Cuộc sống thường ngày vốn dĩ đã có muôn vàn mối lo sợ, thế nhưng, với phụ nữ, lần đầu làm mẹ lại càng khiến những nỗi lo sợ đó tăng lên nhiều lần, đặc biệt nếu bạn làm mẹ khi còn quá trẻ.
Làm mẹ ở tuổi 22, chị Phùng Vũ Uyên (39 tuổi, hiện đang sinh sống và làm nghề Biên kịch tại TP. HCM) tự ví mình như "con chim mới ra ràng đã vội vàng làm mẹ" đã trải qua một hành trình nhiều gian khó gấp bội.
"Khi mình mang thai, bạn bè cũng chưa ai có kinh nghiệm để nói cho mình biết đó là gì. Không có bất kì sự chuẩn bị nào sau đám cưới, nên việc nhiễm Rubella chỉ đủ để mình hiểu rằng: đứa trẻ có khả năng dị tật" - chị Uyên mở đầu cuộc nói chuyện bằng vài dòng ngắn ngủi nhưng đủ để hiểu rằng đằng sau đó còn là cả một cuộc hành trình dài.
Làm mẹ ở tuổi 22 và hành trình mang thai nhọc nhằn khi nhiễm Rubella
Sau này, chị Uyên hiểu, Rubella cũng là một dạng nhiễm virus: "Con thì ăn vào phổi, con thì thích gặm nhấm các bào thai... Bản chất các loại virus là tự sinh tự diệt, nhưng với người nhiễm Rubella mà có thai thì nguy hiểm cho bé. Muốn phòng tránh bệnh này, trước khi mang thai các mẹ phải chích ngừa trước 6 tháng rồi mới mang bầu. Mình không chuẩn bị nên khi có bầu thì thể trạng yếu virus dễ xâm nhập."
Bước vào thai kì tháng thứ 3, sau khi cầm tờ giấy khám xác nhận bị Rubella, chị Uyên từng bị bác sĩ ở phòng mạch từ chối tiếp nhận với thái độ gần như xua đuổi. Chị bắt đầu sốt, toàn thân nổi rất nhiều những đốm đỏ và phải nhập viện ngay tức khắc.
6 tháng sau là chuỗi ngày chị Uyên mê man trong nỗi ám ảnh con sinh ra sẽ hở hàm ếch, thiếu chi, tim bẩm sinh,… Cả quãng thời gian đó, chưa từng có một đêm người mẹ này có được giấc ngủ sâu, chưa kể những đêm cứ giật mình tỉnh giấc là bật khóc. Thế nhưng, đó vẫn chưa phải là tất cả những khó khăn khi mang thai.
"Mình bị nhiều bệnh lý, hen suyễn, hạ canxi huyết, rồi thêm trái rạ (còn gọi là bệnh thủy đậu), thiểu sản ối, tăng cân quá đà.... Có bầu vừa xấu, như con gấu bị ghẻ, nhập viện liên tục" - chị Uyên nói.
Quá ngày dự sinh một tuần, chị Uyên phải nhập viện và được hỗ trợ một thủ thuật để có thể sinh thường. Cũng kể từ đó, những cơn đau đẻ dồn dập từ sáng đến chiều khiến chị Uyên ngất lịm. Vì thế chị Uyên được các bác sĩ chỉ định mổ bắt con: "Bác sĩ nói mình ký giấy mổ. Những âm thanh lúc đó mình nhớ, nhưng chỉ số huyết áp quá ngưỡng 22 khiến mọi thứ xoay vòng, mình nghe tiếng đứa trẻ khóc. Mình cảm giác sắp vỡ tung huyết quản."
Bản năng làm mẹ đã giúp chị Uyên có thể dùng chút sức lực cuối cùng để hỏi nữ hộ sinh về tình hình của cô con gái nhỏ.
"Bình thường, mắt mũi miệng tay chân đầy đủ!" - Lời thông báo ngắn gọn nhưng đầy đủ tất cả thông tin mà người mẹ này cần, đủ để an tâm rồi lịm dần vì sức khỏe không cho phép chị có thể giữ tỉnh táo hơn được nữa. Chỉ biết, tất cả những gì người mẹ này quan tâm không còn là bản thân mình.
Sau này chị Uyên mới biết là mình suýt chết trên bàn mổ. Một thể trạng yếu ớt, từ thai kỳ, đi sinh, cho đến khi bình phục đều gian khó hơn người ta.
Một đứa trẻ bình thường đã là niềm hạnh phúc!
Những điều nghe có vẻ viển vông, hão huyền và "đầy ảo mộng" này thật ra lại vô cùng thực tế mà bất kì bà mẹ nào từng mang nặng đẻ đau một sinh linh bé bỏng 9 tháng 10 ngày đều phải thừa nhận.
"Trước đây, người ta khen mình đẹp, sau này sinh con gái sẽ rất xinh. Mình ước con làm hoa hậu, thông minh, giỏi giang… Nhưng, có lẽ giống như tất cả mọi người phụ nữ, khi nuôi dưỡng một sinh linh trong bụng mình, mỗi ngày cảm nhận chúng lớn lên, trải qua 9 tháng 10 ngày với đủ mọi cảm xúc. Thì một đứa trẻ bình thường cũng là niềm hạnh phúc." - chị Uyên nghẹn ngào.
Sau khi chào đời, bé Nguyễn Nhật Lam (tên ở nhà là Shochu) khóc suốt đêm, ngày cũng chỉ ngủ một chút, cứ ăn vào là nôn ói khiến hai mẹ con cùng mệt nhoài. Nhưng chị Uyên vẫn luôn cảm thấy may mắn, may vì chị còn được chăm sóc con khôn lớn, may vì con gái sinh ra lành lặn.
"Con bé yếu ớt về thể trạng lẫn tâm hồn. 100 ngày khóc dạ đề đêm nào cũng thức đến sáng với nước mắt. Có lẽ ảnh hưởng của thai kỳ mà con bé hay khóc đến vậy, cho đến tận bây giờ.
Chưa kể, bé nhà mình bị suy dinh dưỡng, thấp còi nên mình ép con ăn, khủng hoảng chiến đấu từng cữ sữa, bữa bột, bữa ăn. Nhưng sau đó mình nhận ra sai lầm nghiêm trọng khi con lớn lên và bị mất kiểm soát trong ăn uống. Bé nhà mình ăn nhiều không cản được, dẫn tới vừa lùn vừa mập. Vậy là lại bắt đầu hành trình cản không cho ăn. Mâu thuẫn cứ thế tiếp nối, nhưng đó không phải điều khó khăn với mình, ngay cả trước đây hay bây giờ cũng vậy." - chị Uyên nhớ lại.
Có những sai lầm xảy ra từ chính sự thiếu sót của bản thân khi còn quá non nớt, cũng có những điều xảy ra như một định mệnh và chúng ta không còn cách nào khác ngoài việc đối mặt để cùng vượt qua. Có những người sẽ oán trách số phận, cũng có những người chọn cho mình một niềm tin tích cực để bấu víu vào đó rồi vươn lên.
Làm mẹ thật khó!
Nuôi con, dạy con là cả một hành trình và không đứa trẻ nào giống như đứa trẻ nào cả. Khó đến nỗi chị Uyên gọi đây là "hội chứng con một".
"Tính tình của nàng ta cũng độc đáo, khó chịu, cáu bẳn từ nhỏ. Mình cố gắng xin xỏ ông chồng cho mình một đứa nữa đi.
Hồi nhỏ nàng lì quá, thường bị mẹ phét đít. Giờ thì đủ thứ chuyện để bị mẹ la, chỉ có ba là nuông chiều hết cỡ. Đôi lúc mình nghĩ Shochu của mình không cần mẹ nó nữa thì phải. Bởi khoảng cách của 2 mẹ con cứ xa dần xa dần.… Tuổi teen càng ương bướng, đứa trẻ ngày nào, bắt đầu rời xa vòng tay của ba mẹ, quyết đoán và độc lập trong nhiều điều.
Làm mẹ thật khó!".
Chia sẻ thêm về cô gái năm nay vừa tuổi trăng tròn, chị Uyên hạnh phúc với tất cả những gì mà bé Shochu hiện tại đang có. Chị không cần hơn, chỉ thế là đủ!
"Đằng sau vẻ lạnh lùng độc lập của Shochu, là một trái tim hiền hoà và ấm áp. Cách đây mấy hôm, mình đột ngột lên cơn hen, con bé ôm lấy mình, xịt thuốc… tự nhiên mình khóc, rồi ngủ trong tay con từ lúc nào.
Mới ẵm nó trên tay, mà giờ đây… nhanh quá. Giờ thì 2 mẹ con mặc đồ chung, mang giày chung" - chị Uyên nói.
Hiện tại, chị Uyên ngoài công việc chính là làm mẹ của hai đứa trẻ, làm vợ, làm biên kịch còn làm thêm rất nhiều chương trình từ thiện để giúp đỡ các bệnh nhi.
"Mình chỉ mong các con lớn lên, khoẻ mạnh, biết sống đàng hoàng yêu thương mọi người. Nói có vẻ mơ mộng. Nhưng khi con biết yêu thương, con sẽ được yêu thương. Từ chính tình thương đó sẽ dẫn dắt con đến những giá trị con muốn. Hiện tại bình thường đã là hạnh phúc" - nữ biên kịch gửi gắm.
Bà bầu bị Rubella, đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kì rất nguy hiểm, nó có thể để lại những di chứng nặng nề cho trẻ sơ sinh như đục thủy tinh thể, mù mắt, điếc, tim bẩm sinh, khuyết tật não và hệ thần kinh....
Cần làm gì để giảm nguy cơ nhiễm Rubella trong khi mang thai?
Nếu đang có ý định mang thai, bạn nên xét nghiệm miễn dịch Rubella hoặc tiêm dự phòng vắc-xin Rubella khoảng 3-6 tháng trước khi bắt đầu thụ thai.
Trong khi mang thai, cần tránh tiếp xúc với các nguồn lây bệnh đặc biệt là với người đang nhiễm Rubella, người có biểu hiện cúm, phát ban... vì đây là virus lây truyền qua đường hô hấp nên rất dễ truyền từ người này sang người khác.