Một phụ huynh ở Trung Quốc mới đây than thở: Con trai chị đang học lớp 7. Trong kỳ nghỉ hè, cháu bé đã lén ra tiệm để nhuộm tóc. Điều này tất nhiên trái với quy định của nhà trường, tuy nhiên, đứa trẻ hầu như bỏ ngoài tai mọi điều gia đình khuyên nhủ: "Con tôi từng đạt điểm xuất sắc ở trường tiểu học và rất ngoan ngoãn, tôi không biết tại sao nhưng khi vào cấp hai, nó bắt đầu nổi loạn, ngày càng ngoài tầm kiểm soát", bà mẹ này chia sẻ. 

Các nhà tâm lý học cho rằng ở độ tuổi 10 đến 12 trẻ thường bắt đầu nổi loạn và kết thúc vào khoảng 16 đến 20 tuổi. Có thể thấy đỉnh điểm của sự nổi loạn của trẻ là ở giai đoạn học trung học cơ sở, tức là khoảng 14 tuổi.

Tuổi mới lớn là giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình trưởng thành của trẻ, cũng là giai đoạn khiến nhiều bậc cha mẹ đau đầu. Người mẹ nói trên luôn khen con cái của đồng nghiệp rất nghe lời và ngoan ngoãn, nhưng thật ra có khi, chính đứa trẻ trong ngôi nhà của chị cũng đang ghen tị với bố mẹ của những bạn học khác. 

Hầu hết những đứa trẻ không nổi loạn sau khi vào THCS đều xuất thân từ 3 loại gia đình, hãy xem bạn có thuộc trong số này - Ảnh 1.

Giai đoạn cấp 2, con trẻ bước vào giai đoạn dậy thì. Lúc này, tâm lý thay đổi thường xuyên, bất định. Trẻ bị ảnh hưởng nhiều từ tập thể, thường xuyên cảm thấy thất bại, lo âu và thua sút bạn bè. Trẻ tuổi tiền dậy thì có sự tự tôn mạnh mẽ, trọng thể diện. Vào thời kỳ này, càng ép buộc con, tâm lý nổi loạn của con càng mạnh thêm. Nếu trẻ được cha mẹ đối xử công bằng, được người lớn tôn trọng, lớn lên trong môi trường gia đình hòa thuận thì nhất định sẽ hiếu thuận, trở thành "con của người ta" trong mắt mọi người. 

Hầu hết những đứa trẻ không nổi loạn đến từ ba kiểu gia đình:

1. Gia đình có quan hệ cha mẹ hòa thuận

Một người mẹ ở Quảng Châu, Trung Quốc kể, cậu con trai hai tuổi đột nhiên thức dậy lúc nửa đêm, nắm tay mẹ, sau đó nắm tay bố, miệng luôn nói: "Hòa giải, hòa giải". Hóa ra trước khi ngủ, hai vợ chồng cãi nhau một chuyện nhỏ, tưởng con đã ngủ nhưng cậu bé vẫn nghe thấy. "Đôi mắt của trẻ là máy ghi hình còn đôi tai chúng là máy ghi âm. Khi thức dậy trong giấc ngủ, điều mà trẻ lo lắng nhất là chuyện bố mẹ cãi nhau", người mẹ kết luận.


Có một quan niệm rất hay: Tình yêu tốt nhất mà cha mẹ có thể dành cho con cái là vợ chồng yêu thương nhau, bao dung và hiểu nhau, tình cảm của cha mẹ sẽ ảnh hưởng không thể phai mờ đối với con cái trong suốt cuộc đời. Hầu hết những đứa trẻ không nổi loạn đều lớn lên trong bầu không khí gia đình ấm áp, nghĩa là mối quan hệ giữa cha và mẹ rất tốt. Nếu cha mẹ cãi nhau suốt ngày sẽ gây ra ám ảnh tâm lý cho trẻ.

Một gia đình nguội lạnh, tính cách của trẻ cũng sẽ dần trở nên cực đoan và nổi loạn. Nhiều đứa trẻ có cha mẹ không hòa thuận còn nói rằng chúng sẽ không tính đến việc lập gia đình trong tương lai.

Hầu hết những đứa trẻ không nổi loạn sau khi vào THCS đều xuất thân từ 3 loại gia đình, hãy xem bạn có thuộc trong số này - Ảnh 2.

2. Những gia đình không thích so sánh

Trong cuộc sống ngày nay, rất nhiều bố mẹ nhìn vào thành tích của các con mà so đo với nhau. Đa số, các ông bố bà mẹ đều nhìn vào con cái của người khác mà cũng muốn con mình giỏi giang như thế. Tâm lý này của các bậc phụ huynh cũng có thể hiểu được, mục đích của việc nói ra chính là muốn cố gắng đốc thúc con phải nỗ lực hơn để giỏi như con nhà người ta.

Nhiều bậc phụ huynh chỉ đơn giản là không hiểu tâm lý của con như thế nào. Mọi sự kích động thúc ép của bố mẹ đều là vô ích. Khi bố mẹ so sánh con với những đứa trẻ khác chỉ càng khiến chúng áp lực. Trẻ em cũng thích thể diện và hy vọng rằng chúng sẽ được cha mẹ công nhận. Có những bố mẹ cho rằng, chỉ cần kích động tinh thần thì chúng sẽ chiến đấu hết mình, nhưng không phải, lúc này trong lòng chúng chỉ còn lại sự nổi loạn, chán nản.

3. Gia đình có cha mẹ tôn trọng con cái

Montessori cho rằng, bắt trẻ em phải tuân theo ý muốn của người lớn là sai lầm lớn nhất và đáng xấu hổ nhất mà người lớn mắc phải. Ngoài đời, nhiều bậc cha mẹ thích dùng thân phận làm cha làm mẹ để chèn ép con cái. Nếu cha mẹ đối xử với con cái như bạn bè, tôn trọng con cái trong mọi việc, không quá coi trọng quyền hạn của cha mẹ thì con cái sẽ khó xung đột và không có hành vi nổi loạn.

Cha mẹ và con cái giao tiếp trên cơ sở bình đẳng, và không phải lúc nào cũng chỉ huy con cái bằng thái độ cấp trên. Mỗi đứa trẻ đều là một cá thể độc lập, chỉ có người lớn mới cần buông bỏ quyền hạn của mình. Chỉ khi đó, trẻ mới có thể trải nghiệm sự bình đẳng và sẵn sàng mở lòng và trò chuyện với cha mẹ.

Hầu hết những đứa trẻ không nổi loạn sau khi vào THCS đều xuất thân từ 3 loại gia đình, hãy xem bạn có thuộc trong số này - Ảnh 3.

Jack Brem cho rằng những thứ bị cấm luôn hấp dẫn mọi người hơn, đó là cốt lõi của sự nổi loạn của trẻ em. Nhiều bậc cha mẹ sẽ lo lắng nếu cho con tự do quá nhiều, không can thiệp vào hành động của con, sợ con không tuân theo luật lệ. Trên thực tế, không can thiệp không có nghĩa là bỏ bê mà cha mẹ nên làm điều đó một cách có chừng mực.

Đầu tiên, hãy cho trẻ tự do và không gian

Hầu hết những đứa trẻ nổi loạn đều nói rằng bố mẹ càng áp bức thì càng muốn được tự do, bố mẹ bảo phải về nhà ngay sau khi tan học chúng càng muốn lang thang đây đó. Một học sinh từng chia sẻ: "Cha mẹ không cho phép tôi hút thuốc hay uống rượu, nhưng tôi đã làm tất cả mọi thứ. Từ khi còn bé đến khi trưởng thành, yêu cầu của cha mẹ tôi đặc biệt nghiêm khắc, và càng như vậy, tôi càng muốn thoát khỏi sự kiểm soát của cha mẹ".

Với sự kỷ luật và kiểm soát của cha mẹ, trẻ sẽ dần từ chối giao tiếp với cha mẹ và trở nên nổi loạn hơn. Với những đứa trẻ nổi loạn, sự can thiệp và kiểm soát của người lớn về cơ bản là vô ích. Vì vậy, cha mẹ nên dành cho con không gian thích hợp và tự do.

Thứ hai, cha mẹ nên học cách buông bỏ

Hãy suy nghĩ theo quan điểm của con mình, tin tưởng và đồng hành cùng con. Ví dụ, với câu chuyện của bà mẹ ở trên, bạn có thể hỏi đứa trẻ, tại sao con lại nhuộm tóc màu mè? Con có thể để tóc dài hơn hay nhuộm nếu muốn, nhưng phải đợi đến khi học đại học. Hiểu tâm lý hành động của trẻ, cùng trẻ thảo luận vấn đề, tìm cách giải quyết và kiên nhẫn hướng dẫn, giáo dục.

Cuối cùng, cho trẻ quyền lựa chọn

Đừng can thiệp quá nhiều vào cuộc sống của trẻ, hãy cho trẻ quyền lựa chọn mọi thứ theo ý mình bất cứ lúc nào, miễn không vượt quá giới hạn. Chỉ có như vậy, trẻ mới có đủ tự tin để đối mặt với khó khăn và thích nghi với những áp lực khác nhau gặp phải trong học tập và cuộc sống.

Tình yêu thực sự mà cha mẹ dành cho con cái là sự tôn trọng, thấu hiểu và tin tưởng. Với trẻ ở tuổi vị thành niên, cha mẹ cần kiên nhẫn giao tiếp và hướng dẫn trẻ đúng cách để trẻ có thể vượt qua giai đoạn nổi loạn một cách suôn sẻ. 

https://afamily.vn/nhieu-dua-tre-khi-hoc-cap-1-rat-ngoan-nhung-vua-vao-thcs-thi-lien-noi-loan-tuy-nhien-tre-den-tu-3-kieu-gia-dinh-nay-la-ngoai-le-20220606200054728.chn