Mang họa vì tin vào “phương thuốc thần kì”

Cháu Vũ Thành Long (ở Thanh Hóa) 22 tháng tuổi, điều trị tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai nhập viện hơn 1 tuần thấy có người lạ vào là quấy khóc. Bố cháu cho biết: “Thấy cháu ăn là chớ, nằm ngủ thì vật vã, hay giật mình và ra mồ hôi trộm. Bác sĩ kết luận cháu bị nhiễm chì”. Trước đó, bà ngoại và mẹ đã đưa cậu em ruột của Long mới 6 tháng tuổi vào  bệnh viện này điều trị do co giật, ốm đau liên tục. Bố cháu Long kể lại, Long bị tiêu chảy còn cậu em bị tưa lưỡi, bà nội và mẹ các cháu đi mua thuốc của thầy lang về bôi và cho hai anh em uống. Cậu em uống nhiều nên biểu hiện bệnh nặng hơn, hàm lượng chì trong máu cao gấp nhiều lần so với Long.

Cháu Vũ Thành Long 22 tháng tuổi bị nhiễm chì đang điều trị tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai.

Có những cháu bé mới chỉ 2 – 3 tháng tuổi cũng nhiễm chất độc này. Cháu Phương Anh ở huyện Hưng Hà, Thái Bình mới 2 tháng tuổi đã bị nhiễm chì nặng. Bố cháu kể lại, lúc hơn nửa tháng tuổi, lưỡi của cháu bị tưa, gia đình đi mua thuốc bột màu vàng về bôi, 3 ngày sau thì cháu khỏi. Sau đó, cháu bị co giật liên tục gia đình đưa cháu đi khám ở Bệnh viện Nhi trương ương chụp chiếu không tìm ra bệnh, khi xét nghiệm thì phát hiện cháy bị nhiễm chì và chuyển đến Trung tâm chống độc của bệnh viện Bạch Mai.

Lo lắng đưa con đi định lượng chì

Những ai nuôi con nhỏ thì chắc chắn đã nghe về thuốc cam, một loại thuốc dân gian được truyền tai nhau là “kì diệu”, có thể dùng để chữa rất nhiều bệnh tật cho trẻ nhỏ. Ngoài công dụng chữa tưa lưỡi, táo bón, nhiệt miệng, thuốc cam còn được cho rằng có thể kích thích ăn uống, trẻ uống thuốc cam sẽ tránh được các bệnh tật và hay ăn chóng lớn.

Thế nhưng, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, rất nhiều bậc phụ huynh đã phải đưa con đến Trung tâm chống độc của bệnh viện Bạch Mai để định lượng chì, mỗi ngày có tới 30-40 trường hợp.

Trẻ bị nhiễm chì nhập viện ngày càng đông.

Còn theo TS.Phạm Duệ - Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) thì đây là lần đầu tiên số ca bệnh nhi bị ngộ độc chì phải vào Trung tâm điều trị nhiều như vậy, trong đó có nhiều cháu bị nhiễm độc được đưa vào bệnh viên trong tình trạng bị hôn mê, liệt cơ, thiếu máu, co giật, liệt mắt, mất tiếng… và có một ca tử vong. Đáng nói là số bệnh nhân này rải rác ở diện rộng ở 15 tỉnh phía Bắc, nhưng nhiều nhất là ở Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Hà Nội...

Và theo thống kê của Vụ Y dược cổ truyền dựa trên báo cáo của các cơ sở điều trị cho thấy trẻ ngộ độc chì phải nhập viện đều liên quan đến sử dụng chế phẩm được gọi là “thuốc cam” - dạng bột, có màu cam hoặc nâu đỏ được bao gói bằng giấy hoặc túi nilông, không nhãn, không tên, dùng để bôi lên niêm mạc miệng hoặc uống chữa “tưa lưỡi”.

Nhiễm chì ảnh hưởng về lâu dài và điều trị mất nhiều thời gian

Về độc tính, các muối chì đều rất độc và độc tính của nó rất phức tạp. Khi vào cơ thể, chì tích lũy trong các mô nhiều mỡ như não, gan, hoặc mô nhiều sừng như da, lông, tóc, móng. Nếu chì hiện diện trong máu trên 0,3ppm sẽ ngăn cản quá trình oxy hóa glucose tạo ra năng lượng duy trì sự sống, nhưng nếu hàm lượng chì trong máu trên 0,8ppm sẽ gây thiếu máu do thiếu hụt hemoglobin (tức huyết sắc tố tạo màu đỏ hồng cầu có nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong hô hấp).

Dù bị nhiễm độc chì ở nồng độ thấp hay cao cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ nhỏ. Nhiễm trì nặng, không được thải độc kịp thời để lại di chứng nguy hại. Các cháu bị nhiễm chì sẽ bị suy giảm trí tuệ, lùn, khả năng học kém, rối loạn tư duy.

Đặc biệt, nồng độ chì trong máu có tương quan với chỉ số IQ của trẻ, nồng độ nhiễm chì trong máu càng cao thì chỉ số IQ sẽ càng giảm. Để loại bỏ chì ra khỏi cơ thể phải có quá trình điều trị lâu dài vì chì có thời gian bán thải rất dài có thể tới vài chục năm.

Cũng theo PGS Hồng Thu, Phó Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã chia sẻ thì ngoài những tác hại trên, nhiễm chì cũng có thể ảnh hưởng đến cơ quan sinh dục sau này của trẻ. Thời gian bán thải của chì rất dài, nhất là những trường hợp chì đã gắn vào xương.

Các mẹ túc trực bên con.

Không nên chủ quan với dấu hiệu lạ

Khi dùng thuốc cam để bôi cho con hoặc cho con uống, rất nhiều cha mẹ thấy trẻ có dấu hiệu lạ như ăn vào là chớ, ngủ thì vật vã hay ra mồ hôi trộm thì lại chủ quan cho rằng đó là bình thường nên không đưa đi khám kịp thời. Cũng có nhiều trường hợp trẻ có những dấu hiện bất thường này được cha mẹ đưa đi khám những không tìm ra bệnh. Cho đến khi cháu bé bị co giật và phải chuyển lên bệnh viện ở Hà Nội, thì các bác sĩ kết luận được là cháu bị nhiễm độc chì do uống thuốc cam.

Trên thực tế, có nhiều trẻ bị nhiễm chì nhưng biểu hiện bệnh không rõ ràng, chỉ chớ, ra mồ hôi trộm, ngủ giật mình, sốt, co giật…

Các bác sĩ khuyến cáo, các bậc cha mẹ, khi trẻ mắc các bệnh nhẹ như tưa lưỡi thì chỉ cần dùng mật ong, nước chè cọ lưỡi cho trẻ, nếu không khỏi thì nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ chỉ định thuốc hợp lý, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, nhất là thuốc không rõ nguồn gốc cho trẻ.

Ngoài ra, cũng không thể bỏ qua nguy cơ ngộ độc chì từ các hoạt động đời sống hàng ngày chứ không chỉ do uống thuốc cam.Trẻ em cũng có thể bị ngộ độc chì do ngậm đồ chơi có pha chì. Đặc biệt, ngộ độc chì kinh niên (còn gọi ngộ độc trường diễn) có thể xảy ra do ăn các thực phẩm đóng hộp hàn bằng thiếc lẫn chì, uống nước dẫn qua đường ống pha chì, hít phải bụi chì và các hợp chất của nó trong các nhà máy sản xuất sơn, làm bình ăcquy...

Để tránh nhiễm độc chì cần chú ý cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu lượng bụi chì và hợp chất của nó xâm nhập cơ thể. Cha mẹ cần lưu ý đồ dùng sinh hoạt (như cốc thủy tinh, chén bát nhựa, đồ chơi trẻ em... in hình màu mè sặc sỡ) xem có chứa chì quá giới hạn cho phép. Cha mẹ cũng cần nâng cao ý thức bảo vệ trẻ bị nhiễm độc chất từ việc lựa chọn đồ chơi cho trẻ. Tốt nhất không chọn đồ chơi sơn phủ màu sắc sặc sỡ, lòe loẹt.