Lina Horton là sinh viên năm nhất tại Đại học Tennessee ở thành phố Chattanooga (Mỹ). Nếu hoàn thành chương trình học ngành giáo viên mầm non, cô sẽ là thành viên đầu tiên trong gia đình tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên, khi chưa học xong thì mẹ cô đột ngột qua đời còn cô thì mang thai. Cô phải bỏ học giữa chừng vào học kỳ hai vì có quá nhiều thứ phải lo toan.
Vài năm sau, Horton đăng ký làm trợ giảng Tennessee. Lúc này cô đã có hai con, lại phải trông cậy vào sự giúp đỡ của người dì, Horton rất khó có thể quay lại con đường học vấn. Nhưng vào năm 2019, cô may mắn biết tới một chương trình thí điểm vừa học vừa làm ở đại học Austin Peay State University. Chương trình cho phép cô đến lớp học vào buổi tối và cấp bằng cùng chứng chỉ giảng dạy sau khi hoàn thành khóa học. Hơn nữa, cô không phải mất học phí khi tham gia khóa học.
Những chương trình thí điểm giống như của Horton đang ngày càng phổ biến, không chỉ có chương trình đào tạo giáo viên mà còn những nghề khác như thợ sửa ống nước, thợ điện và thợ mộc. Điểm đặc biệt ở những chương trình này là học viên có thể kiếm tiền trong quá trình học nghề. Đổi lại, có một số trường yêu cầu học viên tốt nghiệp làm việc tại trường trong vài năm.
Những chương trình dạy nghề như trên đã tồn tại nhiều năm, nhưng quy mô thường nhỏ và thiếu nguồn tài trợ. Hiện nay, Bộ Lao Động Mỹ đang đẩy mạnh chương trình hỗ trợ dạy nghề. Kết quả là trong 17 tháng qua, các chương trình dạy nghề tại 16 tiểu bang được phê chuẩn, trong đó có chương trình tiếp nhận đến hàng trăm học viên.
Giải quyết tình trạng khan hiếm giáo viên
Tình trạng thiếu giáo viên đã buộc một số trường phải cắt giảm lớp học, thuê người không đủ tiêu chuẩn để dạy học và mở lớp giảng dạy online. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên chính là lương thấp và môi trường làm việc ngày càng xuống cấp.
Thế nhưng, những chương trình dạy nghề miễn phí có thể sẽ tìm và đào tạo ra nhiều giáo viên tiềm năng, những người tâm huyết với nghề dạy học nhưng không đủ tiềm lực tài chính. Nhờ những dự án dạy nghề mà nhiều trường học đã bổ sung thêm nguồn nhân sự làm việc cho họ ở vị trí không cần bằng cấp, giống như Horton. Theo Prentice T. Chandler, trưởng khoa của trường Austin Peay State, hiện có hơn 200 giáo viên thực tập trong chương trình dạy nghề.
Bang Mississippi là một trong những nơi thiếu giáo viên trầm trọng nhất. Vấn đề chính là mức lương thấp và số tiền tài trợ ít ỏi của cơ quan lập pháp tiểu bang. Năm nay, tiểu bang đang chi gần 10 triệu đô (234 tỷ đồng) để đào tạo 200 giáo viên nội trú thực tập, với mức phí khoảng 50.000 đô la (hơn 1 tỷ đồng) cho mỗi người, đồng thời cho phép học viên làm việc tại các trường học.
Quá trình thực tập đã giúp nhiều người có được bằng cấp và chứng chỉ giảng dạy. Một trong số đó là Camilla Potts, cô đã được trao giải thưởng giáo viên của năm sau khi tốt nghiệp và cô hiện đang dạy lịch sử tại trường trung học.
Tạo điều kiện cho những người khó khăn theo đuổi nghề
Tabitha Grossman làm việc tại Trung tâm Quốc gia về Giáo viên Nội trú cho biết việc loại bỏ các rào cản tài chính là động lực để tuyển dụng thêm giáo viên da màu.
Hơn 20 năm trước, bang Nebraska đã nghiên cứu lý do tại sao các trường học dành riêng cho người Mỹ bản địa lại kém hiệu quả. Họ phát hiện ra nguyên nhân chính: Có quá ít giáo viên là người Mỹ bản địa, có trường chỉ có duy nhất một người. Tiểu bang gấp rút khởi động chương trình Indigenous Roots Teacher Education để khuyến khích và tạo điều kiện cho người bản địa nhận được bằng cử nhân giáo viên miễn phí trong khi làm việc tại trường học. Nhờ đó mà đã có 59 giáo viên bản địa được bổ sung vào biên chế của các trường học.
Nepthys Justo, chuẩn bị bước sang tuổi 30, đang sống tại khu Santee Sioux (Nebraska) mong muốn trở thành một giáo viên có bằng cấp. Cô đã đứng lớp tại nhiều trường cao đẳng địa phương, nhưng ngôi trường đại học gần nhất cũng cách ít nhất 1 giờ lái xe. Hơn nữa, cô còn phải chăm sóc 3 người con. Sau khi được biết về chương trình Indigenous Roots Teacher Education, cô đã có cơ hội đi học và tốt nghiệp vào năm 2007, sau đó lại học tiếp để lấy bằng thạc sĩ giảng dạy vào năm 2013. Hiện nay, cô đang học văn bằng ba là thạc sĩ ngành quản trị.