Dịch bùng phát nhưng người dân vẫn đổ ra đường
Tại buổi họp báo về công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn, ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM cho biết: “Tính từ 31/5 đến nay, thành phố đã trải qua 55 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo các cấp độ khác nhau từ Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 10 của Chủ tịch UBND Thành phố và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Hôm nay là ngày thứ hai, thành phố thực hiện Chỉ thị 16 tăng cường để siết chặt, nâng cao hơn các giải pháp chống dịch”.
Ông Mãi phân tích, dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố chưa dừng lại mà đang có những diễn biến hết sức phức tạp. Công tác chống dịch thời gian qua chưa mang lại kết quả như mong đợi, về nguyên nhân khách quan có thể thấy biến chủng Delta của virus diễn biến khó lường tốc độ lây nhiễm cao. Tuy nhiên, về chủ quan ở nhiều địa bàn, địa phương chưa thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch từ các cấp, các ngành và người dân là vấn đề rất đáng chú ý và cần chấn chỉnh kịp thời.
Trên thực tế, người dân vẫn đổ ra đường trong những ngày cách ly xã hội, trong các khu phong tỏa người dân vẫn qua lại, tiếp xúc gia tăng số ca nhiễm.
Trước tình hình trên, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, thành phố sẽ áp dụng mạnh hơn các phương án siết chặt kiểm soát để đảm bảo nguyên tắc cách ly người với người, nhà với nhà đặc biệt là trong khu vực phong tỏa vì thời gian qua số ca bệnh mới phát hiện hầu hết tập trung tại đây.
Ngoài ra, thành phố cũng sẽ siết chặt kiểm soát, và xử lý người ra đường khi không có lý do chính đáng như tình huống cấp cứu y tế hoặc mua thực phẩm thiết yếu.
Ông Đức cho biết: “Chúng tôi đã nắm tình hình về việc hiện nay một số đối tượng đang đặt mua đồng phục dành cho shipper nhằm lách luật để ra đường và chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung kiểm tra xử lý nghiêm. Muốn vận hành tham gia shipper công nghệ phải có app ứng dụng, chỉ cần kiểm tra là biết thật hay giả.
Bên cạnh đó, thành phố đang đẩy mạnh xét nghiệm, truy vết có trọng tâm trọng điểm để sớm phát hiện F0, huy động tổng lực của cả hệ thống y tế công và tư vào công tác điều trị để giảm thiểu số ca bệnh tử vong”.
Chuẩn bị cho tình huống xấu nhất
Trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, thành phố đã đề ra 3 kịch bản: Thứ nhất, dịch bệnh được kiểm soát, thành phố sẽ thực hiện điều chỉnh giải pháp phòng, chống dịch theo thực tế; Thứ hai, dịch bệnh chưa được kiểm soát, tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 hoặc áp dụng Chỉ thị 16 tăng cường ở một số địa bàn; Thứ ba, dịch gia tăng mạnh, phải siết chặt phong tỏa và đề xuất với Trung ương để quyết định giải pháp phù hợp.
Trên thực tế, công tác chống dịch chưa mang lại kết quả như mong đợi nên TPHCM đã lỡ cơ hội cho kịch bản thứ nhất, kịch bản thứ hai đang bất đắc dĩ phải áp dụng với các biện pháp tăng cường hơn. Thành phố sẽ có các đánh giá để đề ra những phương án điều chỉnh cấp độ chống dịch phù hợp với thực tế.
Ông Phan Văn Mãi cho biết: “Nếu tình hình dịch tiếp tục diễn biến xấu hơn sẽ khởi động cho tình huống 3. Dù không mong muốn nhưng phải nghĩ đến mọi tình huống có thể xảy ra, chúng ta phải chuẩn bị để có tâm thế cho người dân thành phố, chủ động, chung tay thực hiện đồng bộ các giải pháp chống dịch”.
Những ngày tới, thành phố sẽ tăng cường các lực lượng công an, quân đội vào cuộc để giám sát chặt chẽ việc cách ly xử lý triệt để tình trạng vi phạm quy định chống dịch. Các biện pháp di chuyển sẽ được thắt chặt, đối tượng ra đường sẽ được có văn bản quy định cụ thể theo khung giờ.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh: “Nếu không tuân thủ chặt chẽ quy định thì dịch bệnh sẽ lây lan mạnh, xấu hơn, tồi tệ hơn. Các cấp, các ngành và người dân thành phố cần thực hiện triệt để hơn biện pháp an toàn chống dịch thì mới đạt được thắng lợi”.
Lãnh đạo thành phố kêu gọi sự đồng thuận của tất cả các đơn vị, tổ chức, cá nhân cần chấp nhận hy sinh những lợi ích trong ngắn hạn, tuân thủ chấp hành để thực hiện triệt để giãn cách, ngăn chặn tiếp xúc, ngăn chặn nguồn lây, hạn chế số ca dương tính trong thời gian tới sớm đưa thành phố trở lại giai đoạn bình thường mới.