Ngày 26/2, chị Nguyễn Thu Tr., trú tại quận Hai Bà Trưng phản ánh với PV Trí Thức Trẻ, vào hồi đầu tháng 1/2016, nghe lời giới thiệu của bạn bè, chị chuyển khoản cho một người phụ nữ tên Nguyễn Thị N, cùng trú tại Hà Nội, để đặt 2 mũi tiêm vắc xin dịch vụ 5 trong 1 cho con. Nhưng đến ngày hẹn đưa con đi tiêm thì người này mất liên lạc.
“Người em họ của tôi cho biết, cô này từng nhận tiền của nhiều bà mẹ trẻ và có người từng đưa con đi tiêm và thành công. Tin lời người nhà, tôi chuyển khoản theo hướng dẫn vào tài khoản của chồng chị N, đặt 2 mũi tiêm, số tiền là 4,6 triệu đồng. Tuy nhiên, đến ngày hẹn đưa con đi tiêm thì chị này tắt máy, vài hôm sau liên lạc được thì chị ấy lấy lý do mất máy, rồi hẹn nhiều lần và vẫn không trả lại tiền….” chị Tr kể.
Cũng theo phản ánh của chị Tr., khi biết mình bị lừa, chị này vào các trang mạng để tìm hiểu thì rất bất ngờ trước thông tin đang có hàng chục chị em khác cũng bị chính người phụ nữ tên N. lừa gạt với “kịch bản” tương tự.
Tin nhắn giao dịch của chị N với chị Tr liên quan đến "suất" mua vắc xin dịch vụ 5 trong 1
Trong cuộc trao đổi với chúng tôi, một trường hợp tương tự là chị Nguyễn Thi H, (trú tại quận Đống Đa) cho biết, đầu tháng 1/2016 thông qua người bạn cùng cơ quan môi giới và khẳng định chắc nịch rằng, chị N đã nhận tiền và từng đưa trẻ đi tiêm vắc xin 5 trong 1 ở đợt 1 tiêm phòng hồi đầu năm.
“Chị cùng cơ quan tôi giới thiệu có chị N, nhận có "suất" tiêm vắc xin dịch vụ 5 trong 1, chính người nhà chị cùng cơ quan tôi đã được N. đưa đi tiêm. Tin lời người quen, tôi đặt 3 mũi tiêm cho 3 tháng liên tiếp nhưng chờ mãi mà không thấy gọi đi tiêm chủng…Chúng tôi nghi ngờ và đòi lại tiền nhưng đều bị khất nợ…”, chị H, cho hay.
Phiếu chuyển khoản đặt cọc mua vắc xin
Bị tóm giữa đường
Người “đứng mũi chịu sào” là chị Nguyễn Q.A trú tại quận Hai Bà Trưng, cho hay: “Tôi cũng có con nhỏ và được người bạn giới thiệu, tôi chắc chắn rằng con của bạn tôi đã được N. đưa đi tiêm nên tin lời và chuyển tiền cho chị N. để mua suất mua vắc xin dịch vụ cho con. Cùng lúc này, tôi giới thiệu thêm cho chị một số người bạn có con nhỏ cần tiêm, nhưng tất cả đều bị chung cảnh chờ đợi và bị lừa….”.Q.A nói.
Cô N. bị một số người phát hiện sau và mời về công an để làm rõ
Chị này cho biết thêm, sau khi nhiều người cùng cảnh ngộ biết sự việc, bức xúc nên đã hẹn nhau "mật phục" người phụ nữ nhẫn tâm nhằm vào các mẹ trẻ để lừa đảo.
“Sáng 26/2 tôi được công an quận Hai Bà Trưng mời lên để viết tường trình, lúc này người phụ nữ tên N. cũng đang ngồi viết ở đấy. Theo quan sát của tôi đây chính là người đã lừa mình và cô ta còn lừa của hàng chục chị em phụ nữ khác. Người này bị một nhóm cùng cảnh ngộ như chúng tôi tóm về công an phường Đồng Nhân vào ngày 25/2 sau đó được chuyển lên quận”. Q.A cho biết.
"Mọi phiếu đăng kí tiêm dịch vụ sẽ không được chuyển nhượng"
Trước đó, vào ngày 25/12/2015 ngay trong ngày đầu tiên Hà Nội triển khai tiêm chủng vắc xin dịch vụ cho trẻ em đã được đăng ký từ trước. Tại điểm tiêm chủng dịch vụ 182 Lương Thế Vinh (Trung Văn – Nam Từ Liêm – Hà Nội) tuy nhiên kế hoạch này đã bị "vỡ trận" do số lượng người dân kéo đến quá đông.
Ngay sau đó, Bộ Y tế đã tổ chức họp gấp lên phương án và tổ chức cho người dân đăng ký tiêm chủng vắc xin dịch vụ qua mạng internet.
Chia sẻ với PV về quy định đăng ký tiêm chủng vắc xin dịch vụ, TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, cho biết, phiếu đăng ký tiêm chỉ có giá trị trong ngày hẹn, với đúng thông tin trẻ được cung cấp trên phiếu.
Theo TS Cảm, mọi trường hợp chuyển nhượng phiếu tiêm, thông tin đăng ký không đúng tên trẻ, tên người giám hộ thì sẽ không triển khai tiêm. Trước khi tiêm chủng, cán bộ y tế sẽ làm thêm nhiệm vụ kiểm tra, đối chiếu thông tin trên phiếu với giấy tờ mà người nhà mang đến.
TS Cảm cũng thông tin thêm, hàng ngày, trung tâm sẽ tổng hợp và thông báo số lượng vắc xin sử dụng. Sau khi tổng hợp lượng vắc xin còn dư lại vì số lượng tiêm “ảo” như những trường hợp đăng ký được nhiều nơi, bỏ tiêm sẽ có các thông báo tiếp theo.
Trẻ được đi tiêm chủng phải khớp thông tin trước đó đã đăng ký trên giấy khai sinh
Còn PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế đã khuyến cáo mỗi gia đình chỉ đăng ký tại một điểm nhưng người dân vẫn ồ ạt đăng ký dẫn đến số lượng “ảo”, có người đăng kí được 2 - 3 nơi, có người lại không đăng ký được.
“Mọi phiếu đăng ký tiêm dịch vụ sẽ không được chuyển nhượng. Nếu thừa vắc xin do số lượng ảo sẽ được tập hợp cho lần đăng ký sau. Bản thân bà mẹ khi đưa con đến tiêm sẽ được kiểm tra chứng minh thư, giấy khai sinh của con để đảm bảo đúng trẻ được tiêm”, TS Phu khẳng định.
Đang điều tra vụ việc Liên quan đến vụ việc trên, chiều 26/2 trao đổi nhanh với PV, lãnh đạo công an quận Hai Bà Trưng xác nhận, vụ việc hiện đang được đơn vị thụ lý. Theo vị lãnh đạo công an quận, vụ việc đang trong quá trình điều tra và hiện chưa có kết quả cụ thể, khi nào vụ việc được làm rõ đơn vị sẽ cung cấp thông tin cho báo chí và bạn đọc. |