Hiện, các đơn vị tổ chức bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để xét tuyển đầu vào gồm: trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội, Bộ Công an và một số trường khối ngành Mỹ thuật.
Mở thêm địa điểm thi
Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo Đại học Quốc gia TP.HCM, năm 2023 kỳ thi đánh giá năng lực của trường sẽ có một số thay đổi cơ bản nhằm tạo thuận lợi thêm cho thí sinh tham gia kỳ thi này.
Thứ nhất, địa điểm thi năm nay sẽ tăng thêm bốn địa điểm tại các tỉnh Lâm Đồng, Tiền Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long, nâng từ 17 lên 21 tỉnh thành. Năm nay sẽ có hai đợt thi và thí sinh có thể đăng ký dự thi cả hai đợt.
Trường giữ nguyên cấu trúc, độ khó của đề thi để đảm bảo sự đánh giá tương đồng cho tất cả đợt thi. Thí sinh làm bài trong thời gian 150 phút và sử dụng kết quả kỳ thi này xét tuyển vào khoảng 100 cơ sở giáo dục. "Đặc biệt năm 2023, Đại học Quốc gia TP.HCM và Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ công nhận lẫn nhau kết quả hai kỳ thi đánh giá năng lực của hai đơn vị", ông Chính nói.
Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT. (Ảnh minh hoạ)
Mở rộng quy mô thí sinh
Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội, trong năm 2023 kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ có 8 đợt thi. Quy mô dự kiến từ 8.000 - 20.000 thí sinh/đợt thi, hướng tới phục vụ khoảng 70.000 thí sinh, tăng mạnh so với năm 2022.
"Để tạo điều kiện cho thí sinh nhiều địa phương tham gia kỳ thi, năm nay chúng tôi mở thêm hai điểm thi mới, nâng tổng số lên bảy điểm thi, gồm các điểm tại Hà Nội, Thái Nguyên, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An", ông Thảo nói.
Ông cũng khẳng định, trường không tổ chức ôn luyện hay không xuất bản các ấn phẩm phục vụ ôn luyện thi đánh giá năng lực (ngoại trừ bài thi tham khảo).
"Chúng tôi nhiều lần nhấn mạnh rằng việc ôn luyện tại các trung tâm, lớp luyện thi không mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả gì. Tuy nhiên, cả phụ huynh và học sinh đều có tâm lý phải đi ôn luyện thi mới đạt kết quả cao, dẫn đến các lớp luyện thi được hưởng lợi.
Do đó, nếu như có bất kỳ kỳ thi nào diễn ra sẽ có lớp luyện thi ngay, từ kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi tư duy, thi đánh giá năng lực, thi tuyển sinh đại học, thi tiếng Anh… đều có các lớp luyện thi. Ngân hàng câu hỏi thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội lớn, bài thi thiết kế theo hướng đánh giá năng lực học sinh thì việc theo học luyện thi chỉ giải quyết vấn đề tâm lý của thí sinh mà thôi" - ông Thảo nhấn mạnh.
Giảm độ khó đề thi
PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2023 sẽ được tổ chức nhiều đợt trong năm (dự kiến năm 2023 sẽ có ba đợt thi) và thí sinh không bị giới hạn các lần thi. Thí sinh sẽ làm bài thi trắc nghiệm trên máy tính trong một buổi thay cho nhiều buổi như năm ngoái.
"Cấu trúc và nội dung bài thi được điều chỉnh gọn nhẹ hơn (giảm thời gian làm bài thi từ 270 phút xuống còn 150 phút). Nội dung bài thi tiệm cận với chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cấu trúc bài thi năm 2023 gồm phần tư duy toán học (thời gian làm bài 60 phút), tư duy đọc hiểu (30 phút) và tư duy khoa học/giải quyết vấn đề (60 phút)" - ông Điền chia sẻ.
Dự kiến tới năm 2027, ngân hàng câu hỏi này sẽ hoàn thiện, đáp ứng được yêu cầu của kỳ thi mở rộng cho nhiều đối tượng học sinh, thi nhiều đợt…
PGS Điều khẳng định, các câu hỏi không còn nhiều sự thách đố, ngăn việc học mẹo và không quá khó so với trước đây.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, các trường dành hơn 30.000 chỉ tiêu xét tuyển từ điểm của các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Tỷ lệ nhập học theo phương thức này chiếm khoảng 2% tổng số thí sinh nhập học của tất cả phương thức.