốn liên lạc với các nhà chức trách địa phương để nhận thuốc vì lo sợ mọi người biết mình nhiễm HIV.
"Đối với một số người nhiễm HIV, họ thà ngừng dùng thuốc còn hơn là phơi bày danh tính và tiết lộ quyền riêng tư của họ", Huang Haojie, giám đốc tại Trung tâm LGBT Vũ Hán cho biết.
Việc dùng thiếu liều lượng thuốc có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài đối với một số bệnh nhân nhiễm HIV. Vì nếu không điều trị liên tục, virus có thể biến đổi, đồng nghĩa với việc thuốc gốc không còn hiệu quả, và virus sẽ tiếp tục phát triển phá hủy cơ thể người bệnh.
Ý thức điều đó, anh Huang và nhóm bạn của anh đã mạo hiểm tính mạng, sức khỏe của chính mình để lấy thuốc điều trị HIV từ Bệnh viện Jinyintan trao đến tận tay bệnh nhân ở khắp thành phố.
Sống trong sợ hãi
Theo ước tính của các chuyên gia địa phương, có khoảng 1,25 triệu người sống chung với HIV ở Trung Quốc và 20.000 người nhiễm HIV hoặc AIDS ở riêng tỉnh Hồ Bắc.
Lin Feng, 69 tuổi, đã sống chung với HIV trong 5 năm. Ông Lin từng làm công nhân xây dựng và hiện đang sống một mình. Ông sống dựa vào một khoản trợ cấp nhỏ của chính phủ cho những người cao tuổi mắc bệnh.
Lin kể rằng, ban đầu, khi biết tin mình mắc căn bệnh thế kỷ, ông đã vô cùng suy sụp và còn nghĩ đến việc tự sát. Nhưng dần dần, ông đã tự vực dậy bản thân phải sống tiếp và sống sao cho thật ý nghĩa. Ông gây dựng và phát triển một mạng lưới hỗ trợ những người có hoàn cảnh tương tự. May mắn là những đứa con của ông cuối cùng đã chấp nhận sự thật về bố của mình. Tuy nhiên, hầu hết mọi người xung quanh ông Lin đều không biết ông nhiễm HIV.
Những người nhiễm HIV ở Trung Quốc thường phải đối mặt với sự kỳ thị và cô lập xã hội. Một số người đã mất việc hoặc trở nên xa cách với gia đình sau khi tiết lộ căn bệnh.
Những bệnh nhân nhiễm HIV mà không mắc bệnh thứ phát hoặc nhiễm HIV chưa tiến triển sang AIDS đều được chính phủ cấp thuốc miễn phí. Mỗi người nhiễm HIV cần uống 1 - 2 liều mỗi ngày.
Một số người nhiễm HIV ở Hồ Bắc và tỉnh Hà Nam lân cận nói với phóng viên CNN rằng các bệnh viện thường cung cấp lượng thuốc đủ dùng trong 3 tháng sau mỗi lần đi khám.
Khi dịch Covid-19 lan rộng ở Vũ Hán, Lin bắt đầu hết thuốc. Ông không thể rời khỏi căn hộ của mình và phải miễn cưỡng nhờ đến sự giúp đỡ của các nhà chức trách địa phương, nhưng ông sợ rằng họ sẽ phát hiện ra tình trạng của mình.
"Tôi không đủ bản lĩnh để cho họ biết bí mật của mình, nếu họ truyền tai cho tất cả mọi người biết thì sao? Tôi sẽ không còn mặt mũi nào bước ra khỏi cửa nữa", ông nói.
Cuối cùng, ông Lin được một số tình nguyện viên từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh ở Vũ Hán, giúp đỡ. Họ đã kín đáo mang đến những loại thuốc mà ông cần. "Giây phút ấy tôi đã rất phấn khích. Tôi gần như đã khóc", ông kể.
Lin tự thấy mình may mắn bởi ông biết nhiều người khác đã bắt đầu bỏ lỡ liều điều trị vì họ không biết đến dịch vụ giao hàng tình nguyện hoặc bị cô lập về mặt xã hội.
Làm việc không biết mệt mỏi suốt ngày đêm vì sự sống còn của những bệnh nhân HIV
Trong những ngày đầu của thành phố bị phong tỏa, Giám đốc Trung tâm LGBT Vũ Hán cho biết ông nhận được tin nhắn cầu cứu sự giúp đỡ từ những bệnh nhân nhiễm HIV sống trong thành phố. Họ cho biết thuốc điều trị đã hết mà họ lại bị mắc kẹt tại nhà hoặc bị mắc kẹt ở những khu vực cách xa bệnh viện đã đăng ký.
Ban đầu, mọi người phải lấy thuốc từ bệnh viện mà họ đã đăng ký. Nhưng vào ngày 26 tháng 1, 3 ngày sau khi lệnh phong tỏa thành phố có hiệu lực, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của Trung Quốc đã đưa ra thông báo rằng những người nhiễm HIV và AIDS được phép lấy thuốc tại bất kỳ bệnh viện nào.
Kể từ đó, Huang cho biết anh và nhóm 22 tình nguyện viên của mình đã làm việc theo ca dài để nhận và mang thuốc đến cho những người cần.
"Số lượng yêu cầu chúng tôi nhận được mỗi ngày là gần 200 người", ông nói. "Chúng tôi thay phiên nhau nghỉ ngơi và làm việc, tính ra mọi người phải làm việc gần 12 tiếng. Khoảng 10 nhân viên chịu trách nhiệm nhận các yêu cầu và cuộc gọi. Điện thoại liên tục đổ chuông từ 9 giờ sáng đến 11 giờ tối mỗi ngày".
Bệnh viện Jinyintan ở Vũ Hán là lựa chọn gần nhất cho các tình nguyện viên, nhưng đây cũng là một trong những bệnh viện nổi tiếng nhất của Vũ Hán về các bệnh truyền nhiễm và được chỉ định làm trung tâm điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2.
Trái tim kết nối với trái tim, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh
Andy Li, 30 tuổi, đã sống chung với HIV trong 8 năm. Không giống như ông Lin và anh Zhang, Li sống ở tỉnh Hà Nam lân cận, nơi ghi nhận ít ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 hơn ở Hồ Bắc.
Li không gặp rắc rối với việc dùng thuốc điều trị HIV. Nhưng thay vào đó, anh lại phải đối mặt với một vấn đề khác - anh cho thuốc đi không kịp. Tại sao lại thế?
Theo CNN, hiện tại, vẫn chưa có vắc xin hay thuốc điều trị nào để "trị" COVID-19 nhưng vào ngày 26 tháng 1, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã khuyến nghị sử dụng thuốc thường điều trị HIV và AIDS như một phương pháp điều trị hiệu quả để cứu chữa cho những bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền thông của Trung Quốc, China Daily, chuyên gia HIV người Mỹ David Ho nói rằng mặc dù HIV và virus SARS-CoV-2 rất khác nhau, nhưng cả hai lại virus này đều có chung một loại protein hoặc enzyme gọi là protease. "Chúng ta cần phải có thuốc nhắm vào protease của chúng", ông Ho nói.
Li đưa ra một thông điệp công khai trên tài khoản Weibo của mình rằng anh sẽ quyên góp thuốc của mình để giúp điều trị cho những người bị chẩn đoán nhiễm virus SARS-CoV-2.
"Đến 7 giờ tối ngày hôm đó, khoảng 8 người đã nhắn tin cho tôi. Sau đó, vào ngày thứ 2, có hơn 20 người ... Tôi đã gửi đi hơn 30 gói thuốc vào ngày thứ 2. Những người xin thuốc của tôi đều phải cung cấp bằng chứng rõ ràng về tình trạng của họ", Li cho biết.
Để giúp đỡ được nhiều người hơn, Li đã liên lạc với những người nhiễm HIV khác và nhiều người trong số họ, từ khắp Trung Quốc, đã đáp lại lời kêu gọi của anh bằng cách quyên góp thuốc của họ để giúp chống lại dịch bệnh.
Li cho biết nhóm của anh đã gửi thuốc cho 220 người, và tặng 90 liều còn lại cho các bệnh viện ở Vũ Hán. Li thậm chí không nghĩ về những rủi ro cho hết thuốc của mình đi. "Tôi chỉ đơn giản là muốn cứu người. Chúng tôi biết rằng có thể có rủi ro, nhưng nếu có vấn đề, chúng tôi sẽ tự giải quyết được", Li bộc bạch.
Những ngày gần đây, khi dịch bệnh dần bị đẩy lùi, cuộc sống của những người nhiễm HIV ở Vũ Hán cũng đã dần ổn định. Alex Zhang đã nhận được lời đề nghị giúp đỡ từ Trung tâm LGBT Vũ Hán để họ giao thuốc đến tận nhà, và bây giờ anh đã có loại thuốc mà anh cần. Thanh niên trẻ nói: "Họ đã cứu vớt cuộc đời tôi"...
*Vì quyền riêng tư, CNN đã thay đổi tên của của nhân vật và tất cả những người được phỏng vấn trong câu chuyện này*
Bài viết của tác giả Lily Lee và Ben Westcott, đăng trên kênh CNN ngày 14/3/2020.
(Nguồn: CNN)