Ở Bắc Kinh (Trung Quốc) những năm 1980 bùng nổ “cơn sốt đồ cổ”, ai cũng đua nhau lùng sục ở các phiên chợ đồ cổ để tìm về cho mình món đồ mang dấu ấn lịch sử và giá trị cao.
Cũng chính vào thời điểm đó, một ông lão ở Bắc Kinh tên là Trương Chí Dũng đã bất chấp sự phản đối của gia đình chỉ để nhặt về hai chiếc "ghế mục", không ngờ chúng lại là "ghế quan gỗ hoa lê vàng" từ thời nhà Minh. 29 năm sau, hai chiếc ghế này đã được bán đấu giá với số tiền ngất ngưởng 23 triệu NDT (hơn 75 tỷ đồng).
Sở thích nhặt phế liệu
Ông Trương Chí Dũng sống ở quận Triều Dương, Bắc Kinh (Trung Quốc), từng là công nhân làm trong nhà máy dệt. Thời bấy giờ, Bắc Kinh là nơi quy tụ của đồ cổ bậc nhất Trung Quốc. Từ đó, nhiều phiên chợ mọc lên để phục vụ "cơn sốt" này. Và chợ đồ cổ Phan Gia Viên là một trong số đó.
Trương Chí Dũng thường đến chợ đồ cổ khi rảnh rỗi, song yêu thích là thế, nhưng ông rất ít chi tiền mua. Một mặt, điều kiện kinh tế không cho phép, mặt khác, ông cảm thấy việc mua đồ cổ ở chợ quá mạo hiểm vì không rõ thật giả.
Ở chợ đồ cổ, có người “mua đồ lớn bằng đồ nhỏ” và “phát tài chỉ sau một đêm”, nhưng cũng có người chi khoản tiền lớn mà lại mang về thứ vô giá trị. Trương Chí Dũng không dám mạo hiểm vào trò cá cược này. Ông thường dạo chợ, cuối ngày lại nhặt phế liệu ở khu vực ngoài rìa, nơi các thương nhân thường vứt thùng giấy hoặc những món đồ không còn dùng tới.
Nhặt được hai chiếc "ghế mục"
Vào thời điểm đó, nhặt phế liệu là việc không ai muốn làm, thậm chí còn bị nhiều người chê cười, nhưng Trương Chí Dũng không quan tâm đến ánh mắt của những người xung quanh.
Một hôm của năm 1982, Trương Chí Dũng gom về rất nhiều báo cũ và thùng carton. Vừa mới gói lại chuẩn bị mang đến chỗ thu mua thì một tiểu thương gọi ông lại, trên tay cầm hai chiếc ghế mục: “Có lấy mấy cái ghế cũ này không?”.
Trương Chí Dũng nhìn chiếc xe ba bánh đang chất đầy phế liệu của mình, rồi lại nhìn hai chiếc ghế. Mặc dù phần ván ngồi đã thủng nhưng khung ghế vẫn còn chắc chắn, cầm lên cũng rất nặng tay, chứng tỏ là được đóng bằng gỗ thật. Thế là Trương Chí Dũng đã mang hai chiếc ghế về nhà, dự định sửa lại một chút để sử dụng tiếp.
Con cái không khỏi phàn nàn khi thấy cha nhặt đồ vứt đi của người khác. Nhưng ông Trương vẫn im lặng sửa lại hai chiếc ghế rồi đặt chúng vào một góc. Tuổi già không có việc gì làm, những lúc rảnh rỗi hoặc khi nhặt phế liệu về mỏi lưng, ông lại ngồi lên chiếc ghế này. Con cháu không thèm động tới, cho rằng chỉ là ghế cũ nát, thậm chí có lúc còn mang cất vào kho “cho khỏi vướng mắt”.
Chân tướng của hai chiếc ghế
Năm 2011, các cháu của Trương Chí Dũng đã trưởng thành, cháu trai háo hức mua nhà ở Bắc Kinh để cưới vợ. Tuy nhiên, giá bất động sản ở Bắc Kinh tăng chóng mặt, điều kiện kinh tế nhà họ Trương không thể chi trả nổi số tiền đó. Bản thân ông Trương Chí Dũng đã quá già, không thể hỗ trợ cháu.
Chỉ là một hôm khi đang trò chuyện với những người bạn già sống gần nhà, Trương Chí Dũng có nhắc đến hai chiếc ghế mục năm đó. Một người trong số họ cười nói: “Có thể là đồ cổ đấy, hay là chụp hình gửi chuyên gia xem thử?”.
Ông Trương nghe xong cũng có chút hứng thú, lập tức về nhà chụp ảnh chiếc ghế gửi đến Công ty đấu giá quốc tế Gia Đức Bắc Kinh. Cuối cùng, sau khi chuyên gia thẩm định, hai chiếc ghế hóa ra là "ghế quan gỗ hoa lê vàng 400 tuổi" từ thời nhà Minh, có thể là món đồ sử dụng trong cung hoặc ít nhất cũng thuộc về quý tộc nào đó.
Được biết, việc dùng gỗ hoa lê, hay còn gọi là Hoàng hoa lê và gỗ sưa, để làm đồ sử dụng trong nhà trở nên thịnh hành vào thời nhà Minh. Khi đó, loại gỗ này còn được coi như một thứ cống phẩm chuyên dùng để dâng lên triều đình.
Hơn nữa, cộng thêm việc ghế gỗ là món đồ được sử dụng trong cung từ triều Minh nên càng giúp nó có giá trị hơn.
Vào ngày 24/7/2011, hai chiếc "ghế mục" của Trương Chí Dũng xuất hiện trong phiên đấu giá, cú gõ búa cuối cùng đã “chốt giá” 23 triệu NDT (hơn 75 tỷ đồng). Trương Chí Dũng không ngờ đã nhờ thói quen nhặt phế liệu, đồ bỏ đi của mình mà khi ở tuổi gần đất xa trời cũng gom về tay số tiền lớn, giúp cháu mua nhà cưới vợ.
Nguồn: Sohu