Nhất quyết cho con học trường tư rồi "bất đắc dĩ" chuyển sang trường công, bà mẹ TP.HCM rút ra loạt kinh nghiệm hữu ích
Từ một người "cuồng trường tư", chị Uyên đã có cái nhìn khá công tâm hơn với trường công.
Muốn con tiếp xúc với tiếng Anh sớm và được nuôi dạy theo phương pháp giáo dục hiện đại, chị Uyên (TP.HCM) từng dành nhiều tháng trời "vật vã" tìm trường mầm non cho con. Tiêu chí của chị là trường tư, sĩ số ít, con được học chương trình song ngữ, được tự lập, ăn uống theo nhu cầu, cơ sở vật chất rộng thoáng, nhà vệ sinh sạch sẽ, không gian nhiều cây xanh... Tuy nhiên, vì kinh tế không quá dư dả, chi phí dành cho con được chị Uyên hạn chế ở mức dưới 6 triệu đồng.
"Ban đầu mình nghĩ với mức học phí đó vẫn có thể kiếm được cho con một trường tư tương đối, có thể đáp ứng những tiêu chí mà gia đình đặt ra. Tuy nhiên, sau vài tháng khảo sát trên dưới 10 trường, mình mới nhận ra con đường tìm trường cho con quả lắm nhiêu khê. Mình là một "tấm chiếu mới trải" nên cứ nghĩ mọi chuyện đơn giản lắm", chị Uyên nói.
Đau đầu vì nhất quyết tìm trường tư cho con
Thời gian đầu, vì quá yêu thích phương pháp Montessori, chị Uyên đã lên danh sách một số trường quanh khu vực có quảng cáo là áp dụng phương pháp này. Cuối cùng, chị chọn một trường có tên "nửa Tây nửa ta" gần nhà vì thấy giáo cụ mới. Trường có 2 tầng, tầng dưới có 1 phòng chứa các loại giáo cụ. Các cô cho biết, nếu chọn "lớp Montessori", đến giờ, con sẽ được thực hành với giáo cụ và có thời gian chơi ngoài trời theo lịch trình.
Tuy nhiên qua vài hôm học thử, chị Uyên thấy không ổn. Theo bà mẹ này, phương pháp Montessori chuẩn mực cần được áp dụng xuyên suốt trong quá trình học tập của trẻ chứ không chỉ dừng lại ở các tiết học đơn lẻ dù cho được trang bị với những nhóm giáo cụ đặc trưng.
Theo chị quan sát, con ăn uống ngủ nghỉ như một lớp học trường bình thường, chỉ có khoảng 30 phút được chơi tự do với giáo cụ. Đánh giá đây là kiểu "lập lờ" đưa Montessori vào để thu hút học sinh nên cuối cùng chị Uyên xin cho con nghỉ. Công cuộc tìm trường mới lại bắt đầu.
"Thời điểm đó, khu vực của mình có một trường mầm non công lập cũng hoạt động thử nghiệm một lớp học Montessori. Lớp mới, học cụ mới, giáo viên được giới thiệu đã tham gia khóa đào tạo lấy chứng chỉ. Các bé được cung cấp các bài học cá nhân, đồng thời khám phá lớp học và lặp lại công việc. Đến giờ ăn tự lấy đồ ăn.
Tuy nhiên, vì là 1 lớp riêng trong hệ thống rất nhiều lớp thường chung nên không gian thiếu yên tĩnh. Chương trình học theo đánh giá của mình vẫn kiểu "tích hợp" Montessori chứ không phải Montessori thuần túy. Vậy nên cuối cùng mình cũng rút lại đơn đăng ký", chị Uyên chia sẻ.
Sau đó, chị Uyên tiếp tục tham khảo nhiều trường tư thục xung quanh. Bà mẹ này cho biết, với mức học phí khá eo hẹp, các nơi chị ghé đến hầu như đều có không gian khá nhỏ, phòng học bé và không gian sân chơi rất ít, thiếu ánh sáng tự nhiên. Vài nơi ưng ý về cơ sở vật chất, chương trình học thì học phí cao hơn mức gia đình chị có thể chi trả hoặc quá xa không tiện để đưa đón. Thêm vào đó, chương trình song ngữ mà nhiều nơi quảng cáo chỉ là tuần 1, 2 giờ học tiếng Anh với người nước ngoài. Trong khi nhu cầu của chị Uyên là mong con được giao tiếp hàng ngày để hình thành phản xạ.
"Có lẽ do ngân sách gia đình mình hạn hẹp nên xem xét vài trường tư thục hay nhóm trẻ ở xung quanh mãi vẫn chưa chốt được nơi nào phù hợp. Mình nghĩ với cha mẹ đặt mục tiêu cho con học trường tư thì nên xác định "chịu chi" nhiều hơn. Sau một thời gian loanh quanh chưa tìm được trường, mình cảm thấy các tiêu chí đưa ra hơi cao so với mức phí chi trả. Vì thế, hai vợ chồng quyết định chuyển sang mục tiêu mới: Trường công lập", chị Uyên chia sẻ.
Lựa chọn "bất đắc dĩ" ai ngờ quá ưng ý
Sở dĩ chị Uyên quyết định chọn trường công là vì trong quá trình xem xét vài trường, chị thấy các nơi này có ưu điểm là không gian quá rộng rãi. Hầu hết đều có sân chơi ngoài trời lớn, phòng học diện tích rộng. Tất nhiên, nhược điểm là số lượng bé khá đông, nhưng với mức học phí bỏ ra, chị Uyên cho rằng mình không đòi hỏi hơn được.
Ngôi trường chị Uyên xin cho con học có thiết kế khá hiện đại và đặc biệt siêu thông thoáng. Trường được xây dựng như một chữ U, ở giữa trường là một "giếng trời" lấy ánh sáng cho đủ các phòng. Lợi thế nữa là xung quanh trường không bị chắn tầm nhìn bởi nhà cao tầng hay các công trình nên lớp học nào cũng lấy được ánh sáng tự nhiên và gió trời.
Nếu như bạn hay tưởng tượng lớp học mầm non ở trường công là bốn bức tường trổ 2 cái cửa thì ở đây, một lớp có đến 5 cửa lớn và 2, 3 cửa sổ nhỏ. Sát phòng học là một dãy hành lang tạo thêm không gian mở siêu thông thoáng.
Phòng lát sàn gỗ xịn sò. Mỗi lớp học đều có phòng vệ sinh nam nữ riêng. Không gian từ lớp học cho tới hành lang, cầu thang... đều sạch bong. Các phòng như thư viện, y tế, nghệ thuật... trang bị học cụ hiện đại.
Từ trước cổng đến một khu bên trái của trường, rồi khu vực vận động ngay giữa sân trường đều có sân chơi. Trường nằm ngay khu trung tâm nhưng đi vào con hẻm nhỏ tầm 15, 20m mới tới cổng nên khá yên tĩnh và cũng tránh được khói bụi.
Con chị Uyên ở nhà rất bám mẹ, trộm vía đi học chỉ buồn khóc 3 ngày đầu, sau đó hợp tác với hai cô rất tốt (lớp gần 30 bé, hai cô phụ trách). Mỗi sáng đi học, cuối mỗi ngày, cô đều trao đổi với phụ huynh về tình hình của con. Mỗi ngày con sẽ được ra sân vận động, được đến phòng thư viện và nhiều hoạt động hát, múa, đọc thơ truyện...
Ưu điểm to bự của trường công là học phí siêu rẻ. Con học thêm cả nhảy nhịp điệu, vẽ, tiếng Anh, sữa học đường nhưng học phí chưa tới 2 triệu đồng, đã bao gồm tiền ăn. Số tiền còn lại trong quỹ dự định cho con học trường tư, chị Uyên chi cho con học tiếng Anh ở trung tâm với người nước ngoài, học thêm piano, bóng rổ...
Như vậy chi phí không vượt quá mức dự trù mà con vẫn được học đủ thứ. Nhược điểm khi học trường công là thời gian đón con theo quy định, không giữ ngoài giờ nên có lẽ sẽ khó với một số phụ huynh muốn gửi con thêm lúc về muộn.
Từ một người "cuồng trường tư", chị Uyên đã có cái nhìn khá công tâm hơn với trường công. Mỗi một mô hình trường đều có những ưu điểm và hạn chế riêng, vì thế việc nên chọn trường mầm non công hay tư cho con vẫn luôn là một câu hỏi lớn của bố mẹ. Câu trả lời hợp lý nhất dành cho bạn chính là hãy tùy thuộc vào điều kiện của gia đình cũng như dựa vào tính cách của bé để lựa chọn.