Nhiều lần làm thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) nhưng bất thành
Thời gian gần đây, khá nhiều người từng là F0 đang gặp khó khăn khi làm các thủ tục hưởng BHXH cho thời gian nghỉ việc, điều trị Covid-19.
Có không ít người mang giấy chứng nhận hoàn thành cách ly y tế tại nhà đến trạm y tế phường để xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội thì không được chấp nhận vì đã... khỏi bệnh.
Chị Tạ Thị H. (SN 1991, ở xã Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội) cho hay, chị cũng gian nan trên hành trình xin giấy tờ xác nhận nghỉ việc hưởng BHXH sau khi nhiễm Covid-19. Sau khi khỏi bệnh chị H. phải đối mặt với tình huống dở khóc dở cười khi xin giấy hưởng BHXH.
"Ít nhất 5 lần tôi tới Trạm Y tế, công an xã…nhưng chưa xong. Tôi mắc Covid-19 từ ngày 28/12/2021, kết thúc khỏi bệnh vào ngày 13/1/2022.
Quy trình xin giấy tờ làm BHXH của tôi khá gian nan. Công ty yêu cầu tôi xin giấy ra viện hoặc giấy nghỉ ốm hưởng BHXH thì mới được hưởng. Tôi ra Trạm y tế xã liên hệ với nhân viên phụ trách ngày báo mình bị F0 thì bạn ấy bảo không thể cấp được hai giấy tờ này. Họ chỉ cấp được duy nhất giấy thông báo cách ly và giấy thông báo dừng cách ly.
Hai giấy tờ này ở chung cư gửi danh sách chung kèm theo những người dương tính ngày khai báo và âm tính vào ngày kết thúc. Tôi xin mãi không được, Trạm y tế xã lại đẩy sang bảo giấy tờ BHXH cần Công an xã cấp. Ra Công an lại thông báo Trạm y tế cấp… thành ra cứ ngược xuôi đi đi lại lại 5 lượt chưa xin nổi.
Tôi mang đến chỗ làm nộp hai tờ thông báo cách ly và giấy thông báo dừng cách ly với F0 nhưng BHXH không chấp nhận", chị H. nói.
Sau nhiều lần liên hệ, trao đổi qua điện thoại cũng như gặp trực tiếp chị H. cuối cùng cũng xin được giấy ra viện có xác nhận của Trung tâm Y tế huyện Gia Lâm cấp nhưng cũng không được công nhận bởi không đúng mẫu, bắt buộc phải xin giấy nghỉ ốm hưởng BHXH.
"Đến nay đã gần 2 tháng kể từ khi khỏi bệnh và đi xin giấy tờ hưởng BHXH của tôi vẫn chưa được. Nói thật giờ tôi cũng chẳng mặn mà làm nữa. Bản thân tôi không trách lực lượng y tế bởi họ cũng ít thông tin, vận hành lúng túng bị động trong trường hợp này.
Tôi phải ra nhiều lần xin giấy vẫn sai. Bản thân đóng BHXH nhưng khi nghỉ ốm phải rất mệt mỏi khi giải quyết các loại giấy tờ phức tạp", chị H. than thở.
Tương tự như chị H., chị Diệu L. (SN 1995, trú tại phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, bị nhiễm Covid-19 từ ngày 6/1 đến 15/1. Tuy nhiên, đã hơn 1 tháng trôi qua, chị rất mệt mỏi vì quy trình xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH để nộp cho cơ quan sau thời gian bị Covid-19 đến nay vẫn chưa đâu vào đâu.
"Quy định để được cấp giấy nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội là khi bạn đang là F0 thì phải xin giấy xác nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.
Sau khi kết thúc điều trị, âm tính, Trạm y tế mới cấp giấy cho mình, như thế khác nào đánh đố. Đã là F0 thì làm sao đi ra ngoài đường xin được? Tại sao không kết hợp dùng khai báo của chúng tôi cho phường, trạm y tế khi bị F0 để hoàn thành thủ tục này, để giảm thủ tục, bớt gây khó dễ cho người dân", chị L. thắc mắc.
Sau thời gian điều trị trở về âm tính, chị L. lên trạm y tế mới được nghe giải thích của nhân viên y tế Trạm y tế phường giờ có quy định mới sẽ cấp lại giấy hưởng BHXH. Vấn đề ngày ký cuối cùng phải trùng với ngày bắt đầu bị bệnh thì y tế phường báo với chị L. không sửa được.
Chị L. cho rằng, nhân viên y tế họ làm đúng theo quy định. Nhưng nếu quy định không đúng phải sửa ngay để tạo điều kiện cho người dân. Bắt người F0 phải đi làm các thủ tục nhận hưởng bảo hiểm khi họ đang dương tính chẳng khác nào tạo điều kiện cho lây lan dịch bệnh.
"Hiện tại tôi có hỏi nơi tôi làm việc thì một số người cũng gặp rắc rối tương tự, sau nhiều lần đi đi lại lại họ cũng nhờ y tế sửa được. Tuy nhiên sợ y tế phường mình chưa nắm được đâm ra rất mệt, có tờ giấy mà xin mãi không xong", chị L. thở dài.
Chuyên gia nói gì?
Nhiều chuyên gia cho rằng giấy chứng nhận hoàn thành cách ly y tế, điều trị F0 tại nhà có thể làm căn cứ làm thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội thay vì quy định phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội như thông tư 56.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Phạm Minh Huân - nguyên thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội - nhấn mạnh Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Y tế cần nghiên cứu chấp thuận thanh toán bảo hiểm xã hội cho người lao động với căn cứ là giấy chứng nhận hoàn thành cách ly y tế, điều trị tại nhà do y tế cơ sở cấp.
"Bổ sung thủ tục như thế nào, nghỉ bao nhiêu ngày, cấp nào cấp giấy… phải cụ thể. Quan trọng là hai cơ quan bàn với nhau phương án tốt nhất cho người lao động.
Thông tư hướng dẫn sửa đổi phải xác định rõ trách nhiệm của y tế cơ sở khi cấp giấy. Nếu phát hiện cấp sai, trục lợi thì xử lý thế nào" ông Huân nêu quan điểm.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thùy Phương, Trưởng phòng bảo hiểm xã hội ngắn hạn, ban thực hiện chính sách (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, giấy chứng nhận hoàn thành cách ly y tế, điều trị tại nhà hoặc giấy chứng nhận ra viện hiện cấp cho người lao động là F0 không đúng với mẫu "giấy chứng nhận hưởng bảo hiểm xã hội" theo thông tư 56 của Bộ Y tế.
Bà Phương cho rằng, việc này dẫn đến BHXH không thể chi trả chế độ theo quy định.
"Nhiều người cho rằng Bảo hiểm xã hội gây khó dễ nhưng nếu chấp nhận giấy tờ không đúng quy định để chi trả chế độ thì khi cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra sẽ buộc phải thu hồi số tiền đã chi", bà Phương nói.
Ngoài ra, theo bà Phương, hiện không ít người lao động là F0 xác định dương tính qua test nhanh hoặc xét nghiệm RT-PCR thường điều trị khỏi bệnh rồi mới đến trạm y tế cấp phường để xin giấy xác nhận dẫn tới ngày cấp không trùng với thời điểm nghỉ việc để điều trị bệnh.
"Việc này không đúng quy định thông tư 56 khi giấy chứng nhận hưởng bảo hiểm xã hội phải được cấp trước hoặc trùng với thời gian lao động khám, chữa bệnh, ra viện hoặc nghỉ ốm.
Hiện chưa có quy định, hướng dẫn về việc cấp các giấy tờ làm hồ sơ căn cứ hưởng bảo hiểm xã hội với đối tượng F0 điều trị tại nhà. Tuy vậy, cơ quan Bảo hiểm xã hội nhận thấy cần có sự linh hoạt, cải cách thủ tục trong cấp hồ sơ giấy tờ để nhanh giải quyết quyền lợi cho người lao động", bà Phương nêu nhận định.