Báo cáo của Viện Khoa học hải dương Tây Ban Nha cho biết: “Chúng tôi ghi nhận kỷ lục mới về nhiệt độ mặt nước biển hàng ngày tại Địa Trung Hải là 28,71°C. Vào ngày 23/8/2022, kỷ lục cũ là 28,25°C”.
Thông tin trên hiện chưa được xác nhận bởi chương trình quan sát “Copernicus Earth” của Liên minh châu Âu (EU).
Trong khi đó, các nhà khoa học cảnh báo rằng nhiệt độ mặt biển cao sẽ đe dọa tới cuộc sống của sinh vật biển. Trong giai đoạn đầu của đợt sóng nhiệt giữa năm 2015 và 2019, khoảng 50 loài san hô và động vật thân mềm đã bị ảnh hưởng.
Thông tin trên được đưa ra trong thời điểm thời tiết cực đoan trong tháng 7 này đang tàn phá nhiều nơi trên hành tinh, ví dụ như nhiệt độ tăng cao kỷ lục ở Trung Quốc, Mỹ và miền Nam châu Âu, dẫn tới các vụ cháy rừng, thiếu nước và sự gia tăng các trường hợp phải nhập viện vì nắng nóng.
Nghiên cứu của tổ chức World Weather Attribution đã công bố báo cáo cho rằng những sự kiện thời tiết cực đoan nêu trên "sẽ cực hiếm" nếu khí hậu không bị biến đổi vì tác động của con người.
Nhiệt độ tại Địa Trung Hải đã tăng cao kỷ lục trong tháng 4/2023 Trước đó, kết quả một nghiên cứu do các nhà khoa học quốc tế thực hiện và công bốvào ngày 5/5 cho thấy, sức nóng cực độ bao trùm bán đảo Iberia và một số khu vực ở Bắc Phi vào tuần trước "gần như không thể xảy ra nếu không có biến đổi khí hậu".
Báo cáo của tổ chức hợp tác quốc tế chuyên nghiên cứu về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu World Weather Attribution (WWA) nêu rõ: "Sóng nhiệt đến sớm một cách bất thường đã khiến nhiệt độ tại khu vực này nóng hơn tới 20°C so với thường lệ và nền nhiệt cao kỷ lục trong tháng 4 đã bị phá khi tăng thêm tới 6°C".
Ở Maroc, nhiệt độ thậm chí đã tăng vọt lên mức kỷ lục trên 41°C tại một vài khu vực. Trong khi đó, tại Algeria, mức nhiệt cũng vượt quá 40°C.