Sebastião Salgado là một trong những nhiếp ảnh gia tài liệu danh tiếng nhất trên thế giới. Ông sinh vào năm 1944 tại Aimores, thuộc bang Minas Gerais, Brazil. Đó là một vùng đất màu mỡ, có núi, có sông, cả khu vực gần như được che phủ bởi những tán lá và cây rừng nhiệt đới, thời tiết quanh năm mát mẻ dễ chịu.
Sinh ra và lớn lên, tình yêu với núi rừng và thiên nhiên càng ngày càng sâu đậm trong trái tim của Salgado. Cả tuổi thơ, ông làm bạn với cây cỏ, với chim muông, với thiên nhiên và với chính mình. Ông không hiểu được nhiều về các công trình bê tông cốt thép, những "nền văn minh" hiện đại với đèn điện, với những nhà máy ống khói nghi ngút khắp trời. Đã từng có lần ông nói: "Tôi sinh ra trong một môi trường hệ sinh thái nhiệt đới, rừng núi bạt ngàn nên chẳng bao giờ thuộc về nơi có những nhà máy và những ống khói cao ngút."
Lớn lên, chứng kiến sự đô thị hóa chóng mặt tại quê hương và những nơi ông đi qua, ông từ bỏ bằng tiến sĩ kinh tế cùng cuộc sống tiện nghi, hiện đại để ôm máy ảnh lên đường làm một kẻ lãng du đi tìm những gì đã mất. Ông đi khắp thế giới, qua hơn 120 quốc gia, ghi lại những mặt trái của công nghiệp hóa toàn cầu. Để hiểu về văn minh, Salgado bỏ rừng ra phố, nhưng rồi lại ngày đêm mong nhớ về núi rừng. Ông nhận ra, những gì đã mất ngày càng mất thêm, nhưng những gì ông chụp lại, ghi hình lại đã chứng minh cho thế giới thấy rằng đã từng có một thời hành tinh này đã từng trải qua như thế. Ông cho mọi người thấy rằng đã từng có những mảnh đời cơ cực trên thế giới vì kinh tế toàn cầu mà bất lực, những người nằm xuống trong nạn diệt chủng Rwanda, là cuộc sống của những bộ lạc mà ít ai biết đến, là trái tim lành lặn của khu rừng nguyên sinh Amazon và cả những hình ảnh thiên nhiên hùng vĩ dưới sự tàn phá của con người.
Chuyến du hành vĩ đại ngốn mất gần cả thập kỉ trong cuộc đời ông. Những hình ảnh ông ghi lại trong suốt quãng đời đó đã giúp ông giành được hàng loạt những giải thưởng lớn về phóng sự ảnh, đồng thời, ông cũng xuất bản nửa tá cuốn sách về những miền đất nơi ông từng đặt chân đến, bằng những bức ảnh đen trắng đương đại.
Những năm đầu 1990, ông trở nên kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần sau khi phải chứng kiến sự tàn bạo khủng khiếp của nạn diệt chủng Rwanda. Vì thế, ông quyết định trở về quê nhà với hi vọng tìm thấy niềm an ủi trong lòng một khu rừng xanh mát. Nhưng rồi ông đã vô cùng sốc và suy sụp khi nhận ra một sự thật phũ phàng rằng "nơi chôn nhau cắt rốn" của mình đã trở thành một hoang mạc cằn cỗi, chết chóc và thậm chí không còn bất kì bóng dáng của một động vật hoang dã nào.
Vùng đất ông sinh ra và lớn lên đã bị tàn phá một cách nặng nề. Cây cối đã bị khai thác, đốn hạ gần hết để làm ra những sản phẩm phục vụ nhu cầu của con người. Đất đai thiếu cây xanh dần bị xói mòn, ô nhiễm, động vật hoang dã không còn nơi cư ngụ, trên thực tế chỉ còn lại 0.5% đất đai được bao phủ bởi cây xanh... những điều đó đã khiến cho quê hương của ông giờ đây giống như một vùng đất chết.
Trong nỗi niềm thất vọng ê chề, vợ ông, bà Lélia đã đề nghị cùng ông khởi tạo lại toàn bộ khu rừng. Ban đầu, ông thấy đây là một việc làm bất khả thi, thế nhưng, với tình yêu to lớn và sự quyết tâm, ông đã từng bước đem lại sự sống cho những mảnh đồi trọc.
Salgado và vợ Lélia thuê 24 công nhân để bắt đầu dự án của mình. Sau đó, ông và vợ đã thành lập tổ chức mang tên Instuto Terra, là một tổ chức với dự án trồng rừng và đem lại sự sống cho những vùng đất chết. Sau một thời gian hoạt động, dự án được nhiều người biết đến và đã thu hút được một số lượng lớn những tình nguyện viên đến đóng góp sức lực và tiền bạc. Họ cùng nhau vun trồng những mầm non, cải tạo lại đất đai, chăm sóc và trò chuyện cùng cây cối mỗi ngày.
Chẳng mấy chốc, công việc vất vả của họ đã mang lại kết quả khi cây cối bắt đầu phát triển và phủ xanh cho những quả đồi. Những ngọn đồi trọc im lìm chết chóc trước kia đã được hát vang bởi tiếng hót của chim chóc và tiếng kêu của côn trùng. Hình ảnh vệ tinh đã cho thấy một lớp phủ màu xanh đã bao phủ khu vực trước kia từng là một mảng đất màu nâu cằn cỗi.
Salgado nói rằng, vào đúng thời điểm đó, ông dường như cũng đã được tái sinh trở lại. Ông nói rằng: "Có một sinh vật duy nhất trên trái đất này có thể biến đổi khí CO2 thành ô-xy, đó chính là cây xanh. Vì vậy, chúng ta cần phải trồng lại rừng nhiều hơn nữa. Và bạn phải đảm bảo rằng những loại cây bạn trồng phải phù hợp với mảnh đất đó, nếu không việc làm này cũng trở nên phí hoài."
Kể từ năm 1998, họ đã trồng hơn 2 triệu cây con của 293 loài thực vật khác nhau và làm trẻ hóa 1502 mẫu rừng nhiệt đới. Tổng cộng có khoảng 172 loài chim, 33 loài động vật có vú, 15 loài bò sát, 15 loài lưỡng cư đã quay trở lại hoặc di cư đến khu vực này để sinh sống. Toàn bộ hệ sinh thái nơi đây đã được tái tạo lại gần nguyên vẹn như lúc ban đầu.
Khu vực này giờ đây đã được công nhân là "Khu bảo tồn di sản thiên nhiên tư nhân" (PNHR). Đó là nhờ sự nỗ lực và quyết tâm của rất nhiều người trong suốt 20 năm với hi vọng chưa bao giờ tắt.
Dự án trồng rừng là một trong những sáng kiến lớn nhất giúp kiểm soát xói mòn đất và hồi sinh các lòng hồ, lòng suối tự nhiên. Nhờ việc tái tạo lại rừng cây, khu vực này đã đón nhận một lượng mưa nhiều hơn so với mọi năm, thời tiết cũng trở nên mát mẻ dễ chịu hơn và đặc biệt, hiện tượng hạn hán không còn xảy ra nữa.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc, 129 triệu ha rừng, một khoảng diện tích tương đương với Nam Phi đã biến mất mãi mãi kể từ năm 1990, và con số này vẫn đang tăng dần lên qua các năm. Điều này khiến cho vô số loài thực vật và động vật hoang dã mất đi môi trường sống, nó cũng khiến cho hành tinh của chúng ta, ngôi nhà chung của chúng ta bị tàn phá nặng nề.
Phải làm gì để đối mặt với cuộc tàn sát tự nhiên lớn đến như vậy là câu hỏi mà rất nhiều người đang đau đáu đi tìm câu trả lời hàng đêm. Nó khiến cho chúng ta, một sinh vật sống trên Trái đất, cảm thấy mình thật nhỏ bé và bất lực. Thế nhưng, cho dù chỉ bé như một hạt cát, Sebastião Salgado và vợ Lélia Deluiz Wanick Salgado đã chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng chỉ cần sự đam mê và tận tụy, chúng ta có thể làm được những điều tưởng chừng như không thể.
Dự án đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên thế giới, đưa ra một dẫn chứng vô cùng cụ thể về hành động sinh thái tích cực và cũng cho thấy môi trường sống của chúng ta có thể được phục hồi nhanh chóng như thế nào nếu có một thái độ đúng đắn.
(Nguồn: Tổng hợp)