Nếu như ở mẫu giáo, thời gian trên lớp của trẻ chia đều cho việc vui chơi, ăn, ngủ, trong đó chơi là chủ đạo. Trẻ cũng được thoải mái đi lại trong lớp, tự do cười nói, thể hiện suy nghĩ và cảm xúc trong hành trình khám phá thế giới muôn vẻ.

Nhưng khi lên lớp 1, trẻ sẽ bắt đầu tiếp xúc với việc học có chủ đích gồm nhiều môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc. Trẻ không chơi nhiều như trước nữa mà cần ngồi nghiêm túc học tập trong khoảng thời gian quy định. Trẻ cũng cần phải hoàn thành một khối lượng bài tập cho từng môn và nhận sự đánh giá từ giáo viên, bố mẹ. Môi trường mới với nhiều nội quy đòi hỏi ở trẻ tính kỷ luật, sự tập trung cao hơn. 

Trẻ "sốc" ở giai đoạn tiền lớp 1, phụ huynh thông thái lưu ý 4 ĐIỀU sau - Ảnh 1.

Nhiều đứa trẻ bị sốc khi chuẩn bị bước sang lớp 1. (Ảnh minh họa)

Chính vì điều đó, nhiều phụ huynh bắt đầu cho con làm quen với môi trường trước khi lên lớp 1 bằng cách hối thúc con học. Họ ép con học làm tính, học bảng chữ cái, ghép vần… với tần suất dày đặc. Cha mẹ bất ngờ ép con học nhiều, giảm thời gian vui chơi và liên tục nhắc nhở con những câu như: "Lên lớp 1, con phải cố gắng học giỏi nhé!", "Lên lớp 1, bố mẹ sẽ kèm con học mỗi buổi tối”...

Việc cha mẹ chuẩn bị trước cho con là tốt nhưng nếu không khéo léo sẽ khiến đứa trẻ rơi vào tâm lý hoảng sợ. Điều này dẫn đến việc trẻ bị "sốc", "nổi loạn" giai đoạn tiền lớp 1. Biểu hiện là trẻ hay quấy khóc, sợ đi học, không chịu học bài, có lời nói và hành động chống đối bố mẹ. 

Thay vì ép con vào khuôn khổ ngay tức khắc, phụ huynh nên cho con làm quen một cách dần dần để thích nghi. Đặc biệt, trong quá trình này, bố mẹ nên duy trì thái độ nhẹ nhàng, tránh nôn nóng hay bực tức bởi sẽ khiến trẻ càng thêm lo lắng, sợ hãi. 

1. Chuẩn bị tâm lý cho trẻ

Việc lên lớp 1, trẻ sẽ vào môi trường học tập nghiêm túc và kỷ luật hơn. Trẻ cần nghiêm túc thực hiện các quy định của trường lớp. Do đó, để trẻ không bị bỡ ngỡ, bất ngờ, bố mẹ nên cho trẻ làm quen với đồ dùng học tập như: Bút, vở, bảng, phấn… Ngoài ra, bố mẹ có thể dẫn con đi tham quan trường lớp trước và chia sẻ với con về mọi thứ sắp diễn ra. 

Cách làm này giúp trẻ được chuẩn bị tâm lý một cách tốt nhất. Trẻ sẽ yên tâm, không cảm thấy lạc lõng, cô đơn, sợ hãi khi vào lớp 1. Trẻ cũng sẽ thoải mái hơn với việc chuẩn bị chương trình học trước, không cảm thấy áp lực.

Trẻ "sốc" ở giai đoạn tiền lớp 1, phụ huynh thông thái lưu ý 4 ĐIỀU sau - Ảnh 2.

Bố mẹ nên chuẩn bị tâm lý trước cho con để con không bị căng thẳng, áp lực khi vào lớp 1. (Ảnh minh họa)

2. Rèn luyện tinh thần tự giác, sự tự tin cho trẻ

Trẻ vào lớp 1 sẽ bắt đầu học và tự lập trong một số hoạt động như: Ngồi học đúng quy định, tự mặc trang phục, tự đi vệ sinh... nên bố mẹ cần rèn luyện cho trẻ những kỹ năng này từ trước. Điều này giúp trẻ không bỡ ngỡ, hình thành tâm lý tự tin, chủ động. 

Chẳng hạn như khi ở nhà, bố mẹ hãy hướng dẫn trẻ cách tự chăm sóc bản thân như: Vệ sinh cá nhân, chọn quần áo, dọn dẹp bàn học, bọc sách vở, xây dựng thời khóa biểu... để trẻ có thể chủ động trong một số việc. Cách này còn khiến trẻ cảm thấy háo hức, phấn khởi khi mình sắp thành "người lớn" thực thụ.

3. Rèn luyện sự tập trung cho trẻ

Vấn đề tập trung khi học tập ở giai đoạn bắt đầu vào lớp 1 là nỗi trăn trở của nhiều phụ huynh. Nếu không biết cách giúp trẻ tập trung, chủ động trong học tập sẽ không chỉ trẻ căng thẳng mà còn khiến bố mẹ cảm thấy mệt mỏi. Giai đoạn tiền lớp 1, trẻ cần được sự quan tâm sát sao của bố mẹ. Điều này giúp trẻ cảm thấy hứng thú hơn trong việc học.

Bố mẹ nên tạo cho trẻ không khí vui vẻ, thoải mái khi học bài, làm sao cho việc học trở nên nhẹ nhàng, "học mà chơi, chơi mà học". Bố mẹ có thể rèn luyện cho trẻ tại nhà qua các hình thức như thi giải đố, kể chuyện… với thời gian 30 phút sẽ giúp trẻ khi vào học tập trung một cách tự nhiên, đơn giản nhất.

Trẻ "sốc" ở giai đoạn tiền lớp 1, phụ huynh thông thái lưu ý 4 ĐIỀU sau - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

4. Giúp trẻ làm quen với học tập và kiến thức

Khác với mầm non, khi lên lớp 1, trẻ sẽ dành nhiều thời gian học tập hơn, phải ngồi học trong thời gian nhất định và liên tục tập đọc, tập chép. Việc tiếp xúc với nhiều kiến thức có thể khiến trẻ không quen, bị sốc nên bố mẹ cùng thầy cô cần có sự phối hợp với nhau. Hãy hướng dẫn tỉ mỉ, cùng trẻ chuẩn bị trước bài học. Bố mẹ cũng có thể kể cho con nghe chuyện đi học ngày xưa để trẻ thấy gần gũi, đỡ lo lắng.