Các mẹ hoang mang vì uống vitamin A về con bị nôn ói
Đợt bổ sung vitamin A liều cao dành cho trẻ từ 6-36 tháng tuổi lần 2 trong năm 2019 đang diễn ra tại nhiều trạm y tế xã, phường trên cả nước. Tuy nhiên, một số mẹ sau khi cho con đi uống vitamin A về đã "cảnh báo" rằng con gặp tác dụng phụ, trong đó phổ biến nhất là nôn trớ, khiến các mẹ bỉm sữa khác vô cùng hoang mang.
Cụ thể, mẹ D.H lên tiếng cảnh báo như sau: "Bé nhà em mới 8 tháng. Hôm qua em cho bé đi uống vitamin A lúc 9h sáng. Lúc đầu con vẫn ăn chơi bình thường, 7h tối con bắt đầu nôn, nôn rất nhiều mặc dù con không hề bị ho hay viêm họng. Em hoảng quá cho con vào viện luôn vì em nghĩ hay do mình cho con ăn tối là cháo thịt bò cà chua bị ngộ độc chứ không nghĩ gì đến việc uống vitamin A nhé. Bác sĩ cho đi siêu âm thì kết quả bình thường. Lúc đang ngồi chờ bác sĩ kết luận thì cũng gặp một mẹ có bé cùng tháng tuổi với bé nhà em sau một lúc nói chuyện thì hóa ra là 2 bé bị giống nhau. Bác sĩ kết luận do ngộ độc vitamin A vì uống quá liều. Em là cạch mặt vitamin A luôn nhé".
Thực hư thông tin uống vitamin A gây ngộ độc, nôn ói?
Các chuyên gia cho biết, vitamin A dùng trong chiến dịch bổ sung vi chất dinh dưỡng quốc gia 2 lần trong năm có 2 dạng: dạng 100.000 đơn vị và 200.000 đơn vị, liều ngộ độc ở trẻ em là trên 300.000 đơn vị. Vì thế thông tin trẻ đi uống vitamin A miễn phí về bị ngộ độc là không chính xác.
Tuy nhiên, trong trường hợp bé đã được cho uống vitamin A hàng ngày và đến đợt uống vitamin A miễn phí liều cao vào tháng 6 và tháng 12 hàng năm vẫn cho đi uống thì mới có khả năng ngộ độc.
Theo tài liệu của Tổ chức y tế thế giới WHO, bổ sung vitamin A giúp giảm tỉ lệ mắc bệnh và tử vong ở trẻ em và được khuyến cáo bổ sung cho trẻ sơ sinh và trẻ em 6–59 tháng ở các quốc gia nằm trong nhóm có nguy cơ thiếu vitamin A. WHO cũng khẳng định bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ không gây ra bất kì tác dụng phụ đáng kể nếu bổ sung đúng đối tượng và đúng liều lượng.
Một số thử nghiệm bổ sung vitamin A cho trẻ 6–59 tháng tuổi có tìm thấy tác dụng phụ nhưng ở mức nhẹ và thoáng qua như khó chịu, đau đầu, sốt, tiêu chảy, buồn nôn và nôn. Tuy nhiên, tác dụng phụ này được ghi nhận là rất nhẹ, hiếm gặp và không đáng kể nếu so sánh với những lợi ích ngăn ngừa nguy cơ mù lòa và tử vong khi trẻ được bổ sung vitamin A.
Bác sĩ Nhi khoa Trần Thị Huyên Thảo, hiện đang công tác tại TP. Hồ Chí Minh cũng khẳng định trong cuốn sách "Chat với bác sĩ" của mình rằng: "Bố mẹ có thể lo lắng về tác dụng phụ của thuốc và sợ khi nghe đến từ liều cao, tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy, ngoài tác dụng phụ có thể tăng nguy cơ nôn ói của trẻ trong 48 giờ sau khi uống, các tác dụng phụ nguy hiểm khác hầu như không có ý nghĩa. Từ khi áp dụng bổ sung vitamin A mỗi năm 2 lần ở Việt Nam, chưa một trường hợp ngộ độc nào được ghi nhận".
Bác sĩ Đỗ Tiến Sơn - phụ trách chuyên môn của page Chăm con chuẩn Mỹ khẳng định: Uống vitamin A liều cao mỗi 6 tháng 1 lần tại phường, xã không gây quá liều vitamin A. Ở trẻ 6-60 tháng tuổi, sau uống vitamin A có thể có các tác dụng phụ nhẹ và thoáng qua như: khó chịu, quấy, đau đầu, tiêu chảy, buồn nôn và nôn hoặc thóp đầy (ở trẻ còn thóp). Các tác dụng phụ này hiếm gặp nhưng nó lại trùng lặp với các dấu hiệu của bệnh nặng như viêm màng não, chấn thương sọ não... Vì thế, khi con có các biểu hiện trên, bố mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.