Con tôi cần sống, hơn là cần điểm 10!

Những cái chết oan ức và tức tưởi của học trò vẫn chưa dừng lại. Lại một học sinh nữa tự tử vì áp lực học hành. Lần này là một học sinh lớp 10 trường Nguyễn Khuyến, TP. Hồ Chí Minh chỉ vì đã đạt điểm 8,9 nhưng vẫn không làm hài lòng cha mẹ.

Vụ việc đã gây sốc dư luận và một lần nữa lại giáng hồi chuông cảnh tỉnh những người làm cha làm mẹ. Cũng là phụ huynh của hai bé đang ở độ tuổi đi học nên chị Thu Hà - mẹ hai bé Xu Sim đã phải bức xúc thốt lên "Người lớn ơi, chúng ta còn độc ác và ngu muội tới bao giờ nữa đây?".

Cái chết của học sinh lớp 10 trường Nguyễn Khuyến lại khiến chị Hà nhớ lại một tin nhắn mà chị từng nhận được: "Mấy ngày nay có một chuyện khủng khiếp xảy ra mà em cứ buồn và suy nghĩ mãi. Em có người anh, thành đạt, gia đình mẫu mực, 2 con trai đều đẹp trai xinh xắn học giỏi ngoan ngoãn. Thế rồi bi kịch xảy ra. Vào kỳ thi sát hạch đầu năm, bé bị điểm 3 môn Anh văn, môn học mà bé giỏi và tự tin nhất. Bị thầy cô trách mắng, và phần nhiều là tự trách bản thân, bé bị trầm cảm nặng và không muốn đi học. Gia đình đã đưa đi khám tâm lý các nơi, rồi ba mẹ túc trực ở nhà để trông nom chăm sóc bé. Thế mà trưa thứ 2 tuần rồi bé đã nhảy từ lầu 5 xuống và không qua khỏi".

Nhà báo Thu Hà: Nhiều cha mẹ đã trao cho điểm số một quyền lực quá lớn, lớn hơn cả mạng sống của con - Ảnh 1.

Chị Thu Hà cho rằng: "Hơn mọi loại ung thư, hơn mọi loại bệnh tật, cảm xúc có thể giết chết con cái và chính chúng ta nhanh nhất".

Đọc tin nhắn mà chị Thu Hà cảm thấy muốn điên lên:

"Điểm 3! Điểm 10! Tôi muốn chém hết cả họ hàng điểm chác!

Con tôi cần sống, hơn là cần điểm 10!

Con tôi cần sống trước khi nó cần thành đạt!

Tiếng Anh làm gì nếu chưa nghe được tiếng Con?

Tiếng Anh làm gì nếu không nghe được tiếng nói bên trong cuả Chính Mình?

Tiếng Anh làm gì, nếu trong nhà không nói được tiếng Gia đình?

Trước khi hiểu những người bên kia bán cầu nói gì thì làm ơn hiểu chính cơ thể mình đang nói gì đã.!

Với chính mình, với con, chúng ta còn xài ngoại ngữ, loại ngoại ngữ chả bao giờ thèm đi học, nên thậm chí tiếng kêu cứu, mà người mình yêu nhất, ở ngay cạnh cũng không nghe được...

Tôi biết, những bé có nguy cơ trầm cảm, là trong cơ thể con bẩm sinh đã sẵn có cơ chế sinh hóa không cân bằng, chất dẫn truyền thần kinh không như số đông người bình thường, nên tâm lý nhạy cảm, và con khó chống chọi với áp lực.

Nhà báo Thu Hà: Nhiều cha mẹ đã trao cho điểm số một quyền lực quá lớn, lớn hơn cả mạng sống của con - Ảnh 2.

Ngôi trường nơi 1 học sinh lớp 10 tự tử vì áp lực học hành.

Tôi đã từng trải qua cảm giác mất người bạn thân vì trầm cảm. Tôi biết, hơn mọi loại ung thư, hơn mọi loại bệnh tật, cảm xúc có thể giết chết con cái và chính chúng ta nhanh nhất.

Thế nhưng nó ko chụp chiếu X quang, hay chụp CT được. Nó không lở loét, không chảy máu, chảy mủ. Nó không sốt, không ho, không ói, không tiêu chảy. Nó hơn tất cả những triệu chứng đó, vì nó hủy hoại bên trong, và hủy hoại 1 cách thầm lặng

Cầu mong linh hồn bé siêu thoát ! Cầu mong ở thế giới mới bé hạnh phúc hơn nơi này!

Cầu mong câu chuyện của bé có thể cảnh báo nhiều gia đình khác, cứu được nhiều em bé khác mà tôi biết vẫn đang sống trong áp lực. Nhiều ba mẹ đã trao cho điểm số cái quyền lực quá lớn, nhiều ba mẹ làm cho con mình hiểu rằng điểm kém sẽ hủy hoại cả cuộc đời con. Nhiều gia đình không vứt nổi những nặng nề ngoài bậu cửa.

Điểm số là cái đinh gỉ gì đâu!

Tổ tiên chúng ta, triệu triệu năm trước không có điểm số vẫn tiến hóa được lên làm người là gì?

Tại sao chỉ vì điểm số mà chúng ta tiến hóa ngược lại từ người thành thú vậy?

Bạn không thể học giỏi trong một lần, không thể thành chuyên gia trong một lần.

Vậy tại sao không cho con được quyền thất bại nhiều lần? Tại sao nhìn chuyện thất bại như kẻ thù bên kia chiến tuyến?".

Cuối cùng, chị Thu Hà muốn nhắn nhủ tới các con đang ở độ tuổi đi học rằng: "Con gái à, cùng lắm, nếu con không học giỏi, không có bằng tốt nghiệp trường top, con có thể thiệt vài triệu tiền lương những tháng thử việc đầu tiên. Nhưng nếu con không hiểu tiếng nói bên trong cơ thể mình, nếu con đánh mất niềm vui sống thì là mất rất rất lớn!

Và tất cả các môn học khác trong trường cũng thế, con học để con được vui sống khỏe mạnh, chứ không phải học để mà tuyệt vọng! Học là để sống, nhớ nha con!".

Yêu thương con vô điều kiện nhưng yêu thương phải kèm với sự hiểu biết

Để những cái chết oan ức, tức tưởi của học sinh vì áp lực học hành không còn xảy ra nữa, chị Thu Hà cho rằng ngay từ lúc này, bố mẹ nên ngừng ngay lại việc so sánh con với các bạn khác và thậm chí là so sánh các con ngay trong gia đình mình. Chị Thu Hà giải thích:

"Việc so sánh không làm cho các bạn nỗ lực, cố gắng và tự tin hơn. Nó còn làm cho các bạn giảm sự tự tin. Nó còn dẫn đến một hệ lụy khác là hạ bạn xuống để nâng mình lên như nói dối, nhắc bài sai cho bạn. Về lâu dài, nó rất nguy hiểm cho tính cách của con. Không một người nào có thành công bền vững nếu có tính cách xấu như vậy.

Nhà báo Thu Hà: Nhiều cha mẹ đã trao cho điểm số một quyền lực quá lớn, lớn hơn cả mạng sống của con - Ảnh 3.

Lòng thương, sự hy sinh và kỳ vọng của cha mẹ là viên đạn bọc đường, đôi khi nó còn nguy hiểm hơn cả bạo lực bằng đòn roi (Ảnh minh họa).

Thế giới này rất rộng lớn, ai cũng có chỗ đứng của mình. Trí thông minh không được đánh giá bằng điểm số, trí thông minh còn được đánh giá ở nhiều yếu tố khác. Phải nhìn nhận xem con mình vác nặng được bao nhiêu và con mình thuộc loại trí thông mình gì để lựa theo con mà định hướng cho con phát triển.

Chuẩn mực thành công không đo bằng điểm số. Mục đích việc học UNESCO đã đề cập đến là: học để biết, học để làm, học để chung sống, học để làm người, không có mục đích nào là học để thi đại học.

Lòng thương, sự hy sinh và kỳ vọng của cha mẹ là viên đạn bọc đường, đôi khi nó còn nguy hiểm hơn cả bạo lực bằng đòn roi. Những cái đó có thể gọi là ngục tù của tình thương. Yêu thương vô điều kiện nhưng yêu thương phải kèm với sự hiểu biết. Nếu con đã học 10 tiếng đồng hồ rồi còn ép con học thêm, nếu con đã ăn no rồi vẫn ép con ăn thêm thì sự yêu thương đó sẽ trở thành ngục tù cho con. Học là để sống chứ không phải vì điểm số hay thi cử hay để đỗ Đại học, để đi du học...".