Tết Nguyên Đán là một trong những dịp lễ quan trọng của người Việt Nam, từ đầu tháng 1 hàng năm, nhiều gia đình đã chuẩn bị các vật dụng cần thiết để đón chào năm mới vừa đủ lễ nghi, trang nghiêm và không kém phần hoành tráng. Việc sắm áo dài mới đón Tết về vẫn được nhiều chị em hưởng ứng, cố gắng tìm cho mình xấp vải, tà áo thướt tha nhất để vi vu nhân dịp xuân về.

Nhiều cửa hàng may đo áo dài Tết năm nay “cháy hàng” trước dịp lễ Giáng Sinh, khách Hàn, Nhật đặt đơn liên tục - Ảnh 1.

Một cửa hàng bán áo dài tại TP.HCM. Ảnh: Đan Thanh

Tuy nhiên, dù thị trường về quần áo ngày nay rất tiện lợi với các thể loại may sẵn thì áo dài vẫn là thứ được nhận định rằng phải may đo thì mặc mới đẹp nhất. Thế nhưng, để may đo một bộ áo dài thường tiêu tốn không ít thời gian, với ngày thường sẽ dao động từ 1 - 2 tuần thì vào thời điểm cận Tết Dương lịch và Âm lịch thế này sẽ kéo dài từ 1 - 2 tháng, có những nhà may nổi tiếng thì đặt trước gần 3 - 4 tháng cũng hoàn toàn có thể xảy ra. Về yếu tố kinh doanh thì đây cũng là thời điểm được người trong nghề cho là kiếm được nhiều nhất để "gỡ gạc" lại các tháng khác trong năm. 

Hiện nay, ngoài các nhà may hay nhà thiết kế nổi tiếng nằm rải rác ở khắp nơi thì trong đó, Hai Bà Trưng, Pasteur, Lê Văn Sỹ,... tập trung nhiều cửa hàng bán vải lẫn nhận may áo dài nhất của thành phố. 

Pasteur hiện là con phố tồn tại nhiều nơi bán áo dài có sẵn lẫn may đo nhiều nhất với hơn chục cửa tiệm nối san sát nhau. Ảnh: Minh Tâm, Áo dài Trang.

Dù đông khách nhưng cũng phải "trầy trật" để giữ vững doanh số

Những năm gần đây, áo dài dần trở nên phổ biến, dễ tìm mua hơn trước bởi người thợ đã học cách thổi vào những những chiếc áo truyền thống thêm chút hơi thở hiện đại. Không còn là những gam màu cơ bản: trắng-đen, đỏ-đen,... thay vào đó có nhiều mẫu mã, chất liệu đã dần chiếm lĩnh thị trường quần áo Tết. Từ lụa, cotton đến vải thô, chất nhung mịn,..., áo dài nay ngày càng được biến hóa gần gũi hơn với thế hệ người trẻ. 

Đối với những ai thích sự vừa vặn, yêu cái truyền thống may đo sắm Tết, nhiều tiệm áo dài tại TP.HCM vẫn giữ nguyên dịch vụ này, với mức giá cao hơn đi kèm nhiều quyền lợi. Khách hàng có thể tự chọn vải, thiết kế theo sở thích, thay đổi kích thước phần cổ, tay áo nhằm phù hợp với cơ thể hơn. 

Nhờ sự linh hoạt này mà nhiều thợ, cơ sở may đã nhanh chóng bắt kịp xu hướng, đổi mới, đưa “áo dài Tết” thành một trong những từ khóa hot nhất những tháng cận Tết. Và nhân tiện nói đến từ khóa, rất nhiều nhà may lâu năm và có tiếng cũng phải thừa nhận rằng để có thể giữ vững được doanh số bán hàng mùa Tết, họ đã phải chuẩn bị từ trước đó vài tháng, có nơi là cả năm để tìm hiểu về các cách quảng bá trên nền tảng mạng xã hội nhằm thu hút tệp khách trẻ. 

Các shop bán áo dài chuẩn bị hình ảnh online vô cùng thu hút. Ảnh: Rosemary.clothing.

"Trước đây, áo dài Tết thì mọi người vẫn chuộng may đo hơn vì đảm bảo vừa với form dáng. Nhưng giờ áo dài may sẵn cũng rất đa dạng, mẫu mã bắt mắt, các bạn chụp ảnh dù là bán online cũng vô cùng thu hút nên để bắt kịp, chúng tôi đã phải học cách làm hình ảnh, chia các dạng mẫu mã ra thành nhiều phân khúc khác nhau. Chưa kể thợ may bây giờ cũng phải chủ động update đa dạng kiểu dáng để phục vụ khách hàng tốt hơn" - Thu Nhã, thợ may tại một cửa hàng áo dài trên đường Pasteur cho hay. 

Thêm một điểm lợi của việc mua áo dài từ các tiệm may đo là gần như cả gia đình đủ mọi thế hệ đều có thể sắm ở cùng một tiệm. Dù đó là áo cho ông bà, cha mẹ hay các bạn trẻ đều không cần lo. Chỉ có điểm trừ là mất nhiều thời gian hơn các loại may sẵn lấy liền và chi phí cũng phụ thuộc vào các yếu tố khác nhau như chất liệu, độ phức tạp của họa tiết trang trí,... dẫn tới áp lực không nắm được trước chi phí - có thể xem là một dạng thói quen của người trẻ hiện nay sau khi mua đồ online thịnh hành.

Khách nước ngoài sắm áo dài Tết ngày càng nhiều

Chị Quỳnh, chủ cửa hàng Rosemary.clothing tại TP.HCM cho biết, áo dài chính là một trong những sản phẩm đinh của cửa hàng. Đặc biệt chỉ cần bước qua đầu tháng 12 dương lịch, lượng đơn, khách hàng tìm mua áo dài sẽ tăng lên đột biến dù vẫn còn cách Tết khá xa. 

Nhiều cửa hàng may đo áo dài Tết năm nay “cháy hàng” trước dịp lễ Giáng Sinh, khách Hàn, Nhật đặt đơn liên tục - Ảnh 4.

Các vị khách nước ngoài Hàn và Nhật năm nay mua áo dài Tết nhiều nhất. Ảnh: Đan Thanh.

“Tầm đầu tháng 12 là cửa hàng bắt đầu nổ đơn. Khách đến tận cửa hàng cũng đông mà khách online còn nhiều hơn 50% so với trước. Đa phần các bạn trẻ ngày nay đều muốn tìm về chút gì đó cổ điển, vintage nên những mẫu áo dài dáng suông, chất liệu lụa được yêu thích rất nhiều. Tiệm mình cũng cố gắng tìm thêm nhiều loại vải hơn, chất lượng mà cũng không quá đắt đỏ để hợp thị hiếu giới trẻ. Mỗi ngày dịp cao điểm, tiệm bán trung bình hơn 50 bộ áo dài, và chắc chắn con số vẫn còn tăng khi cận Tết. 

Giá áo dài ở đây dao động 700.000 - 1.000.000 đồng, theo mình thì đây là mức giá hợp lý nếu so với một bộ áo dài vải lụa chất lượng, được may tỉ mỉ và có thể dùng được trong nhiều dịp” - chị Quyên chia sẻ. 

Năm nay chuộng các mẫu đơn giản, vải lụa trơn hoặc họa tiết với chi phí không cao. Ảnh: Đan Thanh

Chủ cửa hàng áo dài này cũng nhận ra chút sự thay đổi nhỏ ở tệp khách khi những năm gần đây, du khách đến từ Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng dần tìm đến cửa hàng nhiều hơn để sắm cho mình ít nhất một bộ đón Tết Việt. Có ngày, cửa hàng nhỏ đón tiếp đến 5 - 10 lượt khách ngoại quốc ghé đến đặt mua áo dài.

Một số tiệm áo dài may đo tại TP.HCM cũng đã dừng nhận đơn từ tháng 12 vì lượng khách ghé đến quá tải so với dự kiến. Cô Minh Hòa (55 tuổi), chủ hàng may tại quận Gò Vấp cho biết chiếc tiệm nhỏ của cô đã chính thức ngừng nhận đơn hàng may theo số đo từ đầu tuần do lượng đơn nhiều vượt mức.

“Thường một tuần cô nhận tầm 1-2 bộ áo dài để kịp may, nhưng gần Tết thì khách đông lắm, có khi đứng chật cả ngõ. Vậy nên nhận đủ là cô ngưng, để đảm bảo mỗi bộ áo dài đều được tận tay cô may tỉ mỉ, chăm chút đàng hoàng. Nếu may xong sớm hơn dự kiến có thể cô sẽ nhận đơn đặt hàng lại, nhưng cũng hên xui lắm”, chủ cửa hiệu áo dài chia sẻ.

Nhiều cửa hàng may đo áo dài Tết năm nay “kín lịch” trước dịp lễ Giáng Sinh, khách Hàn, Nhật đặt đơn liên tục - Ảnh 6.