Giáo viên gây bất ngờ trước khả năng vẽ như họa sĩ

Cô Hồng Huy, 31 tuổi, là giáo viên tiếng Anh tại trường Tiểu học Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Thấy thương học sinh ở vùng sâu vùng xa, cô Huy muốn làm chút gì đó tươi mới hơn cho các em. Cô quyết định học vẽ bảng để làm mới không gian lớp và muốn học sinh thích thú trước những bài giảng.

Ban đầu, cô Huy tự vẽ theo cảm xúc, rồi tìm hiểu qua mạng và xem tranh của các thầy cô khác xong vẽ lại. Tuy nhiên, do không biết bắt đầu từ đâu và chưa biết cách dùng phấn phù hợp, cô chỉ vẽ được những hình đơn giản và chưa đủ đặc sắc.

Nhiều giáo viên tiểu học gây bất ngờ với trào lưu “vẽ tranh bảng”  - Ảnh 1.

Một vài hình vẽ trang trí bảng của cô Trần Thị Hồng Huy.

Cô giáo tiếng Anh sau đó học thêm một khóa hướng dẫn vẽ bảng online. Từ đây, cô hiểu rõ hơn về kỹ thuật và vẽ được nhiều tranh hơn. Dù mới học, chưa vẽ được bức phức tạp song cô cũng khiến học sinh trầm trồ.

Khi cô vẽ, học sinh thích thú đứng xem, vừa khen, vừa trò chuyện. “Các em rất hồn nhiên, cô chỉ cần vẽ một hình đơn giản bằng phấn thôi, không phải tranh gì quá cao siêu là các em đã thích lắm rồi. Có em còn hỏi: Sao cô dạy tiếng Anh mà cô vẽ đẹp vậy. Bộ hồi đó cô thích vẽ mà ba mẹ bắt đi học tiếng Anh hả cô?”, cô giáo Huy cười.

Nhiều giáo viên tiểu học gây bất ngờ với trào lưu “vẽ tranh bảng”  - Ảnh 2.

Cô Huy khiến học sinh thích thú bởi những bức vẽ thú vị.

Việc vẽ tranh không chỉ làm chiếc bảng đẹp hơn mà còn tạo bầu không khí của lớp tươi vui, hứng thú hơn. Trong một số tiết học tiếng Anh, cô Huy dùng phấn phác họa nhanh vài hình vẽ để dạy từ vựng. Cô cũng hướng dẫn học sinh vẽ sơ đồ tư duy đơn giản để nâng cao hiệu quả học tập cho các em. 

“Tuy nhiên, việc trang trí bảng tốn khá nhiều thời gian nên áp dụng một cách phù hợp. Nếu dùng đúng cách, nó sẽ làm đa dạng phương pháp dạy và học. Tôi nghĩ trào lưu trang trí bảng của giáo viên tiểu học rất hữu ích nên sẽ tiếp tục cố gắng để vẽ tốt hơn”, cô giáo Huy nói.

Nhiều giáo viên tiểu học gây bất ngờ với trào lưu “vẽ tranh bảng”  - Ảnh 3.

Việc trang trí bảng tốn khá nhiều thời gian, nên cô Huy chọn những hình đơn giản.

Chị Trương Thị Trang, 36 tuổi, là giáo viên dạy Mỹ thuật tại trường Tiểu học Phan Chu Trinh, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, cũng thấy hạnh phúc khi được học sinh và phụ huynh khen ngợi.

Cô Trang kể một lần vẽ bảng chuẩn bị cho cuộc họp phụ huynh. rồi bất ngờ trước những vẻ mặt chăm chú như đi xem triển lãm tranh. “Phụ huynh không ngớt lời khen và chụp hình lưu niệm. Sang ngày thứ 2, học sinh đến lớp cũng tròn mắt ngạc nhiên, xin cô chủ nhiệm giữ lại phần góc bảng để ngắm. Lúc ra chơi, học sinh lớp khác cũng tới chụp hình”, cô Trang chia sẻ.

Nhiều giáo viên tiểu học gây bất ngờ với trào lưu “vẽ tranh bảng”  - Ảnh 4.

Bức trang trí bảng của cô giáo Trương Thị Trang.

Dù vẽ bảng chỉ được phút chốc rồi xóa nhưng nó để lại ấn tượng và sự thích thú trong mỗi  học sinh, đặc biệt là các em mới vào lớp Một. Theo cô Trang, việc vẽ tranh bảng còn giúp các em hình thành thói quen quan sát, cảm nhận về thẩm mĩ, về cái đẹp. Khi cảm nhận được, học sinh sẽ yêu thích và có thể ứng dụng vào cuộc sống hằng ngày, tăng năng lượng tích cực. 

Cô giáo Mỹ thuật chia sẻ, việc dùng phấn vẽ tranh bảng khó hơn vẽ màu trên các chất liệu khác. Vì không phối được nhiều màu, chỉ dùng phấn có sẵn nên đôi lúc không thể hiện được chiều sâu như tranh vẽ. Nếu bảng trơn không ăn phấn thì vẽ không được đẹp. Nếu bảng ăn phấn, kết hợp phấn nổi thì bức vẽ sẽ sinh động hơn. Khi mới vẽ, cô Trang mất khoảng 2 tiếng để hoàn thành một bức tranh chi tiết, nếu nhanh thì 15-30 phút, tùy mức độ phức tạp.

Nhiều giáo viên tiểu học gây bất ngờ với trào lưu “vẽ tranh bảng”  - Ảnh 5.

Những bức có chi tiết phức tạp, cô Trang cần nhiều thời gian để vẽ.

Trào lưu giúp giáo viên tăng sự khéo léo, giải tỏa căng thẳng

Việc trang trí bảng đang được nhiều giáo viên quan tâm và áp dụng. Trong một nhóm chia sẻ kinh nghiệm vẽ tranh bảng trên mạng xã hội, có tới hơn 16.000 thành viên hoạt động thường xuyên. Số nhiều trong đó là giáo viên bậc tiểu học và trung học.

Anh Nguyễn Huy Du, 26 tuổi, người lập nhóm này, đồng thời là giáo viên trường Tiểu học Nghĩa Hưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. 

Là một trong những người tiên phong trào lưu vẽ tranh bảng, anh Du không nghĩ nó được nhiều người yêu thích đến vậy. Ban đầu, anh chỉ dùng các kỹ năng học được để ghi tiêu đề bài học. Sau này, anh bắt đầu vẽ minh họa, vẽ sơ đồ tư duy tóm tắt bài học, biến kiến thức trở nên sinh động và trực quan hơn. Nhận thấy cách này giúp học sinh nhớ nhanh và lâu hơn, anh tiếp tục duy trì. 

Nhiều giáo viên tiểu học gây bất ngờ với trào lưu “vẽ tranh bảng”  - Ảnh 6.

Anh Du chia sẻ cách vẽ trang trí bảng cho đồng nghiệp.

Vào những ngày lễ, ngày kỷ niệm trong năm học, anh vẽ những bức hình lớn để trang trí cho học sinh thích thú và thêm yêu môn nghệ thuật này. Từ đó, anh bắt đầu lập nhóm trên mạng xã hội.

Anh Du cho biết lập nhóm này từ năm 2019, mục đích là giao lưu bài vẽ bảng với các thầy cô giáo khác và chia sẻ cách vẽ cho mọi người tham khảo. Anh không ngờ những bài chia sẻ của mình lại thu hút nhiều lượt tương tác và tạo ra trào lưu rộng rãi.

"Mọi người rất quan tâm các bài vẽ và thấy việc vẽ trang trí bảng đơn giản hơn. Họ bắt đầu thử sức cầm phấn để tự trang trí bảng cho lớp học của mình. Nhiều giáo viên thích thú chia sẻ tranh của mình trên nhóm. Càng ngày, số lượng thành viên trong nhóm càng tăng", anh Du nói.

Nhiều giáo viên tiểu học gây bất ngờ với trào lưu “vẽ tranh bảng”  - Ảnh 7.

Bức vẽ tranh trên bảng của anh Phạm Đức.

Thấy trào lưu này hay, nhiều giáo viên tìm đến các lớp dạy vẽ để học thêm. Anh Phạm Đức (32 tuổi, quê Quảng Ninh) đã dạy khoảng 1000 học viên. Học viên của anh chủ yếu là sinh viên sư phạm và các thầy cô giáo tiểu học. 

“Vài năm gần đây, việc vẽ và trang trí bảng được quan tâm nhiều hơn, tạo ra một phong trào rất sôi nổi, đặc biệt là từ các thầy cô giáo tiểu học. Đó là làn gió mới giúp việc dạy và học cùng các hoạt động ngoại khoá thêm phần hiệu quả hơn, sinh động và thu hút hơn sự học tập của học sinh”, anh Đức cho hay.

Nhiều giáo viên tiểu học gây bất ngờ với trào lưu “vẽ tranh bảng”  - Ảnh 8.

Một số bức vẽ khác của anh Đức.

Anh Đức cho rằng, các bạn học sinh tiểu học luôn bị thu hút bởi những hình vẽ độc đáo, sắc màu. Cho nên, khi kết hợp bài giảng cùng hình vẽ, các con tỏ ra vô cùng thích thú và tập trung, qua đó tác động rất tích cực đến khả năng thu nạp kiến thức cũng như tư duy sáng tạo của các bé.

“Tôi nghĩ đây là một trào lưu hay, mang tính tích cực. Nó còn giúp giáo viên rèn luyện thêm sự khéo léo, sáng tạo, đồng thời nâng cao chất lượng giảng dạy cùng các hoạt động ngoại khoá. Thêm nữa, nghệ thuật này cũng giúp giáo viên thư giãn, giải tỏa căng thẳng”, anh Đức nói.