Theo đó, trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thưởng tết cao nhất là 237 triệu đồng (thuộc 1 đơn vị ở ngành linh kiện điện tử) và thấp nhất là 2,4 triệu đồng (ngành trang sức).
Đối với doanh nghiệp trong nước hiện đang cập nhật, mức thưởng cao nhất là 200 triệu đồng (ngành nghề sản xuất kinh doanh mỹ phẩm) và thấp nhất là 5 triệu đồng (ngành thiết bị giáo dục).
Ông Lâm Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu chế xuất - công nghiệp TP.HCM cho biết, đa số các doanh nghiệp đều thưởng Tết cho người lao động 1 tháng lương thứ 13. Một số doanh nghiệp thưởng theo thâm niên (từ 1 - 2 tháng lương/người).
Bên cạnh đó, cũng có một số doanh nghiệp thông báo gặp khó khăn, không thưởng Tết. Với người lao động ở những doanh nghiệp này, Công đoàn và Ban Quản lý các Khu chế xuất - công nghiệp TP.HCM sẽ đến thăm và hỗ trợ 1 triệu đồng/người.
Trước đó, như VOV đã thông tin , năm nay, quỹ chi thưởng Tết Nguyên đán của một số doanh nghiệp tăng từ 8-10%. Công nhân trực tiếp sản xuất ở một số đơn vị được nhận lương tháng 13 gấp 1,5 lần.
Nhằm giám sát tình hình chi trả lương, thưởng Tết và ổn định quan hệ lao động dịp Tết 2025 tại các doanh nghiệp trên địa bàn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM sẽ phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Lao động và các đơn vị ban, ngành, kiến nghị doanh nghiệp sớm công bố kế hoạch trả lương, thưởng, các khoản hỗ trợ; đảm bảo thanh toán lương, thưởng đầy đủ, đúng thời hạn theo kế hoạch cho người lao động.
Sắp tới, Sở sẽ tổ chức 2 đoàn khảo sát trực tiếp tại 20 doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, nợ lương, có nguy cơ nợ lương, thưởng hoặc đã xảy ra tình trạng tranh chấp lao động.